VnReview
Hà Nội

200 năm sau ngày Napoleon mất, người ta vẫn tranh cãi xoay quanh cái chết của ông

Hai trăm năm sau khi vị hoàng đế qua đời trong tình trạng sống lưu vong, vô vàn thuyết âm mưu vẫn được bàn tán xoay quanh cái chết trên hòn đảo St. Helena lộng gió ở Nam Đại Tây Dương của Napoléon Bonaparte.

Hài cốt của Napoléon được đưa trở lại Paris, nơi ông nằm trong một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch rộng lớn bên dưới mái vòm của bệnh viện quân y Điện Invalides

Trong giấy chứng tử chính thức, dựa trên dữ liệu từ quá trình giải phẫu tử thi thì Napoléon Bonaparte qua đời ở tuổi 51, lí do là bệnh ung thư dạ dày, thời điểm vào ngày 5 tháng 5 năm 1821.

Nhưng ngay cả như thế, không chỉ ở Pháp mà nhiều người ở khắp nơi trên thế giới vẫn luôn hoài nghi về cái chết của vị hoàng đế nước Pháp, dẫn đến những thuyết âm mưu được "thêu dệt" đầy màu sắc.

Bị đầu độc?

Được chú ý nhiều nhất trong số các giả thuyết của người Pháp, đó là Napoléon bị đầu độc dần theo thời gian bởi người Anh hoặc thân tín của ông - Bá tước Charles de Montholon. Người này được cho là đã tiếp tay cho phe chủ nghĩa bảo hoàng của Pháp, phản đối đón hoàng đế trở về nhà.

Bằng chứng khoa học hỗ trợ cho giả thuyết trên là một phân tích hóa học, được thực hiện vào năm 2001 đối với một lọn tóc cắt từ thi hài Napoléon. Nó có hàm lượng asen đáng kể, đủ để người ta tin ông bị đầu độc.

Giả thuyết được nhiều người tin là ông bị đầu độc

Tuy nhiên, giả thuyết trên đã bị hoài nghi khi ấn phẩm Science et Vie của Pháp nêu rằng, kết quả đo thạch tín từ 19 sợi tóc đó được lấy vào năm 1805, một thời gian trước khi Napoléon chiến bại lần đầu tiên vào năm 1814 và một lần nữa vào năm 1821.

Tất cả các mẫu đều chứa một lượng lớn chất độc asen, dao động từ 15 đến 100 ppm (mức bình thường là 0,8 ppm), giới hạn an toàn tối đa là 3 ppm.

Tuy nhiên, lời giải thích hợp lý nhất cho câu chuyện trên có lẽ đến từ thuốc phục hồi tóc. Vị hoàng đế bị hói có lẽ đã sử dụng một sản phẩm mà vào đầu thế kỷ 19 thường chứa một lượng lớn asen.

Thuốc xổ gây chết người

Một số khác đổ lỗi cho phương pháp điều trị sai cách của các vị bác sĩ.

Theo nhà nghiên cứu bệnh học pháp y Steven Karch tại Cục Giám định Y khoa San Francisco vào năm 2004, thì các bác sĩ đã cho Napoleon uống thuốc xổ mỗi ngày để giảm cơn đau bụng và những cơn đau quặn ruột của ông.

Điều này, kết hợp với liều lượng thông thường của một chất hóa học gọi là antimon kali tartrat để gây nôn, sẽ khiến ông thiếu kali một cách nguy hiểm.

Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh lý về tim gây chết người, trong đó lưu lượng máu đến não bị gián đoạn do nhịp tim đập không đều.

Có thể ông đã qua đời vì bệnh lý tim mạch

Những chiếc quần biết kể chuyện

Năm 2005, Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ đã ủng hộ giả thuyết về ung thư dạ dày dựa trên một nghiên cứu về chiếc quần của vị hoàng đế.

Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Basel và Đại học Zurich đã tìm hiểu 12 chiếc quần dài khác nhau mà Napoléon mặc, kể từ năm 1800 đến năm 1821, để xác định cân nặng của ông khi chết. Cũng như xem tình trạng của nó đã thay đổi như thế nào trong hai thập kỷ cuối đời.

Các tác giả kết luận: "Việc Napoléon sụt hơn 10 kg trong giai đoạn cuối là dấu hiệu của một bệnh mãn tính diễn biến nặng và rất khớp với chẩn đoán ung thư dạ dày".

Chiêu bài cuối cùng của người Anh?

Năm 1840, hài cốt của Napoléon được đưa trở lại Paris, nơi ông nằm trong một lăng mộ bằng đá cẩm thạch rộng lớn, bên dưới mái vòm mạ vàng của bệnh viện quân sự Điện Invalides.

Nhưng một số người, dẫn đầu là luật sư Bruno Roy-Henry, tin rằng người Anh đã đánh tráo thi hài như một trò đùa đối với những kẻ thù của họ, để từ đó người Pháp sẽ phải tôn vinh một cơ thể vô giá trị.

Trong khi đó, một số người ủng hộ nhiệt thành nhất của vị hoàng đế lỗi lạc cho rằng ông đã trốn thoát khỏi St. Helena giống như lần đầu tiên bị lưu đày trên đảo Elba ở Địa Trung Hải.;Họ tin rằng sau đó ông đã bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ.

Giang Vu (theo Barron's)

Chủ đề khác