VnReview
Hà Nội

Động vật có bị đau tim không?

Cứ sau 40 giây lại có một người Mỹ lên cơn đau tim. Con số này khiến mỗi năm nước Mỹ phải đón nhận khoảng 805.000 ca nhồi máu cơ tim. Vậy động vật thì sao, chúng có trả qua tình trạng suy nhược, lên cơn đau tim như vậy không?

Câu trả lời là phần lớn các loài động vật trên thế giới sẽ không bị đau tim. Thậm chí một trong những họ hàng gần nhất của con người là tinh tinh, cũng không gặp phải tình trạng này. Đương nhiên, chúng vẫn gặp một số vấn đề về tim mạch, nhưng đau tim thì cực kỳ hiếm gặp.

Philip Gordts - một chuyên gia nghiên cứu về bệnh tim tại Đại học California, San Diego cho rằng: 'Nói chung, động vật thường sẽ không chết vì cơn đau tim điển hình mà bạn vẫn thấy ở con người'.

Đau tim là gì?

Đau tim xảy ra khi một mạch máu phân phối oxy đến tim bị chặn lại. Khi một phần của trái tim chết đi, nó không thể co lại và không thể truyền sóng điện di chuyển qua phần còn lại của trái tim. Điều này có khiến trái tim ngừng đập, dẫn đến tử vong trừ khi thực hiện can thiệp sớm, chẳng hạn như hô hấp nhân tạo.

Flavio Fenton - một chuyên gia nghiên cứu cả trái tim con người và động vật cho biết: 'Tất cả trái tim của động vật có vú đều rất giống nhau. Vì vậy, về nguyên tắc, hầu hết chúng đều có thể bị đau tim'.

Mặc dù về lý thuyết, động vật có vú vẫn có thể bị đau tim nhưng trên thực tế chúng lại không bị tình trạng này. Ví dụ, các cơn đau tim rất hiếm xảy ra ở chó. Theo một bài báo khoa học năm 2009, ngay cả các loài gặm nhấm được biến đổi gen để có cholesterol và lipid trong máu cao, với mục đích gây ra chứng xơ vữa động mạch, thì các cơn đau tim cũng hiếm khi xảy ra.

Vì vậy, thay vì hỏi tại sao các loài động vật khác không bị đau tim thì sẽ hợp lý hơn nếu hỏi tại sao con người lại bị như vậy. Bạn có nghĩ rằng vấn đề này của con người liên quan đến việc ít vận động, chế độ ăn uống không đảm bảo? Những yếu tố này chắc chắn đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và chế độ ăn uống không lành mạnh với nhiều thịt đỏ, lười vậy động là yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng này.

Tuy nhiên, các thống kê cho thấy 15% số người bị đau tim lần đầu thường sống lành mạnh và không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cho tim. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng một yếu tố nữa khiến con người bị đau tim là do các đột biến chỉ có ở chúng ta.

Trong một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học cho rằng đột biến này làm bất hoạt một gen chịu trách nhiệm tạo ra Neu5Gc. Khi các nhà nghiên cứu vô hiệu hóa gen đó ở những con chuột bị biến đổi gen để có lượng cholesterol cao và phát triển chứng xơ vữa động mạch, những con chuột này đã phát triển bệnh ở mức độ nghiêm trọng gấp đôi so với những con chuột không bị vô hiệu hóa gen.

Nói rộng ra, đột biến này có thể giải thích tại sao con người dễ bị xơ vữa động mạch và đau tim trong khi các động vật có vú khác thì không.

Đau tim ở động vật có xương sống

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho rằng các loài động vật ngoài con người gần như không bị đau tim nhưng sự thật là chưa có nhiều thí nghiệm để chứng minh điều này. Tomasz Owerkowicz, một nhà sinh lý học về động vật có xương sống tại Đại học Bang California trả lời LiveScience cho biết: 'Có rất ít tài liệu khoa học nói về các cơn đau tim ở bất cứ động vật có vú nào'.

Nhà khoa học này cho biết thêm: 'Bạn có thể quan sát được có những con vật đột ngột chết. Tuy nhiên, rất hiếm khi bạn thực sự khám nghiệm tử thi và tìm ra những chỗ tắc nghẽn trong động mạch vành. Bởi vậy, chúng ta không biết liệu con vật đó có bị đau tim hay không'.

Dựa vào cấu trúc tim, các nhà nghiên cứu có thể đưa ra dự đoán về những loài động vật có xương sống dễ bị đau tim nhất. Theo Owerkowicz, tim của động vật có vú và chim chỉ có một nguồn cung cấp oxy là động mạch vành. Nói cách khác, trong tim của động vật có vú, cách duy nhất để nhận được máu và oxy ở khắp mọi nơi là thông qua cách mạch. Vì lý do đó, nếu động mạch vành bị tắc nghẽn ở chim hoặc động vật có vú, tim sẽ mất nguồn cung cấp oxy và chim cũng như động vật có vú sẽ có khả năng gặp vấn đề.

Theo Owerkowicz, tim của một số động vật có xương sống nhưng không có vú sở hữu một hệ thống khác biệt để bảo vệ chúng khỏi những cơn đau tim. Ngoài các mạch máu và mao mạch cung cấp oxy, chúng còn có một hệ thống khác cho phép máu được cung cấp oxy trong các buồng tim đi sâu vào tim, giống như nước di chuyển vào các túi khí của một miếng bọt biển. Do máu thấm rất sâu trong mô tim nên oxy có thể khuếch tán thẳng từ máu vào các tế bào tim.

Chính điều này giải thích vì sao các loài có xương sống nhưng không có vú 'miễn nhiễm' với các cơn đau tim. Owerkowicz cho biết anh từng thắt động mạch vành của một con cá sâu nhưng nó không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào cho nó.

Nguyễn Dương (Theo Live Science)

Chủ đề khác