VnReview
Hà Nội

Thuật toán máy tính đã có thể "dịch" ý nghĩ trong đầu thành chữ viết như người bình thường

Giao diện thần kinh đột phá mới của các nhà khoa học Mỹ có thể giúp đọc chữ viết tay từ não của một người đàn ông bị liệt và chuyển nó thành ký tự văn bản trên màn hình.

Một giao diện máy tính-não đột phá đã cho phép một người đàn ông bị liệt có thể "gõ" 90 ký tự mỗi phút. Nghiên cứu mới cho thấy một bước tiến đáng kinh ngạc trong giao tiếp của những người sử dụng hệ thống "não để nhắn tin". Thay vì cố gắng tạo bàn phím ảo để sử dụng bằng cách đọc hoạt động thần kinh, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào việc theo dõi chữ viết tay tưởng tượng.

Các hệ thống hiện tại thường sẽ theo dõi hoạt động của não và ánh xạ hoạt động đó lên máy tính dựa trên những suy nghĩ liên quan đến chuyển động của cánh tay. Bằng cách theo dõi các suy nghĩ, ngay cả khi bản thân cánh tay không thể di chuyển, chúng có thể ánh xạ tới các phím đánh dấu trên bàn phím ảo hoặc một loại giao diện khác để tạo thành chữ viết và văn bản.

Mặc dù nó hoạt động rất hiệu quả nhưng tốc độ bị giới hạn. Theo Krishna Shenoy, điều tra viên Viện Y tế Howard Hughes thuộc Đại học Stanford cùng với bác sĩ giải phẫu thần kinh Jaimie Henderson, các hệ thống hiện tại cho phép nhập liệu khoảng 40 ký tự/phút thông qua giao diện máy tính-não (BCI). Thay vì chuyển động của cánh tay, họ xem xét hoạt động của não khi mọi người tưởng tượng ra chữ viết tay.

Hóa ra theo chuyên gia nghiên cứu tại HHMI và nhà thần kinh học Frank Willett (một thành viên trong dự án), việc tưởng tượng các chữ cái thành chữ viết tay trong các mô hình hoạt động theo cách rất đặc biệt. Do đó, một thuật toán được đào tạo để nhận ra chữ viết tay đó nhanh hơn nhiều so với hệ thống BCI hiện có.

Đối tượng nghiên cứu là một người đàn ông 65 tuổi, sau khi bị chấn thương tủy sống đã bị liệt từ cổ trở xuống. Anh ta được cấy hai cảm biến vào phần não thường điều khiển bàn tay và cánh tay. Sau đó hệ thống cảm biến sẽ liên kết với máy tính. Khi anh ta tưởng tượng việc viết các chữ cái như thể bằng bút trên giấy, các thuật toán có thể chuyển đổi những xung động đó thành văn bản kỹ thuật số.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Với hệ thống này, người đàn ông có thể sao chép các câu và trả lời các câu hỏi với tốc độ tương tự như một người cùng tuổi gõ trên smartphone. Trên thực tế, anh ấy có thể tạo ra văn bản với tốc độ 90 ký tự/phút, gần gấp đôi tốc độ của các hệ thống BCI hiện có".

Mục đích của nghiên cứu là tạo ra một loại chữ viết, một cách thức nhập văn bản, điều hướng con trỏ và nhấp thay thế các hình thức nhập hiện tại dành cho người bị liệt. Nhóm các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cách giải mã giọng nói và hình dung ra một hệ thống thống nhất sẽ hỗ trợ các phương thức nhập văn bản khác nhau nhằm khai thác chung các lợi thế về tốc độ và độ chính xác của mỗi phương thức.

Tiếp theo, nhóm có kế hoạch làm việc với một người tham gia thử nghiệm "không thể nói", bởi lẽ nhóm đang muốn phát triển hệ thống thật toàn diện. Mặc dù còn quá sớm để nói về phiên bản thương mại hóa của hệ thống mới nhưng mục tiêu cuối cùng là cho phép người dùng bị liệt có thể giao tiếp trong thời gian thực thay vì buộc họ phải chọn qua các phương thức giao tiếp tốn nhiều thời gian hơn.

Tiến Thanh (Theo Slashgear)

Chủ đề khác