VnReview
Hà Nội

Nỗ lực cắt giảm vũ khí hạt nhân chững lại vì nhiều nước tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí

Các nhà nghiên cứu cho biết, khi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết đổi mới và mở rộng kho vũ khí của họ, việc giảm dần vũ khí hạt nhân từ đầu những năm 1990 đang bất ngờ chững lại.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính, tổng số lượng vũ khí hạt nhân của 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên hiện đạt 13.080 vào đầu năm 2021, giảm nhẹ so với 13.400 một năm trước đó.

Hans Kristensen, cộng sự cấp cao tại Chương trình giải trừ vũ khí, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của SIPRI cho biết: "Việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc dường như đang chững lại".

Con số này bao gồm các đầu đạn đã quá hạn và đang chờ tháo dỡ. Nếu không có chúng, tổng kho vũ khí hạt nhân của quân đội các nước đã tăng từ 9.380 lên 9.620.

Trong khi đó, số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai cho các lực lượng tác chiến tăng từ 3.720 lên 3.825. Trong số này, khoảng 2.000 chiếc được giữ ở trạng thái "cảnh báo hoạt động cao", nghĩa là có thể phóng trong vài phút.

Kristensen cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến ​​các chương trình hiện đại hóa hạt nhân rất quan trọng trên khắp thế giới, ở tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân". Kristensen chia sẻ thêm rằng, các quốc gia hạt nhân dường như đang nâng cao "tầm quan trọng mà họ gán cho vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ".

Kristensen cho rằng, sự thay đổi này có thể dễ thấy ở cả Nga và Mỹ, hai quốc gia sở hữu hơn 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nhưng ông nhấn mạnh còn quá sớm để nói liệu chính quyền mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden có đi chệch hướng chiến lược theo người tiền nhiệm của ông Donald Trump.

Nhà nghiên cứu cho biết: "Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden đã phát đi tín hiệu rất rõ rảng rằng, họ sẽ tiếp tục cắt giảm của chương trình hiện đại hóa hạt nhân đã được tiến hành trong những năm ông Trump còn đương vị"

Mỹ và Nga hiện vẫn đang tiếp tục tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân cũ. Tuy nhiên cả hai đều có khoảng 50 đầu đạn vẫn đang được "triển khai hoạt động" vào đầu năm 2021.

Đồng thời, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START mới giữa Mỹ và Nga đã được gia hạn thêm 5 năm vào đầu năm 2021. Việc gia hạn là quan trọng nhằm "tạo ra sự ổn định" và hơn hết nó rất cần thiết trong lúc này khi các hiệp ước khác như hiệp ước INF, cấm tên lửa đất đối không tầm trung và tầm ngắn hơn đã hết hiệu lực.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết thêm, tất cả 7 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân khác cũng đang phát triển hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới hoặc đã tuyên bố ý định làm như vậy.

Chiến dịch Quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) trong tháng này đưa tin cho biết, các quốc gia hạt nhân đã tăng chi tiêu cho kho vũ khí của họ lên 72 tỷ USD vào năm 2020, tăng thêm 1,4 tỷ USD so với năm 2019 ngay cả khi đại dịch Covid-19 bắt đầu hoành hành.

Vào tháng 8 tới, các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và hầu hết các quốc gia trên thế giới sẽ nhóm họp tại New York để xem xét lại tình hình hiện nay.

Theo hiệp ước, các cường quốc hạt nhân cam kết "theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí" liên quan đến việc "chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân" "giải trừ vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang gia hạn kho vũ khí, các bên có thể sẽ nghi ngờ cam kết của nhau.

Kristensen nhấn mạnh: "Các quốc gia thành viên của hiệp ước đó đúng ra sẽ có thể hỏi: ‘Các anh có thực sự ‘tuân thủ hiệp ước này không?" Nếu anh không, tại sao chúng tôi phải tiếp tục là thành viên của hiệp ước".

Mặc dù chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân đã đạt được những thành quả ấn tượng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng Kristensen cảnh báo, mọi thứ chưa thực sự chắc chắn trong tương lai.

Ông chia sẻ: "Có phải giai đoạn cắt giảm vũ khí hạt nhân đã kết thúc hay chúng ta thậm chí sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng vì các quốc gia có thể muốn nhiều vũ khí hơn".

Trên thực tế, Kristensen có lý do để lo ngại. Kho dự trữ vũ khí ngày một tăng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ giải giáp vũ khí của Mỹ và Nga.

Số lượng vũ khí hạt nhân từng đạt đỉnh vào năm 1986, thời kỳ Chiến tranh Lạnh với con số ước tính lên tới hơn 70.000.

Tiến Thanh (Theo Japantimes)

Chủ đề khác