VnReview
Hà Nội

Cần những yếu tố nào để trở thành một phi hành gia?

Sức hút của việc được thoát khỏi lực hấp dẫn, bay lơ lửng trên trái đất và du hành trong không gian khiến trở thành phi hành gia là giấc mơ của rất nhiều người. Vậy cần những gì để trở thành một phi hành gia?

Trước tiên, để trở thành ứng viên cho vị trí phi hành gia, bạn thường sẽ phải là công dân của một quốc gia có cơ quan hàng không vũ trụ. Ví dụ: để đăng ký vào NASA bạn phải là công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một số công ty vũ trụ tư nhân có thể tuyển dụng vị trí phi hành gia mà không cần quan tâm đến quốc tịch ứng viên.

Tiếp theo là bạn sẽ cần trình độ học vấn khá cao. Ví dụ: để trở thành phi hành gia của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), bạn cần có bằng thạc sĩ trở lên về khoa học tự nhiên, y học, kỹ thuật, toán học hoặc khoa học máy tính. Nếu không có các loại bằng cấp trên, bạn có thể là phi hành gia nếu sở hữu bằng experimental test pilot.

Tuy nhiên, việc có bằng cấp cao là không đủ để trở thành phi hành gia. Để được xem xét cho vị trí phi hành gia, các ứng viên cũng cần có kinh nghiệm thực tế - với NASA là ít nhất 2 năm kinh nghiệm có liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của họ còn với ESA là 3 năm. Cùng với đó, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng trên Trạm vũ trụ quốc tế nên chắc chắn bạn phải thông thạo nó. Ngoài ra, các ứng viên thông thạo các ngôn ngữ khác, như tiếng Nga chẳng hạn, là một lợi thế lớn nhưng không phải là yêu cầu bắt buộc.

Cùng với đó, các ứng viên phi hành gia sẽ có một danh sách các bài kiểm tra sức khỏe cần phải vượt qua. Ví dụ: các ứng viên của NASA phải vượt qua được bài kiểm tra thể chất phi hành gia cho chuyến bay dài. Anne Roemer, giám đốc tuyển chọn phi hành gia tại NASA cho biết: 'Thông thường, khi gần kết thúc quá trình lựa chọn, chúng tôi đưa họ qua cùng một quy trình đánh giá để xem xét xem ứng viên có thực sự phù hợp không. Điều này chỉ để đảm bảo rằng họ sẽ đủ điều kiện để được giao nhiệm vụ bay trong vũ trụ'.

Trong quá khứ, nếu có khuyết tật về thể chất thì ứng viên sẽ gần như chắc chắn không thể trở thành phi hành gia. Tuy nhiên, gần đây ESA đã khởi động một dự án đặc biệt và có thể tuyển dụng cả những người có vóc dáng thấp bé, chỉ cần họ đáp ứng đủ nhu cầu về sức khỏe cũng như học vấn. Cơ quan vũ trụ châu Âu sẽ làm việc với phi hành gia này để xác định nhiệm vụ phù hợp của họ trong không gian.

Sức khỏe tinh thần cũng là một yếu tố đánh giá các ứng viên muốn trở thành phi hành gia. Phi hành gia phải làm việc nhiều giờ trong các tình huống căng thẳng cao độ. Họ phải xa bạn bè, gia đình trong nhiều tháng và giao tiếp với người trên trái đất là một thách thức. Ví dụ, trên Trạm vũ trụ quốc tế có sẵn các phương tiện liên lạc để phi hành gia thực hiện cuộc gọi video về nhà. Tuy nhiên, các cuộc gọi như vậy có độ trễ vài giây. Đối với các sứ mệnh khác như tới sao Hỏa chẳng hạn, việc liên lạc với người thân sẽ trở nên khó khăn hơn. Phi hành gia cũng bị mắc kẹt trong những khu vực rất nhỏ, kín và khá khó chịu.

Dagmar Boos, người đứng đầu Trung tâm Chính sách và Năng lực của ESA cho biết: 'Trong quá trình tuyển chọn phi hành gia, chúng tôi sẽ kiểm tra tâm lý, sự ổn định tinh thần của họ. Sự ổn định tinh thần rất quan trọng với cá nhân phi hành gia và sự an toàn của cả đội nói chung'.

Những điều bài viết này vừa liệt kê là yêu cầu cơ bản còn việc chính thức trở thành phi hành gia sẽ cần rất nhiều yếu tố khác. Trong số hơn 18.000 người đăng ký vào lớp phi hành gia của NASA năm 2017, chỉ có 12 người được chọn. Thí sinh trúng tuyển phải là người thực sự ấn tượng để nổi bật giữa đám đông.

Một phẩm chất mà nhóm tuyển chọn của NASA tìm kiếm là phi hành gia vừa phải có khả năng lãnh đạo, vừa là một người nhân viên cần cù. Kinh nghiệm làm việc trong các môi trường khắc nghiệt, như Bắc cực hay sa mạc cũng là một lợi thế.

Roemer nói: 'Chúng tôi tìm những người giỏi toàn diện để trở thành phi hành gia. Họ cần có cả thành tích trong công việc xuất sắc, sở thích và những mối quan tâm lành mạnh, phù hợp'.

Nguyễn Dương Theo LiveScience

Chủ đề khác