VnReview
Hà Nội

CO2 lại tăng cao đột biến giữa đại địch COVID-19

Tháng 5 vừa qua ghi nhận lượng CO2 và khí nhà kính tăng cao kỷ lục sau khi giảm xuống mức thấp nhất vào năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngay cả đại dịch toàn cầu cũng không thể ngăn nồng độ CO2 tăng đột biến. Một lần nữa, nồng độ CO2 trong khí quyển lại tăng tới mức lịch sử vào tháng 5/2021 vừa qua.

Theo Cơ quan Khí quyển và Hải dương Quốc gia Mỹ (NOAA), lượng CO2 trong khí quyển đã đạt ngưỡng trung bình 419 phần triệu (ppm) vào tháng 5 năm nay. Lượng CO2 tích tụ đó gần như tương đương mức cách đây hơn 4 triệu năm. Khi đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn hiện tại một chút, mực nước biển cao hơn 23 mét.

Trước đó theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đã thải ra lượng CO2 ít hơn 5,8% vào năm 2020, mức giảm cao nhất trong một năm từng được ghi nhận.

Nhưng sự sụt giảm đó không tạo ra sự khác biệt lớn so với tổng lượng CO2 tích tụ trong khí quyển. Nhìn chung, nhân loại vẫn thải ra hơn 31 tỷ tấn CO2 vào năm ngoái, chủ yếu từ các nguồn như xe cộ hoặc các nhà máy nhiệt điện. Ngược lại khoảng một nửa lượng CO2 đã được cây cối và đại dương trên thế giới hấp thụ, nửa còn lại nằm trong bầu khí quyển và là nguyên nhân dẫn tới hiệu ứng nhà kính.

Đại dịch không thể giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính

Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có nhiều hành động quyết liệt hơn, nồng độ CO2 sẽ tiếp tục có xu hướng tăng lên và đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng cao đột biến, dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng.

Nhà địa hóa học thuộc Viện hải dương học Scripps, Ralph Keeling cho biết: "Nút thắt cuối cùng liên quan đến CO2 trong khí quyển là phát thải nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta vẫn cần các đợt cắt giảm lớn hơn nhiều và duy trì lâu hơn so với việc tạm phong tỏa để tránh dịch Covid-19 vào năm 2020".

Ông nói thêm: "Chừng nào chúng ta vẫn tiếp tục thải ra CO2, nồng độ khí nhà kính vẫn sẽ tích tụ trong khí quyển".

Lượng phát thải CO2 đã giảm khoảng 6% vào năm 2020 do người dân ở nhà và các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong đại dịch Covid-19. Nhưng vào cuối năm ngoái, ô nhiễm đã bùng phát trở lại. Lượng phát thải toàn cầu từ việc sử dụng năng lượng vào tháng 12/2020 đã cao hơn một chút so với một năm trước đó.

Năm 2020 cũng đánh dấu 5 năm kể từ khi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử được thông qua. Trong năm qua, chính phủ các nước đã phải đối mặt với áp lực phải thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính đúng như đã ký trong thỏa thuận.

Nước phát thải CO2 lớn nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc cho biết họ sẽ ngừng thải CO2 ở mức có thể thu giữ lại hoặc bù đắp vào năm 2060. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu đạt được mục tiêu này vào năm 2050. Nhưng cho đến nay, tham vọng của các nước này vẫn chưa thể đạt được do chậm trễ trong hành động.

Theo NOAA, ảnh hưởng của đại dịch không có ảnh hưởng rõ ràng đến nồng độ CO2 trong lịch sử. Vào cuối những năm 1950, Charles David Keeling, cha của Ralph Keeling là nhà khoa học đầu tiên nhận thấy mức CO2 đang tăng lên mỗi năm bất chấp những biến động theo mùa tự nhiên. Mức độ CO2 lên xuống và lưu lượng dựa trên thời điểm thực vật ở Bắc bán cầu xanh nhất, khi chúng hút nhiều CO2 nhất và khi chúng rụng lá, giải phóng CO2. Các nhà nghiên cứu xem xét mức CO2 vào tháng 5 vì đó là khi mức CO2 thường ở mức cao nhất trong năm.

Trên thực tế mỗi năm kể từ năm 1958, Keelings và các nhà nghiên cứu khác đã ghi nhận nồng độ CO2 vào mỗi tháng 5 cao hơn so với năm trước.

Cuối cùng Keeling nhấn mạnh, mức giảm phát thải hàng năm trong năm ngoái là quá nhỏ để có thể tạo ra sự thay đổi trong khí quyển. Bởi nó vẫn sẽ bị lu mờ do những biến động tự nhiên, lượng khí thải carbon từ thực vật và đất phản ứng với các thay đổi theo mùa.

Các quốc gia phát thải nhiều nhất cần quyết liệt hơn nữa

Các nhà khoa học Scripps trước đây đã ước tính rằng, lượng khí thải của nhân loại sẽ cần giảm từ 20% - 30% trong ít nhất 6 tháng để "hãm" tốc độ gia tăng CO2 trong khí quyển chậm lại.

Đặc biệt chỉ có một cách để ngăn tổng lượng CO2 trong khí quyển tiếp tục tăng, đó là các quốc gia cần phải loại bỏ lượng khí thải ròng hàng năm, chủ yếu bằng cách chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Tháng trước, IEA tế đã ban hành một lộ trình chi tiết về cách tất cả các quốc gia trên thế giới có thể đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cơ quan này nhận định nếu các nước thực hiện hóa thành công bản kế hoạch này, những thay đổi sẽ rất mạnh mẽ. Theo đó, các quốc gia sẽ phải ngừng xây dựng các nhà máy than mới ngay lập tức, cấm bán xe chạy bằng xăng vào năm 2035 và lắp đặt tuabin gió và các tấm pin năng lượng mặt trời với tốc độ chưa từng có.

Nếu các quốc gia đạt được mục tiêu đó, họ có thể hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu ở mức khoảng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Nhưng cho đến nay cơ quan này cảnh báo, thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu đó. Tổng lượng phát thải hàng năm dự kiến ​​sẽ tăng với tốc độ nhanh thứ hai từ trước đến nay trong năm 2021 khi các quốc gia phục hồi sau đại dịch và tình trạng tiêu thụ than toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Lượng CO2 trong khí quyển hiện thay đổi khoảng 10 phần triệu trong suốt một năm. Nó đạt cực đại vào mỗi tháng 5, trước khi thực vật phát triển theo mùa ở Bắc bán cầu xanh tốt trở lại và loại bỏ một phần khí CO2 thông qua quá trình quang hợp.

Mức trung bình của tháng 5 lần đầu tiên chạm ngưỡng 400ppm vào năm 2014. Kể từ đó tới nay, lượng khí thải tiếp tục tăng vọt và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Tiến Thanh (Theo Nytimes)

Chủ đề khác