VnReview
Hà Nội

Làm việc quá 55 giờ mỗi tuần làm tăng nguy cơ đột quy và có vấn đề tim mạch

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố cảnh báo về nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn do làm việc nhiều giờ liên tục mang lại. Thậm chí, nó còn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mỗi năm.

Trong một nghiên cứu được công bố hôm 17/5 trên tạp chí Environment International, làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim và đột quỵ. Trong đó, nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và bệnh tim mạch hơn 17% so với những người có thời gian làm việc bình thường, dao động từ 35-40 giờ mỗi tuần.

"Không có công việc nào đáng để đổi lại nguy cơ bị đột quỵ hoặc mắc bệnh tim cao hơn", người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. Đồng thời ông kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động tìm cách bảo vệ sức khỏe của chính họ.

Theo hãng tin Reuters, đây là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về mối liên hệ giữa thiệt hại nhân mạng và thời gian làm việc lâu hơn. Vào năm 2016, 466 triệu người đã phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe khi phải làm việc nhiều giờ. Cũng trong năm đó, đã có tổng cộng hơn 745.000 người chết do lao động quá sức dẫn đến đột quỵ và bệnh tim, số liệu được cung cấp bởi WHO. Đến năm 2020, con số này ước tính đã tăng 30%.

Báo cáo chung của WHO và Tổ chức Lao động thế giới cho thấy hầu hết nạn nhân (72%) là nam giới và trong độ tuổi trung niên trở lên. "Từ năm 2000 đến 2016, số người chết vì bệnh tim do làm việc nhiều giờ đã tăng 42% và do đột quỵ là 19%", WHO tuyên bố.

Trong đó, nghiên cứu không đề cập đến số liệu cụ thể của năm qua, thời điểm Covid-19 hoành hành cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế các nước rơi vào khủng hoảng và định hình lại phong cách làm việc ở nhiều nơi.

Mặt khác, các tác giả thực hiện nghiên cứu lưu ý làm việc quá sức đã gia tăng trong nhiều năm do thói quen "ôm đồm việc" bằng nhiều hợp đồng ngắn hạn và làm việc từ xa. Tất nhiên, đại dịch đã phần nào đẩy nhanh các xu hướng đó vì đây là cách tốt nhất để kiếm ra tiền trong thời buổi giãn cách hiện nay.

"Làm việc từ xa đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều ngành công nghiệp và dần làm mờ ranh giới giữa nhà và nơi làm việc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã buộc thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa hoạt động để tiết kiệm tiền, và những nhân viên cuối cùng vì đang trong biên chế nên phải làm việc nhiều giờ với khối lượng công việc tăng lên", Ghebreyesus phân tích.

Ngoài ra, đại dịch có thể thúc đẩy thời gian làm việc dài hơn. Theo WHO, ước tính ít nhất 9% người lao động đã phải làm nhiều giờ hơn.

Xét ở khía cạnh khu vực, người lao động ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ và tim mạch cao nhất do làm việc quá sức, trong đó bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Úc. Xếp cuối cùng là châu Âu khi nguy cơ mắc bệnh của người lao động tại đây thấp nhất vì thói quen làm việc ổn định.

Ở Mỹ, có ít hơn 5% dân số phải làm việc nhiều giờ. Tỷ lệ này tương đương với Brazil, Canada và thấp hơn nhiều so với Mexico cùng phần lớn quốc gia ở Trung và Nam Mỹ.

Nghiên cứu cũng nêu rõ một số bước có thể giảm bớt áp lực cho người lao động, bao gồm những chính sách và tiêu chuẩn lao động về thời gian làm việc mà chính phủ các nước có thể áp dụng.

"Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi muốn kêu gọi nhiều hành động hơn và bảo vệ nhiều hơn đối với người lao động",;bà Maria Neira, giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của WHO, cho biết.

Các tác giả cũng nói rằng người sử dụng lao động nên linh hoạt hơn trong việc sắp xếp lịch trình và thỏa thuận với nhân viên về số giờ làm việc tối đa. Trong một giải pháp khác, nghiên cứu đề xuất người lao động nên sắp xếp, chia nhỏ giờ làm việc để không ai phải làm từ 55 giờ trở lên trong một tuần.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã xem xét và phân tích hàng chục kết quả bệnh tim và đột quỵ. Sau đó, họ ước tính rủi ro sức khỏe của người lao động dựa trên dữ liệu rút ra từ một số nguồn, bao gồm hơn 2.300 cuộc khảo sát về giờ làm việc được thực hiện ở 154 quốc gia từ những năm 1970 đến 2018.

Ngọc Diệp (Theo NPR)

Chủ đề khác