VnReview
Hà Nội

Hi hữu - Cậu bé 7 tuổi bị bỏng do xi măng ướt

Theo báo cáo được đăng ngày 2/6/2021 trên Tạp chí Y học Cấp cứu thì một cậu bé 7 tuổi đã vô tình bị xi măng ướt dính vào đầu và nhiều vùng da trên cơ thể. Gia đình đã đưa cậu bé đến bệnh viện sau khi xuất hiện tình trạng bỏng và đau rát trên da.

Cụ thể, một thành viên trong gia đình đã bất cẩn khi trộn và đổ xi măng vào cậu bé khi cậu đang chơi gần đó. Một lúc sau, da của cậu bé bị đau rát và đỏ ửng lên. Gia đình đã đưa cậu bé đến một cơ sở chăm sóc sức khỏe. Các nhân viên y tế đã nhanh chóng rửa sạch xi măng trên da cho cậu bé bằng một chất hữu cơ gọi là polyethylene glycol. Sau đó, cậu bé được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee để đánh giá lại vết bỏng xem chúng có cần điều trị thêm hay không. Tại đó, các bác sĩ ghi nhận cậu bé bị bỏng ngoài da - hay bỏng cấp độ một ở đầu, cổ và thân mình. Các bác sĩ thấy rằng hỗn hợp xi măng vẫn chưa được rửa sạch hoàn toàn - các hạt vẫn còn bám trên da và tóc của cậu bé này.

Không được để xi măng ướt bám trên da quá lâu – hóa chất trong đó có thể gây bỏng nghiêm trọng

Xi măng được tạo thành phần lớn từ hợp chất oxit canxi, khi trộn với nước, nó sẽ có tính bazơ cao hoặc có tính kiềm, nghĩa là nó có độ pH cao. Theo Trung tâm Chất độc Quốc gia Thủ đô cho biết, độ pH của một chất được đo trên thang từ 0 đến 14 - chất có độ pH thấp có tính axit, trong khi chất có độ pH cao có tính kiềm. Trong đó xi măng ướt có độ pH cao tới mức 14.

Việc tiếp xúc với xi măng ướt không gây bỏng hóa chất ngay lập tức, nhưng nếu tiếp xúc lâu với vật liệu này trong một thời gian dài, nó có thể gây bỏng. Các nhà nghiên cứu cho biết thời gian trung bình từ khi tiếp xúc với xi măng ướt đến khi có dấu hiệu bỏng là khoảng 6 tiếng. Do thời gian biểu hiện ra ngoài tương đối lâu nên hầu hết mọi người không nhận ra xi măng đã gây ra vết bỏng cho họ.

Để xử lý tình trạng này trước tiên là hãy ngay lập tức làm sạch da bằng nhiều nước để loại bỏ xi măng bám trên da. Đôi khi các bác sĩ cũng sử dụng các dung dịch khác như polyethylene glycol để rửa da. Nếu vết bỏng quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật thay da. Trong trường hợp này, da của cậu bé đã được làm sạch không cần điều trị thêm.

Thanh Mai – Theo Livescience

Chủ đề khác