VnReview
Hà Nội

Tại sao độ ẩm cao khiến cơ thể khó chịu đến vậy?

Vào những ngày nắng nóng và độ ẩm cao, da của bạn có lẽ sẽ có cảm giác bị dính và rất khó chịu. Vậy điều gì đã khiến độ ẩm cao khiến cho cơ thể khó chịu đến vậy?

Câu trả lời là độ ẩm cao có thể khiến chúng ta cảm thấy nóng hơn so với những ngày nắng nhưng trời khô. Điều này là do độ ẩm - lượng hơi nước trong không khí có thể khiến cơ thể khó thải nhiệt dư thừa qua mồ hôi, theo cơ quan quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA).

Thông thường, khi các hạt mồ hôi ở trên bề mặt da, nhiệt từ cơ thể sẽ bốc hơi mồ hôi đó vào không khí. Điều này khiến da con người mát hơn. Tuy nhiên, độ ẩm cao ngăn không cho mồ hôi bốc hơi vào không khí một cách dễ dàng, bởi lẽ không khí xung quanh đã có độ ẩm cao và không thể hấp thụ nhiều thêm nữa. Khi đó, mồ hôi bay hơi khỏi da càng ít và chúng ta sẽ càng cảm thấy khó chịu, nóng bức.

Theo Trung tâm thông tin môi trường Mỹ, không khí ấm có thể giữ nhiều độ ẩm hơn không khí mát. Nhiệt độ tăng 0,55 độ C tương đương với mức tăng 4% của hơi nước trong khí quyển. Điều này giải thích tại sao độ ẩm cao trong mùa hè khiến con người cảm thấy khó chịu hơn trong mùa đông. Không chỉ việc cảm thấy ngột ngạt mà khi độ ẩm cao, hơi nước bết dính trên da cũng khiến con người cảm thấy khó chịu.

Mặc dù không có chỉ sổ nào nói về ngưỡng độ ẩm sẽ khiến mức độ thoải mái của con người trở nên tệ hơn nhưng Trung tâm thông tin môi trường Mỹ thường coi mức độ ẩm tương đối (RH) từ 50% trở lên và điểm sương (hay nhiệt độ hóa sương) trên 65 độ F (18 độ C) là gây ra khó chịu cao.

Tin tốt cho chúng ta là cơ thể có thể thích nghi phần nào với nhiệt độ và độ ẩm cao. Tuy nhiên, nó không đủ nhanh để khiến con người cảm thấy dễ chịu ngay lập tức, nếu đang từ một vùng không khí mát mẻ và đến vùng nhiệt đới nào đó trong vài ngày. Larry Kenney, giáo sư sinh lý học trả lời Live Science cho biết: 'Phải mất trung bình từ 9 - 14 ngày để cơ thể thích nghi hoàn toàn với một môi trường mới'.

Một trong những giai đoạn đầu tiên của quá trình thích nghi với nhiệt là sự giãn nở của các mạch máu. Nó cho phép máu chảy nhiều hơn gần bề mặt da, nơi nhiệt lượng dư thừa dễ dàng thoát ra ngoài cơ thể. trong khi đó, điều này dẫn đến nhịp tim thấp hơn và có nhiều chất lỏng hơn để đổ mồ hôi. Đến ngày thứ 3 hoặc thứ 5, tỷ lệ đổ mồ hôi bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, sự thích nghi kể trên chỉ là tạm thời.

Nguyễn Dương Theo LiveScience

Chủ đề khác