VnReview
Hà Nội

"Cú đêm" chú ý: thiếu ngủ có thể gây mất trí nhớ và chết sớm

Những người khó ngủ và thường xuyên thức đêm có nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ hoặc chết sớm theo một nghiên cứu mới được công bố.

Tác giả của nghiên cứu này là Rebecca Robbins, giảng viên y khoa tại Trường Y Harvard. Cô cho biết:;"Những kết quả này đóng góp vào kiến thức hiện có rằng giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng để giảm nguy cơ suy giảm nhận thức thần kinh lâu dài và tất cả các nguyên nhân gây tử vong".

Các chuyên gia cho rằng mối liên hệ giữa giấc ngủ, chứng mất trí và tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nhào là đặc biệt đáng lo ngại. Theo hiệp hội giấc ngủ thế giới, tình trạng thiếu ngủ đang đe dọa sức khỏe của khoảng 45% dân số thế giới.

Tùy thuộc vào độ tuổi, mỗi người trong chúng ta phải ngủ từ 7 đến 10h mỗi đêm. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, cứ 3 người Mỹ thì có 1 người ngủ không đủ giấc. Ngoài ra, khoảng 50 - 70 triệu người Mỹ phải vật lộn với chứng rối loại giấc ngủ, như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ, hội chứng chân không yên,...

Nghiên cứu kể trên được công bố trên Tạp chí nghiên cứu sức khỏe, đã phân tích dữ liệu thu thập được của 'Nghiên cứu xu hướng lão hóa và sức khỏe Mỹ', tổ chức phỏng vấn trực tiếp hằng năm với một mẫu đại diện trong nước Mỹ gồm 6.376 người.

Dữ liệu từ năm 2011 đến năm 2018 đã được kiểm tra, tập trung vào những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhất, những người cho biết họ có vấn đề về giấc ngủ hầu như mỗi đêm.

Nghiên cứu cho thấy những người khó ngủ hầu như mỗi đêm có nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào cao hơn người bình thường khoảng 44%. Những người cho biết họ thường thức giấc vào ban đêm và khó ngủ trở lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, tăng 56% nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào.

Robbins cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc thường xuyên khó ngủ và thức giấc ban đêm với chứng sa sút trí tuệ và tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào".

Ngoài ra, những người thường xuyên khó ngủ cũng có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 49% so với người bình thường. Trong khi đó, người thường xuyên thức giấc vào ban đêm và khó ngủ lại có nguy cơ sa sút trí tuệ tăng 39%.

Ngoài nghiên cứu kể trên, trước đây cũng có nhiều nghiên cứu khác về nguy cơ của việc thiếu ngủ với sức khỏe. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy những người trung niên khỏe mạnh ngủ không ngon giấc chỉ trong 1 đêm đã tạo ra nhiều mảng amyloid beta - một trong những dấu hiệu nhận biết của bệnh Alzheimer. Amyloid beta là một hợp chất protein dính làm gián đoạn giao tiếp giữa các tế bào và sau đó là giết chết các tế bào khi nó tích tụ trong não.

Việc bị gián đoạn giấc ngủ trong 1 tuần có thể làm tăng lượng Tau - một loại protein khác gây ra các rối loạn liên quan đến bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ thể Lewy.

Theo một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 4/2021, không ngủ đủ 7 hoặc 8 giờ mỗi đêm cũng có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Sau khi theo dõi gần 8.000 người trong 25 năm, nghiên cứu cho thấy nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn với những người ngủ chỉ 6h mỗi đêm hoặc ít hơn ở độ tuổi 50 và 60.

Ngoài ra, việc ít ngủ hàng đêm trong độ tuổi 50, 60, 70 cũng có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ tăng 30%. Đặc biệt là nguy cơ này không phụ thuộc vào các yếu tố xã hội học, hành vi, chuyển hóa tim và sức khỏe tâm thần...

Bạn có thể giải quyết mọi vấn đề về giấc ngủ bằng cách rèn luyện trí não để có giấc ngủ ngon hơn. Các chuyên gia gọi đó là 'vệ sinh giấc ngủ' và đề nghị thiết lập một thói quen trước khi đi ngủ được thiết kế để thư giãn và làm dịu. Điều đó có nghĩa bạn không nên dùng TV, điện thoại thông minh hoặc thiết bị phát ra ánh sáng xanh khác ít nhất 1 - 2h trước khi đi ngủ.

Nguyễn Dương (Theo CNN)

Chủ đề khác