VnReview
Hà Nội

Phát hiện nhóm sinh vật có "tình bạn" bên nhau hơn 250 triệu năm không rời!

Ngoài khơi bờ biển phía Tây nam của Nhật Bản, có một nhóm sinh vật đã cùng nhau tồn tại trong hàng trăm triệu năm qua khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.

Nhóm các nhà nghiên cứu của Nhật Bản và Ba Lan đã phát hiên ra một loài huệ biển (nó là động vật chứ không phải thực vật) lưu trữ các loài san hô và hải quỳ trên thân mình. Đây được coi là một trường hợp cộng sinh đầy bất ngờ. Những sinh vật này được phát hiện lần cuối cùng khi 'dạo chơi' cùng nhau là trong các hóa thạch có trước cả khi con khủng long bạo chúa đầu tiên xuất hiện. Vì vậy, tình bạn giữa nhóm sinh vật này vẫn tồn tại đến ngày nay được các nhà khoa học cho là điều hạnh phúc và rất tốt đẹp.

Huệ biển Nhật Bản cao khoảng 2 foot (khoảng hơn 60 cm), thuộc lớp crinoid, là một loài động vật có họ hàng với nhím biển và sao biển. Huệ biển có điểm đặc trưng là có 1 miệng ở trên cùng được bao quanh bởi các cánh tay.;

Hải quỳ cộng sinh trên thân huệ biển

Trong bài báo mới nhất được xuất bản trên tạp chí Palaeogeography, các nhà khoa học đã mô tả việc san hô và hải quỳ bám vào huệ biển là một sự hợp tác giữa các loài phổ biến ở Đại cổ sinh. Tuy nhiên, đến cuối Đại cổ sinh thì hồ sơ hóa thạch về sự hợp tác này đã không còn.

Theo Mikołaj Zapalski, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Warsaw và là tác giả chính của nghiên cứu, hóa thạch gần đây nhất của một loài crinoids và san hô cùng tồn tại theo kiểu này đã 273 triệu năm tuổi. Nhà nghiên cứu cũng cho biết san hô và crinoids được tìm thấy trong cách trầm tích hóa thạch trẻ hơn ở Đại cổ sinh (kết thúc ở khoảng 250 triệu năm trước). Vì vậy, nhóm các nhà nghiên cứu đã thực sự sửng sốt khi phát hiện các sinh vật này vẫn còn liên kết và cộng sinh với nhau ở vùng nước sâu ngoài khơi Nhật Bản.

Theo các nhà nghiên cứu, mối quan hệ cộng sinh kể trên có những lợi ích rất đặc trưng. San hô có thể nhờ huệ biển mà nhô cao hơn khỏi đáy biển, tiếp cận dòng chảy mạnh hơn để kiếm ăn. Trong khi đó, các sinh vật nhỏ không xương như hải quỳ có thể dựa vào cấu trúc phân nhánh của huệ biển để trụ vững giữa các đợt trôi dạt.

Toàn bộ thân huệ biển (mũi tên chỉ vị trí của Metridioidea)

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng lưới để thu thập các mẫu vật ở vịnh Sukumo của đảo Shikoku vào năm 2015 và phát hiện sự hiện diện của Metridioidea trên huệ biển. Hứng thú với phát hiện này, họ đã tìm kiếm các mẫu vật khác ở đáy vịnh Suruga của đảo Honshu vào năm 2019. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu vật dưới kính hiển vi lập thể. Dưới ống kính đó, thân huệ biển giống như các cọc kim loại vững chãi cho san hô bám vào.

Phát hiện kể trên có thể không hào nhoáng như việc tìm ra loài cá mập mới hay thấy được loài cá nào đó phát sáng. Tuy nhiên, việc tìm được mối quan hệ cổ xưa tồn tại cho đến ngày nay là lời nhắc nhở về việc con người biết quá ít những gì diễn ra trong đại dương sâu thẳm.

Nguyễn Dương (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác