VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đang hủy diệt ngư trường màu mỡ nhất thế giới như thế nào?

Trước khi những chiếc tàu cá vỏ sắt nước ngoài xuất hiện trên vùng biển phía Nam Thái Bình Dương, người dân nơi đây đã cùng nhau chia sẻ ngư trường này bằng những hệ thống đánh bắt riêng.

Nằm giữa khu vực này là quần đảo Tokelau, nằm trong lãnh hải của New Zealand, với khoảng 1.400 người sống trên ba hòn đảo nhỏ và họ tuân theo một hệ thống được gọi là inati, hệ thống này giúp đảm bảo mỗi hộ dân đều có cá.

Thái Bình Dương đang phái đối mặt với nạn đánh bắt cá trái phép (Ảnh: Ben Sanders/The Guardian)

Cứ vài lần mỗi tháng, tất cả đàn ông trên đảo bắt đầu dành thời gian chuẩn bị và làm mồi câu. Và những người đứng đầu đảo, hay còn gọi là "đầu bạc", sẽ quyết định lựa chọn loại cá đánh bắt dựa trên kiến thức được truyền lại từ các thế hệ trước, cùng với thủy triều và mùa trăng, mục tiêu thường là cá ngừ và cá khế vây vàng. Những người đàn ông sẽ ra khơi vào tối khuya và quay trở lại sau khoảng 12 giờ đồng hồ, khi mặt trời đã lên cao. Những mẻ cá được chia thành từng loại theo từng kích thước. Những gia đình đông người sẽ được nhận nhiều cá hơn.

Trong khu vực Thái Bình Dương, các hoạt động đánh bắt cá truyền thống này diễn ra song song với các hoạt động đánh bắt thương mại quy mô lớn. Những hoạt động này thường không chia sẻ sản lượng đánh bắt được một cách công bằng hay có sự minh bạch về con số sản lượng thực tế.

Những người đàn ông ở Tokelau đang phân chia số cá bắt được (Ảnh: Ellen Pasilio)

Năm 2019, khu vực Thái Bình Dương đã xuất khẩu 530 nghìn tấn hải sản, thu về 1,2 tỉ USD. Các nước đứng đầu bảng xếp hạng là Papua New Guinea (470 triệu USD), Fiji (182 triệu USD), Liên bang Micronesia (130 triệu USD), Vanuatu (108 triệu USD) và quần đảo Solomon (101 triệu USD). Thị trường xuất khẩu hải sản lớn nhất của Thái Bình Dương là Thái Lan với trị giá khoảng 300 triệu USD, kế đến là Philippines (195 triệu USD), Nhật Bản (130 triệu USD), Trung Quốc (100 triệu USD) và Mỹ (100 triệu USD).

Có thể nói ngành công nghiệp đánh bắt hải sản là một câu chuyện thành công ở Thái Bình Dương. Cột mốc quan trọng nhất là khi các nước trong khu vực này ký kết Thỏa thuận Naruu năm 1982. Thỏa thuận Naruu cho phép một số nước nhỏ đàm phán về việc cấp phép cho tàu nước ngoài đánh bắt trên vùng biển của những nước này, động thái trên đã giúp tạo thêm 500 triệu USD doanh thu mỗi năm.

Thái Bình Dương là ngư trường màu mỡ nhất thế giới, cung cấp hơn một phần hai sản lượng cá ngừ trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng đang là nạn nhân của nạn đánh bắt cá trái phép, trong đó, cứ 5 con cá tự nhiên được đánh bắt thì có 1 con là sản phẩm của hoạt động đánh bắt trái phép.

Các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương thường không đủ lực lượng để bảo vệ trên biển dẫn đến tình trạng đánh bắt trái phép thường xuyên diễn ra. Từ đó, các quốc gia sẽ không thu được lợi nhuận, mất nguồn dự trữ hải sản và bị các nước nhập khẩu phạt vì không thể đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.

Hoạt động đánh bắt cá diễn ra như thế nào?

17 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Thái Bình Dương sẽ trực tiếp quản lý vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Hoạt động đánh bắt cá bên ngoài lãnh hải, như trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, sẽ được giám sát và điều phối bởi Diễn đàn Cơ quan Nghề cá liên chính phủ. Các vùng EEZ tại Thái Bình Dương sản xuất lượng cá ngừ trị giá khoảng 26 tỉ USD cho khách hàng, tuy nhiên các quốc gia và vùng lãnh thổ nơi dây chỉ nhận được khoảng 10% trong số đó. Chỉ một số ít quốc gia có ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản phục vụ cho lượng hải sản đánh bắt được như Thái Lan và một số quốc gia khác ở châu Á. Các nước ở Thái Bình Dương hầu như không trực tiếp đánh bắt cá mà chỉ kiếm tiền từ việc cấp phép cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động.

Vùng biển nằm ngoài vùng EEZ không thuộc bất kỳ quốc gia nào, khu vực này trực thuộc Ủy ban đa quốc gia về Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC).

Năm 2019, WCPFC ghi nhận đã đánh bắt được 2.961.059 tấn cá ngừ, chiếm khoảng 81% tổng sản lượng cá ngừ tại Thái Bình Dương và 51% sản lượng toàn cầu. Sản lượng chủ yếu tập trung vào các tàu đánh bắt xa bờ của nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Ngành công nghiệp đánh bắt hải sản bắt đầu xuất hiện ở Nam Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Dẫn đầu ngành công nghiệp này là Mỹ và Nhật Bản, nhưng trong hai thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã huy động rất nhiều đợt tàu cá, chủ yếu là sử dụng lưới rùng và câu dây dài.

Mỗi dây câu có chiều dài lên đến 100km với khoảng 3.000 lưỡi câu. Các tàu cá sử dụng điện từ để xác định vị trí đàn cá, sau đó sử dụng tàu tốc độ cao để kéo dây câu xuyên qua vùng đó.

Người dân đang làm ruột cá cho inati ở Tokelau (Ảnh: Elena Pasilio)

Với những tàu cá cẩn thận, họ sẽ tránh làm tổn hại đến các loài khác như cá mập, cá cờ, cá kiếm, rùa biển và chim biển trong quá trình đánh bắt. Trong khi đó, số còn lại thì không hề quan tâm đến việc này. Rất ít tàu cá sử dụng dây câu ở Thái Bình Dương có quan sát viên độc lập về vấn đề này; do tàu loại này thường nhỏ và nguy hiểm nên ít người muốn ra khơi cùng nó.

Tàu sử dụng lưới rùng thì to và thoải mái hơn, các nhà quan sát thường làm việc với loại tàu này nhiều hơn. Các tàu này thường sử dụng trực thăng và các thiết bị Floating Aggregation Devices (FAD) để thu hút cá ngừ. Lái tàu sẽ dồn toàn bộ đàn cá vào trong lưới, sau đó đóng lưới lại để bắt toàn bộ cá bên trong, và thường sẽ có cả cá mập và cá heo trong lưới.

Trung Quốc tiến vào khu vực

Sau khi khai thác quá mức vùng biển trong nước, các đội tàu cá của Trung Quốc hiện đang khai thác một lượng lớn cá ngừ từ ngư trường màu mỡ nhất thế giới. Từ năm 2012 đến nay, đội tàu đánh bắt cá Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã phát triển hơn 500%.

Năm 2016, một cuộc khảo sát các tàu hoạt động ở Thái Bình Dương cho thấy số lượng tàu có cờ Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác. Tại thời điểm đó, Trung Quốc có 290 tàu cá công nghiệp được cấp phép hoạt động, chiếm hơn 1/4 tổng số tàu được cấp phép và nhiều hơn con số 240 tàu của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương cộng lại.

Các đội tàu câu dây dài của Trung Quốc chủ yếu đánh bắt cá ngừ albacore và cá ngừ vây vàng trong các vùng EEZ của các nước như Vanuatu và các vùng biển xa. Cá mập silky và cá mập vi trắng là những loại "vô tình bắt được" yêu thích; họ sẽ cắt vi của chúng và ném phần còn lại xuống biển.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc và Hồng Công đã tìm cách đóng cửa thị trường buôn bán vi cá mập, trong đó gồm có việc cấm các cơ quan nhà nước tiêu thụ món súp vi cá mập và tuyên truyền nhân dân không tiêu thụ loại thực phẩm này. Và sự sụt giảm số lượng cá mập vẫn đang tiếp diễn cho thấy những nỗ lực đó không mấy thành công.

Theo ghi nhận của WCPFC, Trung Quốc có hơn 600 tàu trên tổng số 1.300 tàu nước ngoài được cấp phép hoạt động đánh bắt cá trong khu vực Tây và Trung Thái Bình Dương.

Đầu năm nay, Trung Quốc cho biết đã cấm các đội tàu của mình đánh bắt mực tại Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong 3 tháng để phục hồi quần thể loài. Tờ Thời báo Hoàng Cầu, do chính phủ quản lý, đánh giá động thái này thể hiện "hình ảnh một Trung Quốc có trách nhiệm trong đánh bắt hải sản và đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự tham gia của Trung Quốc vào việc quản lý hàng hải quốc tế".

Miren Gutierrez là nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hải ngoại (ODI) ở London (Anh), đồng thời là đồng tác giả của một nghiên cứu về nghề đánh bắt cá nước sâu của Trung Quốc.

Một tàu cá Trung Quốc trên biển Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters)

"Các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc ngày càng đi xa hơn do trữ lượng hải sản trong nước cạn kiệt và được chính phủ trợ cấp, và các công ty trong nước đang đóng ngày càng nhiều tàu hơn để đáp ứng nhu cầu hải sản ngày càng cao", cô nói.

Nhiều ước tính cho rằng đội tàu cá của Trung Quốc có khoảng 1.600 đến 3.400 tàu, nhưng theo nghiên cứu của ODI, con số này có thể cao hơn từ 5 đến 8 lần.

Từ năm 2018 đến năm 2019, các tác giả nghiên cứu xác định có 12.490 tàu được quan sát bên ngoài vùng biển đã được quốc tế công nhận của Trung Quốc.

"Trung Quốc là một siêu cường đánh bắt hải sản", nghiên cứu kết luận. "Họ có đội tàu lớn nhất và vùng đánh bắt rộng nhất trên thế giới".

Các tàu Trung Quốc được ghi nhận rất nhiều về việc đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (hay còn được gọi là IUU). Tháng 1/2021, Viện Brookings tại Washington (Mỹ) công bố nghiên cứu, đồng thời trích dẫn các đánh giá của ngành, cơ quan quản lý và các phương tiện truyền thông rằng: "Các hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc thực sự là mối đe dọa IUU nghiêm trọng và độc nhất".

Michael Sinclair hiện làm việc tại Brookings, và là cựu chỉ huy Lực lượng tuần duyên Mỹ, viết rằng Trung Quốc sử dụng đội tàu cá lớn nhất thế giới để đáp ứng nhu cầu nguồn cung đạm cho lượng dân số khổng lồ của nước này, dẫn đến "hiệu tượng tàn phá".

"Khi làm việc với các đội tàu, những tàu này rất tham lam", Sinclair viết.

Đầu năm 2020, Trung Quốc đã phản ứng khi Ecuador cáo buộc có ít nhất 150 tàu cá Trung Quốc tắt thiết bị định vị để có thể hoạt động gần quần đảo Galapagos. Đến tháng 4/2020, Cục Nghề cá Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa các thuyền trưởng và tàu cá bị phát hiện có hoạt động IUU vào danh sách đen. Theo đó, một số tàu cá Trung Quốc đã bị cấm hoạt động vì có hoạt động IUU ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các nhà quan sát ngành công nghiệp này đang đặt câu hỏi cho tính hiệu quả của động thái này khi mà tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục làm ngơ quy định và tắt định vị khi vào khu vực Thái Bình Dương.

Tại Thái Bình Dương, phần lớn đối tượng nghi ngờ có hoạt động IUU đều nằm trong diện không báo cáo. Đây là kết quả của việc vận chuyển bất hợp pháp trên biển (sản lượng đánh bắt được sẽ chuyển qua các tàu khác) và khả năng quản lý yếu kém của các cảng cá trong khu vực.

Tuy Trung Quốc là nước được cho là có hoạt động IUU nhiều nhất, cũng có những quốc gia khác được nhắc đến, đặc biệt là Hàn Quốc và Vanuatu. Và hoạt dộng đánh bắt cá IUU tiếp tục là một vấn đề nan giải khi các nước nhỏ ở Thái Bình Dương vẫn còn vi phạm.

Nhiều nghiên cứu đã tìm cách ước tính sản lượng từ hoạt động đánh bắt IUU. Báo cáo năm 2019 của Viện Tài nguyên Thế giới ước tính có khoảng 7,2 triệu tấn cá IUU trị giá từ 4,3 đến 8,3 tỉ USD biến mất hằng năm.

Việc thất thoát quá nhiều cá do đánh bắt IUU từ lâu đã khiến nền kinh tế của các quốc gia nhỏ không có bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào khác bị kiệt quệ, đồng thời gây hại cho môi trường toàn cầu. Việc các quốc gia ở Thái Bình Dương không có khả năng đối phó với nạn đánh bắt cá IUU khiến các nước nhập khẩu hải sản phải chú ý và tìm cách chứng nhận tính hợp pháp của sản phẩm mà họ nhập về.

Cá ngừ được bảo quản đông lạnh trên tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Alex Hofford/EPA)

Năm 2012, EU cảnh báo Vanuatu về việc các tàu cá IUU mang quốc kỳ của nước này. Trước nguy cơ bị EU cấm nhập khẩu, Vanuatu đã cải cách các quy định và chính thức được EU gỡ bỏ cảnh báo vào năm 2016.

Nhưng sau đó, nước này lại tiếp tục gặp rắc rối với Mỹ do sự kiện liên quan đến đội tàu dường như thuộc sỡ hữu của Đài Loan lại mang quốc kỳ Vanuatu, trong đó có một tàu mang số hiệu Tunago 61.

Năm 2016, 6 thuyền viên người Indonesia trên tàu Tunago 61 đã sát hại thuyền trưởng khi đang hoạt động ở phía Đông đảo Pitcairn. Họ đã đông lạnh xác của thuyền trưởng để mang về Suva, Fiji và ra đầu thú. Những người này cho biết họ đã làm việc liên tục 16 tháng trên thuyền và không được trả lương.

Vì tàu Tunago 61 được đăng ký tại Vanuatu nên Fiji đã chuyển những thuyền viên trên đến nước Vanuatu để tuyên án với mức án 18 năm tù, dù trước đó họ chưa từng đặt chân đến Vanuatu. Hiện 6 người này vẫn đang trong thời gian chịu án tù tại Vanuatu.

Ông Transform Aqorau, Đại sứ Quần đảo Solomon tại Mỹ, cho biết hoạt động đánh bắt cá IUU là một trong những mối đe dọa lớn nhất trong quản lý nghề cá của các nước đang phát triển. Ông Transform Aqorau cũng là người đã thúc đẩy các bên thông qua Thỏa thuận Nauru.

Sự tiện lợi của những lá cờ và các công ty vỏ bọc ở các quốc gia thiên đường thuế đang che giấu những điều thật sự đang diễn ra.

"Hầu hết các nước đang phát triển không có khả năng xác minh thông tin do những tàu cá này cung cấp", Aqorau cho biết.

Hậu quả là các nước nghèo ở Thái Bình Dương mất một phần thu nhập đáng kể do hoạt động đánh bắt cá IUU, nhất là vì nó thường liên quan đến các ngư trường truyền thống. "Do đó, thiệt hại đối với các nước đang phát triển không chỉ về mặt kinh tế vì các nước trả phí cấp phép thấp hơn, mà còn về mặt tài nguyên do các nước có khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên lớn hơn".

Minh Bảo (Theo The Guardian)

Chủ đề khác