VnReview
Hà Nội

Israel và Hamas đang dùng vũ khí gì để tấn công, đánh chặn nhau?

Chuyên gia nhận định các rocket được Hamas sử dụng hiện nay có kích thước lớn hơn so với rocket dùng trong cuộc chiến với Israel năm 2014. Trong khi đó, Israel có lá chắn Vòm sắt, nhiều loại máy bay tấn công, gồm F-35.

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas - tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza - đang ngày càng căng thẳng, với đòn tập kích dồn dập của Hamas và các cuộc không kích của quân đội Israel nhắm vào Dải Gaza trong 4 ngày qua.

Mồi lửa trực tiếp cho căng thẳng lần này được cho là việc chính quyền Israel đuổi một số gia đình Palestine sinh sống đã lâu tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem.

Hãng tin Reuters ngày 14/5 dẫn thông tin từ các quan chức y tế Palestine cho biết đã có ít nhất 122 người chết ở Dải Gaza (trong đó có 31 trẻ em và 20 phụ nữ) và 900 người bị thương. Trong khi đó có 8 người chết ở Israel.

Những vũ khí được Hamas dùng

Israel và Hamas đang dùng vũ khí gì để tấn công, đánh chặn nhau?

Báo Washington Post dẫn lại bài đăng của nhà phân tích độc lập Fabian Hinz cho thấy những rocket được lực lượng Hamas sử dụng, gồm các loại sản xuất nội địa/có sự hỗ trợ của bên ngoài, và có được từ nước ngoài. Ảnh: TWITTER/Fabian Hinz

Hamas được cho là đang sử dụng nhiều rocket A-120 để tấn công Israel - Ảnh chụp màn hình Twitter

Hamas được cho là đang sử dụng nhiều rocket A-120 để tấn công Israel. Ảnh chụp màn hình Twitter

Tầm hoạt động của một số loại rocket mà Hamas sở hữu, cho thấy có loại rocket có khả năng hoạt động gần như bao trùm Israel. Đồ họa: BBC

Tầm hoạt động của một số loại rocket mà Hamas sở hữu, cho thấy có loại rocket có khả năng hoạt động gần như bao trùm Israel. Đồ họa: BBC

Phong trào Hồi giáo Hamas được thành lập năm 1987 với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trong một khu vực mà ngày nay là Israel, Bờ Tây (West Bank) và Dải Gaza. Hamas có liên hệ mật thiết với tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ở Ai Cập.

Theo trang EurAsian Times, kể từ đó, Hamas đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào người Israel, do tình trạng thù địch của họ với người Do Thái.

Những quả rocket (pháo phản lực) được sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay chủ yếu được sản xuất tại địa phương, với tầm bắn 12 - 120km. Theo nhiều chuyên gia quân sự, hầu hết số rocket này là A-120. Chúng được đưa vào các bệ phóng được sản xuất tại địa phương, với 8 ống phóng mỗi bệ.

Các rocket S-40 - với tầm bắn 40km và phóng thông qua các bệ phóng 8 ống phóng - cũng được sử dụng. Những rocket này được lưu trữ trong các silo ngầm, được đưa xuống dưới cát để tránh máy bay do thám của Israel. Chúng sẽ được đưa ra khỏi các silo, đưa lên bệ phóng và bắn.

Lực lượng Hamas cũng sử dụng hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS) lắp trên các xe tải. Theo EurAsian Times, lực lượng Hamas còn dùng nhiều pháo phản lực Katyusha (Ca-chiu-sa) thời Liên Xô - BM-21 Grad.

Fabian Hinz, nhà phân tích tình báo độc lập chuyên về tên lửa ở Trung Đông, nói rằng Hamas cũng có được rocket từ nước ngoài, gồm Fajr-3 và Fajr-5 từ Iran cũng như rocket M302 từ Syria. Nhưng giờ đây họ có thể sản xuất nội địa các rocket có tầm bắn bao trùm hầu hết lãnh thổ Israel.

Ngoại trừ rocket, Hamas sử dụng các tên lửa điều khiển chống tăng (ATGM) chống lại quân đội Israel. Họ vốn được biết tới với việc sử dụng rộng rãi súng cối. Lực lượng này cũng sở hữu tên lửa phòng không.

Bên cạnh đó, quân đội Israel tường thuật Hamas đã sử dụng các máy bay không người lái Kamikaze (cảm tử) từ Dải Gaza.

Những vũ khí được Israel dùng

Đây là cách mà hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel hoạt động, với các bước: (1) Rocket của địch được bắn đi, (2) Hệ thống radar phát hiện rocket và theo dõi, (3) Hệ thống kiểm soát ước tính điểm va chạm, (4) Bệ phóng bắn tên lửa để đánh chặn, (5) Tên lửa nổ gần rocket, phá hủy rocket - Đồ họa: BBC

Đây là cách mà hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel hoạt động, với các bước: (1) Rocket của địch được bắn đi, (2) Hệ thống radar phát hiện rocket và theo dõi, (3) Hệ thống kiểm soát ước tính điểm va chạm, (4) Bệ phóng bắn tên lửa để đánh chặn, (5) Tên lửa nổ gần rocket, phá hủy rocket - Đồ họa: BBC

Trong số những vũ khí được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), tức quân đội Israel, sử dụng trong cuộc đụng độ lần này với Hamas, nổi bật là hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt).

Israel nói rằng lá chắn Vòm Sắt đã chặn được hơn 90% rocket bay về hướng các khu vực đông dân, cứu hàng trăm mạng người. Từ hôm 10/5 tới nay, có khoảng 1.800 rocket được phóng từ Dải Gaza về hướng Israel.

Tuy nhiên, với việc dùng rocket tấn công ồ ạt Israel, Hamas dường như đang tìm cách gây quá tải cho hệ thống Vòm Sắt. Phía Israel sẽ tốn kém nhiều hơn vì họ chi hàng chục ngàn USD cho mỗi tên lửa đánh chặn dùng trong hệ thống này.

Phó giáo sư Michael Armstrong tại Đại học Brock (Canada) ước tính Hamas đã có thể gây ra nhiều thương vong hơn bằng rocket tính tới hôm 12/5, với 1 người chết/142 rocket, so với 1 người chết/1.484 rocket vào năm 2014.

Đây là cách mà hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel hoạt động, với các bước: (1) Rocket của địch được bắn đi, (2) Hệ thống radar phát hiện rocket và theo dõi, (3) Hệ thống kiểm soát ước tính điểm va chạm, (4) Bệ phóng bắn tên lửa để đánh chặn, (5) Tên lửa nổ gần rocket, phá hủy rocket - Đồ họa: BBC

Nước này đã sử dụng các cuộc không kích dưới chiến dịch có tên "Người bảo vệ những bức tường" (Guardian of the Walls) khi trả đũa các cuộc tấn công bằng rocket của Hamas. Các cuộc không kích này nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng và các kho vũ khí, nỗ lực tiêu diệt các lãnh đạo quan trọng của Hamas.

Quân đội Israel cũng đang vận hành nhiều loại máy bay tấn công, gồm máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 do Mỹ chế tạo - F-35 Lightning-II (gọi tắt là F-35) mà họ sở hữu gần đây.

Theo Hãng tin Reuters, năm 2018, Israel tuyên bố họ là quốc gia đầu tiên sử dụng tiêm kích F-35 trong chiến đấu. Điều này cũng đồng nghĩa Israel là quốc gia đầu tiên triển khai F-35 cho vai trò chiến đấu ở Trung Đông.

Hiện nay không loại trừ khả năng Israel dùng tiêm kích F-35 trong cuộc xung đột với Hamas. Quân đội Israel đã công bố nhiều video và thông tin về các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu thuộc Hamas.

Israel cũng sử dụng các tiêm kích F-15 và máy bay chiến đấu F-16 trong nhiều năm qua, để bỏ bom nhắm vào các mục tiêu ở Dải Gaza cùng các khu vực xung quanh.

Theo báo Washington Post, giới phân tích nói rằng Hamas vốn biết được họ bị Israel áp đảo về sức mạnh quân sự. Thời gian càng kéo dài, Hamas sẽ càng tốn nhiều vũ khí, trong khi Israel chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng các cuộc tấn công vào Dải Gaza.

Hiện Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Israel và Dải Gaza. Báo The Economist hôm 13/5 bình luận chỉ có đàm phán mới có thể mang lại hòa bình lâu dài cho Israel và Palestine.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề khác