VnReview
Hà Nội

Miền Tây nước Mỹ ghi nhận đợt nắng nóng có nền nhiệt cao kỷ lục

Có thể nhiều người vẫn nghĩ thời tiết năng nóng hiện tại ở miền Tây nước Mỹ là bình thường, vì vào mùa hè dĩ nhiên thời tiết phải nóng rồi. Nhưng cường độ, phạm vi và sự xuất hiện sớm bất thường của đợt nắng nóng kỷ lục này đang khiến các nhà khí tượng học và các chuyên gia khí hậu ngày càng quan ngại về sự biến đổi của hiện tượng thời tiết cực đoan trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Những vùng áp cao kéo dài, thường được gọi là "vòm nhiệt", tương đối phổ biến vào những tháng cuối mùa hè. Nhưng giờ đã khác.

"Hiện tượng này không chỉ bất thường khi xuất hiện vào tháng 6, mà còn là sự cực đoan của nó trong điều kiện tuyệt đối", Daniel Swain, nhà nghiên cứu khí hậu tại Viện Môi trường và Bền vững UCLA. "Nó thường là hiện tượng gây ra nắng nóng vào tháng 8", Swain giải thích.

Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP

Từ Đại bình nguyên Bắc Mỹ cho đến bờ biển, các thành phố đang thiết lập nhiệt độ cao kỷ lục mới

Hiện tượng "vòm nhiệt" lần này cũng ghi nhận những kỷ lục mới. Nó đã thiết lập mức nhiệt cao kỷ lục ở các thành phố trải dài từ Đại bình nguyên Bắc Mỹ cho đến bờ biển California. Và đây không chỉ là kỷ lục ghi nhận vào một thời điểm cụ thể như trong ngày hay trong tháng, mà nó được ghi nhận là ngày có nhiệt độ cao nhất trong khoảng thời gian thống kê từ trước đến nay, một số nơi lên đến 100 – 150 năm. "Đó là một vấn đề nghiêm trọng", Swain nói.

"Điều bất thường ở chỗ mức nhiệt tối đa đã cao hơn", Alison Bridger, giáo sư tại khoa Khí tượng và Khoa học Khí hậu, Đại học Bang San Jose, cho biết.

Ví dụ, Palm Springs, California gần đây đã đạt 50,56 độ C, bằng với nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận.

Las Vegas ghi nhận mức kỷ lục là 45,56 độ C. Phoenix đạt kỷ lục 47,78 độ C, là thành phố đầu tiên đạt mốc này. Mức nhiệt này đã phá kỷ lục 45,56 độ C ghi nhận vào năm 2015.

Sacramento, California lập kỷ lục mới là 42,78 độ C. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) đã mở rộng cảnh báo nắng nóng cực đoan sẽ kéo dài đến tối Chủ nhật ở vùng thung lũng Trung phần và các vùng phía Bắc California.

Tuần này, tại Denver cũng đã đạt mức nhiệt 37,78 độ C trong ba ngày liên tục, Bob Henson, một nhà khí tượng học, đã đăng một tweet cảnh báo rằng nhiệt độ kỷ lục tại Denver trong suốt 150 năm đã liên tục bị vượt qua trong vòng 30 năm trở lại đây.

Ở khu vực đồng bằng, một số thành phố như Omaha, Nebraska đã ghi nhận những kỷ lục mới, trong đó, nhiệt độ cao nhất là 40,56 độ C. Mức nhiệt này đã phá kỷ lục tại Omaha ghi nhận vào năm 1918.

Cũng chỉ mới năm ngoái, nhiều thành phố ở miền Tây nước Mỹ đã đạt mức nhiệt cao kỷ lục.

Hiện tượng "vòm nhiệt" lần này "phù hợp với những ý kiến về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, có nghĩa là nó chỉ nóng hơn một chút so với năm ngoái", Bridger cho biết. "Và nếu năm sau chúng ta vẫn tiếp tục gặp hiện tượng này, nó cũng sẽ chỉ nóng hơn năm nay một chút".

"Vòm nhiệt" khiến tình trạng hạn hán nghiêm trọng hơn

Hiện tượng lần này cũng trùng khớp với tình trạng hạn hán kéo dài đang xảy ra ngày càng trầm trọng hơn ở miền Tây nước Mỹ. Daniel Swain cho biết cả hai điều này đang khiến lẫn nhau nghiêm trọng hơn.

"Tình trạng hạn hán dẫn đến độ ẩm trong đất cực thấp, từ đó khiến các vùng áp cao dễ dàng tạo ra các đợt nóng có nhiệt độ cao vì năng lượng từ Mặt Trời sẽ đốt nóng không khí thay vì làm bay hơi độ ẩm có trong đất".

Và điều này chỉ khiến mọi thứ nóng hơn và khô hơn.

"Khi khí hậu ngày càng nóng lên, hạn hán và nắng nóng cực đoan sẽ tạo thành một vòng lân quẩn", ông nói.

Nhiệt độ tại miền Tây nước Mỹ ghi nhận ngày 17/6/2021 (Ảnh: Weatherbell)

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy con người gây ra biến đổi khí hậu

Nắng nóng cực đoan và hạn hán diện rộng tiếp tục làm tăng nguy cơ cháy rừng ở khắp các vùng miền Tây nước Mỹ. Các dữ liệu mới của chính phủ liên bang cho thấy số đợt cháy rừng ở Mỹ tính đến giữa năm nay đã ở mức cảnh báo cao nhất trong 10 năm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng vào mùa hè và mùa thu.

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng "vòm nhiệt" đang xảy ra là bằng chứng rõ ràng cho thấy tác động của con người dẫn đến biến đổi khí hậu.

Bridger cho biết dường như con người là nguyên nhân, nhưng "vẫn cần rất nhiều nghiên cứu để chỉ ra điều đó. Rất nhiều nhà khoa học đang làm việc chăm chỉ để khẳng định về mặt số liệu rằng con người có liên quan đến biến đổi khí hậu", cô nói.

Những nhà khoa học khác thì khẳng định chắc chắn hơn.

"Ở thời điểm này thì mọi thứ đã rõ ràng", Swain nhận định, "khi nói đến các sự kiện nắng nóng kỷ lục, nghiên cứu đã được thực hiện từ sự kiện này đến sự kiện khác, từ khu vực này đến khu vực khác, từ năm này đến năm khác".

Và câu trả lời gần như luôn luôn giống nhau, ông nói: "Dấu vân tay của con người luôn xuất hiện một cách rõ ràng trong các sự kiện nắng nóng cực đoan… biến đổi khí hậu đang khiến những hiện tượng này càng trầm trọng hơn".

Và những điều trước đây hiếm khi xuất hiện dường như đã dần phổ biến hơn: Các chuyên gia dự báo thời tiết cho biết có khả năng một đợt nóng mới với cường độ tương tự sẽ xảy ra ở miền Tây nước Mỹ trong khoảng 1 tuần nữa.

"Điều này nghe thật điên rồ, ngoại trừ mùa hè năm ngoái, chúng ta chỉ mới trải qua những ‘hiện tượng chưa từng có' tại các vùng khác nhau ở miền Tây chỉ khoảng ba đến năm lần",;Swain chỉ ra.

Minh Bảo (Theo NPR)

Chủ đề khác