VnReview
Hà Nội

Thế giới chính thức có đại dương thứ 5 - Nam Đại Dương

Hy vọng về việc bảo tồn đại dương tốt hơn đã thúc đẩy các nhà địa lý ra quyết định cuối cùng về việc đặt tên cho đại dương thứ năm.

Vào Ngày Đại dương Thế giới hôm 8/6, Trái Đất đã chính thức chào đón đại dương thứ năm, đó là Southern Ocean. Như vậy tính đến nay chính xác có 5 đại dương đang bao quanh hành tinh của chúng ta.

Kênh truyền hình, tạp chí National Geographic đã lập bản đồ thế giới từ năm 1915 và kể từ thời điểm đó tới nay đã có 4 đại dương được công nhận, đó là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Nhưng giờ đây, National Geographic và Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã chính thức xác nhận thêm đại dương thứ năm có tên Southern Ocean hoặc Nam Đại Dương.

Nhà địa lý Alex Tait thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ cho biết: "Nam Đại Dương từ lâu đã được các nhà khoa học công nhận nhưng vì chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chúng tôi chưa bao giờ chính thức công nhận nó".

Các quan chức của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cơ quan liên bang đã công nhận vùng biển này là đại dương thứ năm vào năm 1999 trước khi Hội đồng Địa lý Mỹ chấp thuận tên gọi "Nam Đại dương".

Khi các ranh giới của đại dương được đề xuất vào năm 2000 với Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO), tổ chức theo dõi và lập biểu đồ các biển và đại dương trên thế giới, không phải tất cả các nước thành viên IHO đều đồng ý với đề xuất này. IHO là một trong những tài liệu tham khảo chính của National Geographic.

Nam Đại Dương bao bọc xung quanh lục địa Nam Cực và là vùng nước biển ít lạnh và mặn hơn. Theo NOAA, vùng nước này kéo dài từ bờ biển Nam Cực đến 60 độ vĩ Nam. National Geographic cho biết, họ sẽ sử dụng 60 độ vĩ Nam làm giới hạn phía bắc, không bao gồm eo biển Drake và biển Scotia.

Đây cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các nhà địa lý và ủy ban chính sách bản đồ của Hiệp hội địa lý quốc gia Mỹ trong nhiều năm. Nhưng rồi tất cả đều đi tới một kết quả thống nhất, đó là đặt tên chính thức và công nhận đại dương mới.

Tait giải thích: "Sự thay đổi này cuối cùng sẽ mang tới nhiều giá trị và chúng ta đều muốn nhìn nhận đại dương này một cách rõ ràng hơn vì sự tách biệt sinh thái của nó".

Đặt tên đại dương là cách bảo tồn hệ sinh thái ở khu vực biển này

Thật vậy, đây là đại dương duy nhất trong số 5 đại dương trên Trái đất tiếp xúc với ba đại dương khác, bao quanh hoàn toàn một lục địa và bao quanh một dòng nước có tên là hải lưu vòng Nam cực (ACC), chảy từ tây sang đông và được hình thành cách đây khoảng 34 triệu năm trước. Khi đó Nam Cực đang tách ra khỏi Nam Mỹ.

National Geographic giải thích, bên trong ACC, các vùng nước lạnh hơn và ít mặn hơn các đại dương ở phía bắc. Nó cũng trải dài từ đáy đại dương lên bề mặt, tạo ra các dòng chảy với lưu lượng nước nhiều hơn bất kỳ hải lưu nào khác trên Trái đất. Nó đẩy nước lạnh hơn, đặc hơn xuống đáy đại dương, giúp tái cân bằng lượng carbon của đại dương và giống như công nghệ hấp thụ carbon. Nói cách khác, đại dương này rất quan trọng đối với hành tinh chúng ta.

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm thay đổi Nam Đại Dương như thế nào. Các nhà khoa học đã xác định được dòng hải lưu ACC đang ấm lên nhưng vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng của nó đến Nam Cực. Trên thực tế, nhiều khối băng và thềm lục địa tan nhanh nhất là nơi có dòng hải lưuu ACC gần đất liền nhất.

Nam Đại Dương cũng sở hữu các hệ sinh thái biển độc đáo và mong manh. Đây cũng là nơi sinh sống của các sinh vật biển như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu.

Rõ ràng việc đặt tên chính thức cho một đại dương rất quan trong. Dù chỉ là tên gọi nhưng nó đủ để tăng tính quan trọng cho vấn đề. Hy vọng các thế hệ tương lai sẽ coi trọng đại dương mới và tăng cường các hoạt động bảo tồn ở nơi đây.

Tiến Thanh (Theo Washingtonpost)

Chủ đề khác