VnReview
Hà Nội

“Zombie” 24.000 tuổi hồi sinh và nhân bản từ lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực

Những "thây ma" nhỏ bé bị "nhốt" trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực trong suốt 24.000 năm qua. Tuy nhiên, một điều đáng kinh ngạc là chúng có thể hồi sinh và tái tạo lại các bản sao của mình trong phòng thí nghiệm ở Nga dù đã bị đông cứng trong băng trong chừng ấy năm.

Những sinh vật "không phải dạng vừa" này là luân trùng bdelloid hay còn được gọi bằng cái tên khác là sinh vật bánh xe. Sở dĩ chúng có cái tên đó là do chúng có hình tròn giống bánh xe cùng với những sợi lông nhỏ bao quanh miệng. Luân trùng là động vật đa bào, chúng sống trong môi trường nước ngọt và đã tồn tại khoảng 50 triệu năm.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã phát hiện rằng luân trùng có thể bị đông lạnh ở -4 độ F (-20 độ C) và có thể hồi sinh sau 10 năm. Tuy nhiên, sự thật còn đáng ngạc nhiên hơn như vậy nhiều, các nhà khoa học đã hồi sinh các luân trùng bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia cổ đại sau kỷ Pleistocen từ 2,6 triệu năm đến khoảng 11.700 năm trước. Sau khi rã đông, những luân trùng cổ đại này bắt đầu sinh sản vô tính tạo ra các bản sao di truyền của chúng.

Ngoài ra, không chỉ luân trùng mà còn rất nhiều "thây ma" khác được các nhà khoa học hồi sinh dù cho chúng đã bị đóng băng trong hàng triệu năm về trước. Ví dụ, xác 1 con chim nhỏ được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia vào năm 2020 tức đã hơn 46.000 năm tuổi, trông nó "giống như chỉ mới chết vài ngày trước". Cũng vào năm 2020, xác một con gấu bị đông lạnh được tìm thấy ở Siberia có niên đại khoảng 39.000 năm trước, đặc biệt là chiếc mũi đen của nó vẫn có thịt và lông bao quanh cơ thể. Chúng vẫn giữ được vẻ ngoài sống động dù đã trải qua hàng nghìn năm trong băng tuyết là điều vô cùng ấn tượng.

Vào năm 2012, các nhà khoa học đã mô tả cách họ tái tạo lại những cái cây với tuổi thọ lên đến 30.000 năm từ mô quả bị đóng trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. 2 năm sau, các nhà nghiên cứu tìm lại rêu Nam Cực đã bị đóng băng trong 1.500 năm. Những con giun tròn cũng đã được hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu cổ đại ở hai địa điểm ở Siberia, ước tính chúng khoảng 32.000 năm tuổi và ở địa điểm khác chúng đã xấp xỉ 42.000 năm tuổi.

Stas Malavin - nhà khoa học tại Viện nghiên cứu sinh lý và sinh học khoa học đất ở Pushchino, Nga đã đưa ra nhiều phát hiện mới về luân trùng hồi sinh. Malavin nói với báo khoa học Live Science trong một email: "Chúng chỉ tạm thời ngưng quá trình trao đổi chất và tích tụ một số hợp chất như protein chaperone, các luân trùng có cơ chế chữa lành những tổn thương DNA và bảo vệ tế bào của chúng chống lại các phân tử có hại".

Đối với nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thu thập các mẫu băng vĩnh cửu bằng cách khoan tới độ sâu 3,5 mét dưới bề mặt ở sông Alazeya, Siberia có niên đại khoảng 24.000 năm. Khi họ rã đông các mẫu vật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các luân trùng thuộc giống Adineta ở trạng thái cryptobiotic (trạng thái trao đổi chất ở cơ thể sống). Để hồi sinh những "sinh vật ngủ đông" này, họ đã đặt miếng băng đang "đông lạnh vào đĩa Petri chứa môi trường thích hợp và đợi cho đến khi các sinh vật còn sống phục hồi sau trạng thái ngủ đông, chúng bắt đầu di chuyển và sinh sôi."

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con người có khả năng "ngủ đông" và phục hồi lại giống như luân trùng. Sinh vật càng phức tạp thì việc bảo quản đông lạnh càng phức tạp. Đặc biệt là đối với động vật có vú thì hiện tại vẫn chưa thể thực hiện được".

Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 7 tháng 6 trên tạp chí Current Biology.

Thanh Mai (Theo Livescience)

Chủ đề khác