VnReview
Hà Nội

Cách giữ an toàn cho cơ thể trong thời tiết nắng nóng khó chịu

Nhiệt độ như thiêu đốt và độ ẩm cao đặc biệt nếu cả hai yếu tố này cùngkết hợp với nhau có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng cho sức khoẻ. Bài viết sẽ chia sẻ tới bạn một số thông tin và cách tự bảo vệ cơ thể trong thời tiết nắng nóng và độ ẩm cao hiện nay.

Nhiệt độ quá cao là kẻ giết người thầm lặng mà không ai hay biết. Trên thực tế theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có hơn 600 người chết mỗi năm ở Mỹ do nhiệt độ quá cao, thường là do say nắng và xảy ra khi nhiệt độ cơ thể lên đến 40 độ C hoặc hơn.

Nhưng thường mọi người không nhận ra nhiệt độ cực cao có thể nguy hiểm như thế nào. Michelle Hawkins, tiến sĩ, giám đốc Chi nhánh dự báo thời tiết khắc nghiệt, cháy, công cộng và mùa đông của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết: "Nó không làm đổ cây hoặc làm hư hại nhà cửa. Đó không phải là thứ bạn có thể thấy đang ập đến với mình nhưng nó vẫn rất nguy hiểm và có thể gây chết người".

Nhiệt độ trung bình đã tăng lên trong những năm gần đây, cụ thể vào tháng 6/2019 là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới và thường xuyên có những đợt nắng nóng bất thường xảy ra vào những ngày này. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), năm 2020 là năm nóng thứ hai từng được ghi nhận trong lịch sử. Trong vài ngày hoặc vài tuần tới, một số bang miền Tây nước Mỹ và nhiều khu vực ở Châu Á sẽ phải đối mặt với những cảnh báo về các đợt nắng nóng cực đoan.

Một báo cáo quan trọng từ Chương trình Nghiên cứu Thay đổi Toàn cầu của Chính phủ Mỹ cho thấy rằng các đợt nắng nóng sáu ngày liên tiếp có nhiệt độ cực cao trở lên đã gia tăng tần suất kể từ những năm 1960. Theo đà này, các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn và khốc liệt hơn.

Nắng nóng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người mắc bệnh mãn tính có nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng nhất. Nhưng nếu áp dụng các biện pháp phòng ngừa đơn giản trong bài viết này, nó sẽ giúp bạn an toàn hơn. Dưới đây là những lời khuyên từ các chuyên gia mà bạn nên tham khảo trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Kiểm tra nhiệt và độ ẩm

Không có nhiệt độ nào được coi là ngưỡng nguy hiểm. Điều đó một phần còn là do độ ẩm. Độ ẩm trong không khí càng cao, mồ hôi càng mất nhiều thời gian để thải ra và khó bay hơi hơn. Trong khi đó, chính quá trình tỏa nhiệt và ra mồ hôi giúp cơ thể hạ nhiệt. Nếu quá trình này bị gián đoạn, cơ thể bạn sẽ luôn cảm thấy nóng nực và khó chịu.

Trên thực tế, chỉ số nóng bức (heat index) là một thuật ngữ bạn có thể nghe thấy trong báo cáo thời tiết chính là thước đo cảm giác nóng khi ở bên ngoài trời (dựa theo nhiệt độ và độ ẩm).

Ngoài ra Hawkins cho biết, những người sống ở vùng khí hậu ấm hơn sẽ có khả năng thích nghi với nhiệt độ cao tốt hơn những người sống chủ yếu ở vùng lạnh. Vì vậy đôi khi những hiện tượng bất thường ở một khu vực này có thể là bình thường ở những khu vực khác.

Thực hiện các giải pháp sau để hạ nhiệt cơ thể

Nếu khu vực nơi bạn sinh sống đang xảy ra tình trạng nắng nóng, hãy cố gắng ở trong điều hòa hầu hết thời gian, đặc biệt là vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, thường rơi vào khoảng 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Và đừng đánh giá thấp mức độ nóng trong nhà nếu không có điều hòa. Một nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí Science of the Total Environment thống kê tại 285 gia đình có thu nhập thấp và trung bình ở New York cho thấy, điều kiện nhiệt trong nhà đã đạt đến mức nguy hiểm, rơi vào khoảng hơn 34 độ C.

Ngay cả khi trong nhà có quạt, nó cũng không hẳn là phương pháp làm mát hiệu quả nếu như không khí trong nhà vẫn quá nóng.

Nếu trong nhà không có điều hòa, bạn có thể tính đến việc tới các địa điểm công cộng để được hưởng không khí mát từ điều hòa, ví dụ như rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, thư viện để nghỉ ngơi. Tất nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, dù đi tới nơi công cộng nào chăng nữa, nhất là trong môi trường máy lạnh, bạn hãy nhớ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Để cơ thể có thể nhanh chóng hạ nhiệt và làm mát, cách tốt nhất là mặc quần áo thoáng, rộng, nhẹ, chất vải dễ thấm hút mồ hôi và sáng màu. Ngoài ra nếu như phải ra ngoài trời, hãy có biện pháp che chắn cho cơ thể như đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng và đồ che nắng cho các vùng da nhạy cảm như mặt, tay, chân.

Việc tiếp xúc liên tục và lâu dài với ánh nắng Mặt trời tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho da, thậm chí là ung thư da, đồng thời cản trở khả năng điều hòa thân nhiệt và tự làm mát của cơ thể. Ngoài ra, bạn hãy chú ý tới việc nghỉ ngơi trong không gian có máy lạnh, nhất là vào khoảng thời gian nắng nóng và nhiệt độ cao.

Vào những ngày oi bức, cách tốt nhất là không nên hoạt động thể chất ngoài trời vì bạn sẽ nhanh chóng mất nước và cảm thấy bức bối trong người do độ ẩm trong không khí cao. Nếu muốn tập luyện thể chất ngoài trời, hãy thử tập vào các khung giờ sau khi tắt nắng hoặc sáng sớm khi mặt trời chỉ vừa mới mọc. Hoặc nếu có thể, bạn nên tính đến việc dời lịch tập sang một ngày mát mẻ gần nhất.

Robert McLean, cựu chủ tịch của Hiệp hội Bác sĩ Mỹ cho biết, sáng sớm là thời điểm tốt nhất để tập thể dục vì cái nóng hầm hập cả ngày sẽ mất nhiều thời gian mới có thể biến mất vào buổi tối.

Giữ đủ nước cho cơ thể

Thông thường đa số chúng ta chỉ uống nước khi cảm thấy khát. Nhưng điều đó đôi khi không hẳn đúng vì đó là khi cơ thể đã có dấu hiệu bắt đầu mất nước. Trên thực tế không phải ai cũng có thể duy trì thói quen uống đều đặn 2 lít nước/ngày. Và ngay cả khi bạn đã uống đủ lượng nước theo khuyến nghị, nó cũng là không đủ với những ngày hè nóng nực, oi bức. Vì vậy bạn cần tăng cường uống thêm nước vào những ngày nóng nực.

Tuy không có mức quy định nhưng tốt nhất bạn hãy tạo thói quen uống một cốc nước sau một khoảng thời gian, có thể là 30 phút hoặc 1 tiếng, ngay cả khi bạn không cảm thấy khát.

Nước là cách tốt nhất để dưỡng ẩm cho da và cơ thể. Bạn có thể uống thông thường hoặc lấy qua thức ăn, bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả. Mọi người cũng không cần uống nước tăng lực có bổ sung thêm đường. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tránh các thức uống làm mất nước, ví dụ như đồ uống có cồn.

Mỗi khi có đợt nắng nóng, hãy cân nhắc mang theo nước mọi lúc mọi nơi. Điều đó có thể giúp bạn tránh tình trạng mất nước nếu phải lao động nặng, hoạt động ngoài trời hoặc ngồi trong phòng không có điều hòa.

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu mất nước, bao gồm tăng cảm giác khát, khô miệng và lưỡi, bồn chồn hoặc khó chịu, giảm lượng nước tiểu hoặc da không còn tính đàn hồi, hãy ngay lập tức uống nhiều nước hơn. Nếu bạn không đi tiểu trong vài giờ hoặc nước tiểu có tình trạng sẫm màu, đó là biểu hiện cơ thể đang mất nước trầm trọng. Lúc này hãy bổ sung nước ngay lập tức.

Theo dõi những người có rủi ro cao hơn

Một số nhóm người dễ gặp các vấn đề liên quan đến nhiệt hơn. Họ là người lớn tuổi và trẻ nhỏ, bởi lẽ cơ thể họ không điều hòa thân nhiệt được tốt như người trưởng thành khỏe mạnh. Ngoài ra còn một số những người mắc bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tiểu đường và tim mạch.

Những người bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gặp nhiều vấn đề về hô hấp hơn trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Do đó họ nên theo dõi dự báo để biết khi nào có thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và chất lượng không khí.

Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc lợi tiểu cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ.

Biết các dấu hiệu liên quan đến nhiệt độ cao

Dưới đây là những dấu hiệu cơ thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và cách khắc phục tạm thời bạn cần biết:

- Chuột rút do nóng: Những cơn chuột rút đau nhức cơ là kết quả của việc hoạt động gắng sức trong thời tiết quá nóng. Uống nước trái cây hoặc nước điện giải để bổ sung lượng muối và chất lỏng đã mất, đồng thời hãy nghỉ ngơi trong vài giờ để hồi sức.

- Kiệt sức do nhiệt:;Các dấu hiệu của kiệt sức do nhiệt gồm cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ hoặc chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn và ói mửa, da nhợt nhạt. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy dừng ngay công việc đang làm, nghỉ ngơi, uống nước và cố gắng hạ nhiệt cơ thể bằng cách ngồi trước quạt, điều hòa nhiệt độ và sau đó đi tắm bằng nước mát để rửa sạch mồ hôi và bã nhờn trên da, giúp việc tỏa nhiệt của cơ thể được tốt hơn. Theo CDC, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng kiệt sức vì nóng có thể dẫn tới say nắng.

- Say nắng: Tình trạng này có thể gây tử vong. Say nắng xảy ra khi cơ chế tự làm mát của cơ thể bị quá tải và nhiệt độ cơ thể tăng lên tới 40 độ C hoặc cao hơn. Các dấu hiệu điển hình có thể kể ra như lú lẫn hoặc trạng thái tinh thần thay đổi, buồn nôn, da đỏ và nóng, không thể đổ mồ hôi, đau đầu hoặc ngất xỉu.

Nếu bạn nghi ngờ đang có biểu hiện bị say nắng hoặc phát hiện thấy ai sắp bị say nắng, hãy nhanh chóng tìm chỗ mát để giải nhiệt. Trường hợp nguy hiểm cần liên hệ khẩn cấp tới các trung tâm y tế và người xung quanh để trợ giúp. Một số giải pháp hạ nhiệt tức khắc sau khi hoạt động ngoài thời tiết nóng lực, đó là ngâm một số bộ phận cơ thể trong nước đá để nhanh chóng giải nhiệt.

Một số lựa chọn khác là tắm nước mát để hạ nhiệt cơ thể nhưng cần rất cẩn thận. Bởi lẽ nhiều người có thể gặp tình trạng sốc nhiệt nếu sử dụng các biện pháp làm mát cực đoan. Trước khi sử dụng nước mát để hạ nhiệt, cách tốt nhất là bạn nên ngồi trước quạt để cơ thể ráo mồ hôi và để cơ thể tỏa bớt nhiệt lượng trong người.

Tiến Thanh (Theo Consumerreports)

Chủ đề khác