VnReview
Hà Nội

Nhân loại đang vắt kiệt tài nguyên của Trái Đất

Một nghiên cứu trên tạp chí;Nature Sustainability chỉ ra con người đang tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn mức Trái Đất có thể sản sinh, khiến cho hệ sinh thái dần cạn kiệt.

Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số dự đoán về sự thâm hụt tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất. Kết quả cho thấy với dân số toàn cầu hơn 7,5 tỷ người, nhân loại đã tiêu tốn đến 173% năng lực sinh học của hành tinh, trong khi con số này là 119% vào năm 1980.

Đây được xem là con số đáng báo động khi nó cho thấy tình hình Trái Đất đang trở nên xấu đi trong nhiều thập kỷ qua.

Phần lớn nhu cầu sử dụng tài nguyên tăng vọt đến từ các quốc gia giàu có, nơi đòi hỏi mức sống ngày càng cao bất chấp việc phải mua tài nguyên từ quốc gia khác. Điều này cũng khiến cho các quốc gia giàu hơn được bảo vệ khỏi tác động của những hạn chế về năng lực sinh học trong khi các quốc gia nghèo phải chịu gánh nặng.

Ngày nay, gần 3/4 dân số tại các quốc gia có thu nhập thấp hơn mức trung bình và đang chịu cảnh khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Rõ ràng, thế giới không thể tiếp tục vận hành theo như cách hiện tại. Thay vào đó, để xóa đói giảm nghèo hiệu quả, các nhà khoa học cho rằng chúng ta không thể tiếp tục bỏ qua yếu tố hạn chế về tài nguyên thiên nhiên.

Để đảm bảo an ninh tài nguyên sinh học, một quốc gia phải tiếp cận với đủ nguồn tài nguyên trong lãnh thổ của mình để đáp ứng nhu cầu của người dân hoặc có đủ khả năng tài chính để mua những tài nguyên trên thị trường quốc tế.

Quốc gia nào không đáp ứng được một trong hai tiêu chí này sẽ phải đối mặt với cái mà các tác giả gọi là "bẫy nghèo sinh thái".

Theo đó, tất cả các quốc gia được chia làm 4 loại theo mức thâm hụt sinh thái, mà cụ thể đây là mức độ tiêu thụ vượt quá khả năng tái tạo của hệ sinh thái, bao gồm: có mức thâm hụt cao, mức thâm hụt thấp, mức dự trữ cao và mức dự trữ thấp.

Bằng cách tham chiếu chéo dữ liệu này với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của mỗi quốc gia, các nhà nghiên cứu đã minh họa sự thay đổi không bền vững trong nhu cầu của nhân loại đối với nguồn tài nguyên, song song với đó phân biệt được đâu là những quốc gia thiếu hụt cả tài nguyên sinh vật và khả năng chi tiêu để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo phân tích chuyên môn, khoảng 2,5 tỷ người, chiếm 57% dân số thế giới, sống ở các quốc gia rơi vào bẫy nghèo sinh thái ở năm 1980. Tuy nhiên, đến năm 2017, con số này đã tăng lên 5,4 tỷ người, chiếm 72% dân số toàn cầu.

Mặt khác, các quốc gia có thu nhập cao hơn nhưng thiếu hụt tài nguyên chỉ chiếm 14% dân số thế giới, song họ lại tiêu thụ đến 52% năng lực sinh học của hành tinh. Thụy Sĩ và Singapore là hai quốc gia tiêu biểu thuộc trong nhóm thiểu số đó khi có nguồn lực kinh tế mạnh và đang được bảo vệ khỏi tình trạng mất an ninh tài nguyên.

Để có sự phát triển bền vững, các nhà khoa học cho rằng con người chỉ nên sử dụng không quá một nửa trữ lượng tài nguyên của hành tinh. Nhưng nếu mọi người trên Trái Đất đều có nhu cầu vật chất như Singapore hay Thụy Sĩ, nhân loại sẽ cần khoảng 3,67 hành tinh như địa cầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng .  

"Nếu mô hình phát triển của các thành phố hay vùng lãnh thổ không có khả năng tái tạo tài nguyên, chỉ còn một cách để họ tránh sự sụp đổ của chính mình là duy trì khả năng cạnh tranh tài chính mãi mãi với các quốc gia khác nhằm đảm bảo sự chuyển hóa tài nguyên", nhóm tác giả nêu ra luận điểm.

Tuy nhiên, điều này cho thấy các khu vực có thu nhập thấp đang rơi vào thế khó, những nơi không thể cạnh tranh sòng phẳng về nguồn lực tài chính. Nếu không có sự trợ giúp của các nước giàu thì họ sẽ không làm được gì nhiều.

Trên thực tế, nếu cứ tiếp tục với tình trạng hiện tại, các quốc gia có thu nhập thấp sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn lực tài nguyên trầm trọng hơn. Nhưng việc thay đổi nhanh chóng thói quen tiêu thụ cũng sẽ tốn rất nhiều tiền và nhiều người ở tầng lớp trung lưu trở xuống không thể tiếp cận được.

Hơn nữa, bởi vì các quốc gia giàu có tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn mức thực sự cần thiết, họ có khả năng chống chọi tốt hơn nếu đối mặt với thảm họa trong tương lai.

Riêng trong nhóm các quốc gia giàu có, một số nước lại sử dụng tài nguyên kém bền vững hơn nhiều so với những quốc gia còn lại. Ví dụ, nếu dân số toàn cầu tiêu thụ tài nguyên với tốc độ như ở Dubai, nhân loại sẽ sử dụng hết 560% tài nguyên sinh vật của Trái Đất mỗi năm.

Tỷ lệ tiêu dùng cao như vậy hiện đang được duy trì bằng cách mua các nguồn lực từ nước ngoài, nhưng khi nguồn cung ứng giảm, các quốc gia có thu nhập thấp ngày càng bị thu hẹp về tài chính, khiến họ rơi vào thế bấp bênh.

Về cơ bản, những con số này chỉ ra một thực tế là mất an ninh tài nguyên hiện đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với tất cả chúng ta. Việc tìm ra giải pháp cho vấn đề này sẽ không dễ dàng, mặc dù nhóm tác giả có đưa ra một số biện pháp được cho là có thể khắc phục như loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích mọi người ăn ít thực phẩm có nguồn gốc động vật hơn.

Ngọc Diệp (Theo Science Alert)

Chủ đề khác