VnReview
Hà Nội

Phát hiện hóa thạch động vật có vú lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc

Trong một tuyên bố ngày 17/6, các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc đã khai quật thành công hóa thạch 2 con tê giác khổng lồ có niên đại từ 22 triệu năm trước.;

Chúng lớn hơn cả voi ma mút và là loài động vật có vú trên cạn từng tồn tại trên Trái Đất.

Đây là một trong những tàn tích mới nhất về loài động vật cổ đại khổng lồ. Theo nghiên cứu, tê giác khổng lồ lớn hơn nhiều so với tê giác hiện đại khi dài 8 m, chiều cao trung bình 6 m và nặng hơn 20 tấn. 

Hóa thạch mới nhất được tìm thấy vào tháng 5/2015 tại lưu vực Lâm Hạ (Linxia), tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc. Khu vực Lâm Hạ nơi phát hiện các hóa thạch tê giác khổng lồ vốn nổi tiếng từ những năm 1950, khi người dân địa phương lần đầu tiên tìm thấy "xương rồng" được sử dụng để bào chế thuốc đông y, theo Tao Deng, giám đốc Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Bộ hóa thạch tương đối đầy đủ của một con tê giác khổng lồ được tìm thấy bao gồm hộp sọ, xương hàm, răng và đốt xương nối đầu với cột sống. Trong khi bộ còn lại chỉ bao gồm ba đốt sống lưng.

Từ những bằng chứng trên, các nhà khoa học có thể phục dựng lại những loài động vật cổ đại và nhận thấy chúng đủ khác biệt để tạo nên một phân loài mới, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Biology.

Tên khoa học của loài tê giác khổng lồ mới là Paraceratherium linxiaense, được ghép từ tên của chi tê giác khổng lồ cùng với địa điểm hóa thạch được khai quật.

Trong một email, Deng cho biết ông cùng nhóm của mình đã tìm kiếm hóa thạch ở vùng Lâm Hạ từ thập niên 80 và phát hiện ra một số bộ xương hoàn chỉnh của động vật có vú cổ đại. Tuy nhiên trước đó, họ chỉ tìm thấy những mảnh vỡ của hóa thạch tê giác khổng lồ, mặc dù những bộ hoàn chỉnh đã được tìm thấy ở những nơi khác của Trung Quốc.

Theo các nhà nghiên cứu, tê giác khổng lồ phổ biến ở Châu Á tại một số nơi như Pakistan, Trung Quốc, Mông Cổ và Kazakhstan, trong đó Paraceratherium là chi phân bố rộng rãi nhất của tê giác khổng lồ.

Một mẫu hóa thạch của Paraceratherium linxiaense

Một điểm thú vị là không có con tê giác khổng lồ nào có sừng trên mũi, cho thấy những chiếc sừng của tê giác hiện đại là kết quả của sự thích nghi sau này.

Theo lịch sử, tê giác khổng lồ bắt đầu được biết đến vào những năm 1920 sau chuyến thám hiểm ở Mông Cổ và Trung Quốc của nhà thám hiểm nổi tiếng người Mỹ Roy Chapman Andrews. Độ nổi tiếng của Andrews lớn đến mức khiến một số nhà làm phim Hollywood lấy hình ảnh của ông làm cảm hứng cho các nhân vật anh hùng. 

Quay lại với tê giác khổng lồ, nhóm của Andrews đã tìm thấy hóa thạch trên sa mạc Gobi và trao trả cho Bảo tàng ở New York, Mỹ. Theo nhà sử học Chris Manias từ Đại học King's College London, khám phá này thành công vượt xa hơn cả hình ảnh của những con khủng long lớn nhất mà công chúng từng biết đến.

Đồng tác giả nghiên cứu Lawrence Flynn cho hay, phần đáng ngạc nhiên nhất của phát hiện hóa thạch là nó cho thấy thảm thực vật có năng suất cao ở những khu vực Châu Á mà tê giác khổng lồ và các sinh vật có vú khác sinh sống.

Donald Prothero, nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và là tác giả của một cuốn sách về tê giác khổng lồ, cho biết loài tê giác này là một trong những loài động vật khổng lồ còn sống sót sau cùng trên Trái Đất.

Trầm tích đỏ Kainozoi ở lưu vực Lâm Hạ, nơi tìm thấy hóa thạch

Mặc dù nhiều loài động vật khổng lồ có vú từng tồn tại ở một số thời kỳ tiền sử trước đó, hầu hết đều tuyệt chủng do khí hậu trở nên khô hạn trong thời kỳ Oligocen (thế Tiệm Tân), cách đây khoảng 34 – 23 triệu năm về trước.

Điều này dẫn đến sự sụp đổ của một loạt khu rừng rộng lớn trên Trái Đất và phần lớn các loài động vật có vú sống dựa vào đó để kiểm ăn cũng bị tuyệt chủng. Chỉ riêng tê giác khổng lồ là còn sống sót thêm một thời gian.

Deng lưu ý rằng loài tê giác khổng lồ mới có liên quan mật thiết với loài ở Pakistan, điều này làm dấy lên khả năng một loài tổ tiên gần gũi đã từng lang thang khắp vùng Tây Tạng trước khi nó trở thành cao nguyên trên cao như ngày nay.

Nhóm nghiên cứu phỏng đoán rằng cao nguyên Tây Tạng vào thời kỳ này chỉ cao chưa tới 2.000 m so với mực nước biển, thấp nhiều so với độ cao trung bình hơn 4.500 m như hiện nay. "Độ cao đó đã cho phép những con tê giác khổng lồ phân tán tự do qua khu vực", Deng giải thích.

Ngọc Diệp (Theo NBC)

Chủ đề khác