VnReview
Hà Nội

5 điều bạn cần biết về Nam Đại Dương

Trong suốt thế kỷ qua, chúng ta đã được dạy rằng trên thế giới có 4 đại dương là: Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, và Thái Bình Dương. Những đại dương này kết nối với nhau, và được phân chia bởi 7 lục địa trên thế giới.

Nhưng các nhà khoa học từ lâu đã ghi nhận thêm một đại dương thứ 5, gọi là Nam Đại Dương. Năm 1937, đại dương bao quanh Nam cực này đã được công nhận bởi Tổ chức Thuỷ văn Quốc tế (IHO), nhưng rồi vào năm 1953 đã bị chính tổ chức này huỷ bỏ danh hiệu "đại dương". Tại Mỹ, dù Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã ghi nhận đại dương thứ 5 kể từ năm 1999, phải đến tận ngày nay, cộng đồng khoa học thế giới mới chính thức đưa Nam Đại Dương ra với ánh sáng.

Quyết định ghi nhận đại dương thứ 5 của thế giới, được công bố vào ngày 8/6, cũng là ngày Đại dương Thế giới, có thể xem như một động thái nhằm thu hút sự chú ý của mọi người đối với vấn đề bảo tồn thiên nhiên tại một khu vực mà hoạt động đánh bắt cá công nghiệp đã tận diệt vô số loài cá đặc hữu trong vài thập kỷ qua.

Dưới đây là 5 điều bạn cần biết về Nam Đại Dương, theo tổng hợp từ trang HowStuffWorks:

1. Nó từng là một phần của Thái Bình Dương

Kể từ khi James Cook khám phá những vùng đất xa xôi ở cực nam địa cầu vào thập niên 1770, mọi người đã tranh cãi liệu có nên, hoặc làm cách nào để phân biệt Nam Đại Dương với những đại dương khác tiếp xúc với nó. Ở nhiều thời điểm trong lịch sử, nó từng được gộp vào Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nhưng gần đây nhất, Nam Đại Dương được xem là một phần của Thái Bình Dương.

2. Nó là đại dương nhỏ thứ hai trên thế giới

Nam Đại Dương nằm ở cực nam của hành tinh, bao quanh lục địa Nam Cực đến vĩ tuyến 60 độ nam, có nghĩa là nó chưa hề chạm đến điểm xa nhất về phía nam của Nam Mỹ, nơi tưởng như đã rất gần với Nam Cực rồi. Chỉ có Bắc Băng Dương là có kích cỡ nhỏ hơn Nam Đại Dương mà thôi.

3. Nó phân tách khỏi các đại dương khác bởi các dòng hải lưu, không phải các lục địa

Phân biệt các vùng nước mặn với nhau là một việc khá khó khăn, và người ta thường dựa vào những khu vực đất đai rộng lớn để làm điều đó: nếu có một lục địa nằm giữa hai đại dương, bạn có thể xem chúng là hai thực thể khác nhau rồi! Tuy nhiên, Nam Đại Dương lại là một ngoại lệ, bởi không có lục địa nào phân tách nó khỏi Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, hay Thái Bình Dương cả.

Thay vào đó, vùng nước thuộc Nam Đại Dương được phân định bởi một dòng hải lưu tốc độ cao gọi là Hải lưu vòng Nam Cực (ACC), vốn chảy từ phía tây sang phía đông xung quanh Nam Cực. Những vùng nước thuộc ACC lạnh hơn và ít mặn hơn so với những đại dương kế cận.

4. Nó là nhà của một hệ sinh thái độc nhất và mong manh

Nam Đại Dương là nơi duy nhất trên thế giới có loài chim cánh cụt Hoàng đế, hải cẩu Wendell, và hàng nghìn sinh vật độc lạ mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác trên thế giới. Không chỉ vậy, đây còn là khu vực tìm mồi của các loài động vật như cá voi lưng gù, vốn di cư đến Nam Đại Dương để ăn nhuyễn thể vào mỗi mùa hè để tích trữ mỡ trước khi hướng trở lại về phương bắc.

5. Đã đến lúc công nhận Nam Đại Dương

Dù xa xôi, Nam Đại Dương vẫn cần được công nhận. Các nhà khoa học khí hậu đã luôn tìm cách để đưa Nam Đại Dương lên bản đồ thế giới, bởi đây là một điểm nóng khủng hoảng khí hậu - chỉ riêng trong năm 2021, hai trong số những khối băng lớn nhất từng được ghi nhận đã tách khỏi lục địa này. Không chỉ vậy, hoạt động đánh bắt cá công nghiệp tại khu vực này đã gây ảnh hưởng đến các loài nhuyễn thể và loài cá tuyết Patagonian, khiến yêu cầu ghi nhận và bảo tồn khu vực đang trong tình trạng nguy hiểm này càng trở nên cấp bách hơn.

Minh.T.T (Tham khảo;HowStuffWorks)

Chủ đề khác