VnReview
Hà Nội

Sự trỗi dậy của phong trào Trái đất Phẳng thời hiện đại

Tại sao nhiều người ở thế kỷ 19 và 20 lại cho rằng Trái đất phẳng?

Ở vùng đầm lầy phía bắc Cambridge, gần làng Welney, dòng sông Old Bedford (Anh) chảy qua một con kênh tiêu nước dài 6 dặm gọi là Bedford Level. Được xây dựng vào thế kỷ 17, là một phần trong loạt công trình lớn nhằm tiêu nước tại vùng đầm lầy này, nó có nhiệm vụ dẫn dòng nước từ sông Great River Ouse lên phía bắc.

Vào một buổi chiều mùa hè năm 1838, một người đàn ông trong độ tuổi 20 chèo thuyền vào kênh gần Đập Welche, mang theo một chiếc kính viễn vọng. Samuel Birley Rowbotham là cái tên quen thuộc ở vùng thôn quê Cambridgeshire bởi đã giữ chức bí thư của xã Manea Fen - vốn đi theo mô hình chủ nghĩa xã hội - trong nhiều tháng trời. Nay, khi không còn làm công việc đó nữa, anh đề ra mục tiêu phải kiểm chứng cho bằng được một ý tưởng đã hình thành trong đầu kể từ thời thơ ấu: từ năm 7 tuổi, Rowbotham đã luôn tin rằng Trái đất có dạng phẳng.

Rowbotham cử một người bạn - đồng thời là trợ lý của anh - chèo một con thuyền nhỏ treo một lá cờ cách mớn nước 5 feet (1,52 mét) dọc theo kênh đến cầu Welney, vốn nằm ở đầu kia của đoạn đường thẳng tắp dài 6 dặm (9,66 km). Sau đó anh đứng xuống dòng nước và quan sát lá cờ bằng kính viễn vọng giữ cách mớn nước 20,32 cm. Đứng yên dưới một con kênh trong khoảng thời gian đủ để một con thuyền nhỏ đi 6 dặm hiển nhiên không hề thoải mái chút nào, nhưng Rowbotham là một gã với lòng quyết tâm đáng ngưỡng mộ. Và khi con thuyền đến được cầu Welney và người trợ lý đưa cao mái chèo lên, Rowbotham ngay lập tức cảm thấy phấn chấn. Niềm tin của anh đã đúng. "Lá cờ và con thuyền ở rìa nước có thể được thấy một cách rõ ràng trên toàn đoạn đường!" - anh viết.

Theo tính toán của anh, bề mặt của nước tại cầu Welney nằm dưới đường chân trời 16 feet (4,88 mét), và do đó lá cờ lẽ ra không thể thấy được. Rowbotham đúng về mặt hình học không gian, nhưng anh đã quên mất vật lý học. Không khí ấm ở trên vùng nước mát có thể khiến ánh sáng bị khúc xạ, tạo ra ảo ảnh thuyền bè và các hòn đảo như trôi lơ lửng trên bầu trời, hoặc khiến các vật thể ở đường chân trời hiện ra rõ nét. Bởi Rowbotham cần đứng dưới kênh và làm sao để thấy rõ từ cách đó 6 dặm, theo lẽ tự nhiên anh đã chọn một ngày nắng ấm áp để thực hiện thử nghiệm của mình - làm gì còn cơ hội nào tốt hơn để chứng kiến hiện tượng khúc xạ nữa? Nhưng vì không biết đến điều này, Rowbotham đã đưa ra kết luận rằng "bề mặt của nước lặng không có dạng lồi, và do đó Trái đất không phải là một khối cầu!"

Sông Old Bedford ở Welney

Rowbotham chắc chắn không phải người Anh duy nhất nghĩ rằng Trái đất phẳng. Hầu hết mọi người ở thời kỳ đó ít được giáo dục và cũng không có lý do gì phải đi xa. Nhưng ngay cả trong thời kỳ hiện đại này, cũng chẳng ai tìm cách tranh luận về vấn đề này trong bất kỳ cuốn sách nào dựa trên những thử nghiệm khoa học. Đó là lý do phong trào Trái đất phẳng ra đời.

Lịch sử

Tại Hy Lạp cổ đại, đâu đó trước thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên (TCN), nhiều người đã nhận ra rằng Trái đất là một khối cầu. Chúng ta không biết ai, hay khi nào, khám phá này được công bố. Pythagoras hoặc những người đi theo ông đôi lúc được gán cho vinh dự này, nhưng đó chỉ là phỏng đoán mà thôi. Đến cuối thế kỷ thứ 5 TCN, những công dân Hy Lạp được giáo dục đầy đủ hầu như đều chấp nhận rằng thế giới có hình cầu. Trong cuốn On the Heavens tập 2 (năm 350 TCN), Aristotle từng chỉ ra rằng Trái đất tạo ra một cái bóng hình tròn lên Mặt trăng trong suốt sự kiện nguyệt thực, mọi người ở những vùng có vĩ độ khác nhau thấy được những ngôi sao khác nhau, và ở những khoảng cách khá ngắn, sự thay đổi là rất dễ thấy được, "chứng tỏ rằng không chỉ Trái đất có hình cầu, mà khi so với những ngôi sao, nó cũng không có kích thước lớn lắm". Vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ thứ 2 TCN, nhà toán học Hy Lạp Eratosthenes đã thực hiện một phép đo đạc tương đố chính xác về chu vi của Trái đất bằng cách đo góc của các tia sáng Mặt trời tại hai điểm cách xa nhau cùng lúc.

Người La Mã, người theo Đạo Cơ Đốc, và các nền văn minh Hồi giáo thời phong kiến đều thừa hưởng kiến thức khoa học của Hy Lạp, bao gồm những sổ sách về kích thước và hình dáng của Trái đất. Trái ngược với những lời đồn đại, người châu Âu thời phong kiến biết rằng Trái đất hình tròn và thậm chí là cả kích thước của nó nữa.

Phong trào Zetetic

Thử nghiệm Bedford Level của Rowbotham được thực hiện ở thời điểm khoa học đang tiến triển nhanh chóng, và nhiều công trình nổi tiếng thời đó đã thách thức những sự thật được nêu ra trong Sáng ký thế. Chúng bao gồm Nguyên lý Địa chất học của Charles Lyell (1833), Vết tích của Lịch sử kiến tạo tự nhiên của Robert Chambers (1844), và nổi tiếng nhất, Nguồn gốc các loài của Charles Darwin (1859).

Do đó, có lẽ không ngạc nhiên là bao khi có một phong trào nổi lên nhằm tranh cãi rằng khoa học hiện đại chỉ là một mớ hổ lốn. Sau khi tiến hành thêm nhiều thử nghiệm trên con kênh bằng thuyền và cờ (tất cả đều trong điều kiện nắng ấm tương tự), Rowbotham bắt đầu tổ chức những buổi diễn thuyết công khai dưới bút danh "Parallax" vào năm 1849 nhằm khẳng định niềm tin của mình.

Bản đồ Trái đất do Rowbotham vẽ nên

Rowbotham nói rằng thế giới là một chiếc đĩa đứng yên, trung tâm nằm ở Bắc Cực. Nam Cực là một bức tường băng bao quanh chiếc đĩa và ngăn nước của các đại dương không bị trào khỏi rìa đĩa. Mặt trời là một rắc rối với Rowbotham, bởi người Anh thời bấy giờ đã đủ kiến thức về thế giới để biết khi một nửa này là ngày thì nửa kia là đêm. Do đó, anh đã tiến hành nhiều thử nghiệm khác để đi đến kết luận rằng Mặt trời là một vật thể nhỏ bay vòng tròn cách mặt đất khoảng 4.000 dặm (khoảng 6.437 km), và chỉ có thể chiếu sáng một nửa chiếc đĩa mà thôi. Bình minh và hoàng hôn là những ảo ảnh thị giác gây ra bởi các quy luật phối cảnh. Mặt trăng thì có đặc tính dạ quang và toả ra ánh sáng của chính nó, và hiện tượng nguyệt thực gây ra bởi một "vệ tinh không dạ quang" tối màu băng ngang qua mặt nó. Gần như mọi phong trào Trái đất phẳng hiện đại đều sử dụng mô hình này.

Bài diễn thuyết đầu tiên của Rowbotham, tổ chức tại Viện Cơ khí Trowbridge, diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng sau đó, khi được hỏi tại sao tàu thuyền, mà trước hết là thân tàu, lại biến mất ở đường chân trời, thì anh không trả lời được và lẻn ra khỏi hội trường. Theo tờ Blackburn Standard, khi không dám xuất hiện trở lại, khán giả đã nói rằng "vị này đã trượt khỏi rìa băng của chiếc đĩa phẳng và không ai thấy anh ta được nữa cho đến khi anh ta trồi lên ở phía đối diện".

Không nản chí, Rowbotham xuất bản tiếp hai cuốn sách khác: Zetetic Astronomy: A Description of Several Experiments Which Prove that the Surface of the Sea is a Perfect Plane and that the Earth is Not a Globe (Những thử nghiệm chứng minh bề mặt biển là mặt phẳng hoàn hảo và Trái đất không phải hình cầu), và The Inconsistency of Modern Astronomy and its Opposition to the Scriptures!! (Sự thiếu nhất quán của thiên văn học hiện đại và sự trái ngược của nó so với Kinh thánh). Rowbotham viết rằng từ "Zetetic" xuất phát từ từ "zeteo" trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là tìm kiếm hoặc xem xét, và anh đã phát triển một hệ thống thiên văn học dựa trên khảo nghiệm thực thụ thay vì chỉ nhắm mắt gật đầu những thuyết "chưa được chứng minh" của các nhà khoa học như Copernicus và Newton.

Christine Garwood viết trong sách "Trái đất phẳng: Lịch sử; hình thành một ý tưởng đáng hổ thẹn" rằng Rowbotham đã sử dụng hai món "vũ khí" được yêu thích của các nhà thần tạo luận Trái đất trẻ (Young-Earth Creationism) thời hiện đại - viện dẫn Kinh thánh theo nghĩa đen, và những biện giải khoa học. Chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu bản thân Rowbotham có thực sự là một kẻ sùng đạo hay không. Nhiều khả năng là không, xét việc đã có thời gian dài anh này điều hành một xã theo chủ nghĩa xã hội. Có lẽ những gì Rowbotham nói chỉ là sự lừa gạt. Và đó cũng không phải là mưu đồ duy nhất của gã. Tự gọi mình là một bác sỹ, "Thạc sỹ, bác sỹ Birley", gã tự kê thuốc gốc phosphor làm thần dược chữa lành mọi thứ từ căng thẳng đến liệt dương, thử nghiệm phát minh ra nhiều loại cao su và xà phòng, rồi viết một cuốn sách về cách loài người có thể đạt được sự bất tử. Nhưng nổi tiếng nhất là việc gã được mệnh danh "Parallax kẻ theo thuyết Trái đất phẳng".

Biểu đồ thử nghiệm Bedford Level 

Sự tự tin của Rowbotham ngày càng mạnh mẽ hơn trong thập niên 1850, giúp gã trở thành một nhà hùng biện đại tài. Quá mệt mỏi trước thói lắt léo đầy khoa trương của gã, một nhóm những người chỉ trích đã thách thức Rowbotham thực hiện một thử nghiệm.

Ngọn hải đăng Eddystone nằm trên một khối đá cách Plymouth khoảng 12 dặm (19km). Nó có thể được thấy rất rõ ràng từ Plymouth Hoe, một khu vực bằng phẳng, thoáng đãng, nằm trên một vách đá ven biển nơi Francis Drake được cho là đã chơi bóng gỗ trong khi chờ đợi Hải quân Tây Ban Nha kéo quân đến. Nếu Trái đất thực sự phẳng như Rowbotham khẳng định, thì toàn bộ ngọn hải đăng hiển nhiên phải được thấy rõ từ bãi biển bên dưới khu vực này. Nhóm người chỉ trích dự đoán rằng, từ bãi biển, Rowbotham chỉ có thể thấy được ngọn đèn mà thôi.

Khá ngạc nhiên là Rowbotham đã chấp nhận thử thách, và ngày 24/10/1864, một đám đông tụ họp tại Plymouth Hoe để chờ kết quả. Đúng như dự đoán của nhóm chỉ trích, họ có thể thấy được toàn bộ ngọn hải đăng từ bãi đất phẳng, nhưng chỉ thấy được nửa ngọn đèn từ bãi biển. Nửa ngọn đèn thôi, chứ không phải cả ngọn đèn, có lẽ vì điều kiện thời tiết hôm đó. Tuy nhiên, Rowbotham tuyên bố mình chiến thắng bởi nhóm chỉ trích đoán gã sẽ thấy được toàn bộ ngọn đèn chứ không phải chỉ một nửa. Theo gã, nhóm người kia không biết họ đang nói về điều gì. Đám đông và giới báo chí cũng không bị thuyết phục.

Rowbotham vẫn kiên quyết hơn bao giờ hết. Một năm sau, gã xuất bản một cuốn sách tên "Zetetic Astronomy: Earth Not A Globe" (Trái đất không phải hình cầu) với tiêu đề phụ không thể dài hơn "An Experimental Inquiry Into The True Figure Of The Earth, Proving It A Plane, Without Orbital Or Axial Motion, And The Only Known Material World; Its True Position In The Universe, Comparatively Recent Formation, Present Chemical Condition, And Approaching Destruction By Fire, &c &c" và tiếp tục tham gia phong trào Trái đất phẳng cho đến khi qua đời năm 1884. Cuốn sách này trở thành di sản trường tồn mà gã để lại cho đời sau.

Những môn đệ của Rowbotham

Uy tín và kỹ năng khi đứng trên sân khấu của Rowbotham đã giúp gã thu hút được nhiều "môn đệ", những người tự gọi mình là Zetetics. Hai trong số này đã trở thành những cái tên quyền lực bậc nhất trong phong trào Trái đất phẳng theo những cách của riêng họ. Và từ thời của Rowbotham cho đến tận ngày nay, phong trào Trái đất phẳng chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.

Một Zetetics từng là thợ sơn và theo thuyết duy linh tên William Carpenter. Người này tỏ ra đau buồn khi thấy rằng niềm tin về Trái đất phẳng "không được phổ biến và khiến loài người dậm chân tại chỗ", nhưng không hề dao động, Carpenter cuối cùng trở thành một trong những người viết sách về Trái đất phẳng hàng đầu thế giới. Một người khác là biện luận gia Cơ đốc giáo, từng bỏ học ở Oxford, tên John Hampden. Đi khắp nơi tìm kiếm mục tiêu sống trong vô vọng, anh này trở thành một người theo phong trào Trái đất phẳng sau khi đọc qua sách của Rowbotham và Carpenter. Vào tháng 1/1870, Hampden đăng một quảng cáo lên tuần san Scientific Opinion, trong đó cược 500 bảng Anh rằng không độc giả nào của tờ báo này có thể chứng minh "để làm hài lòng bất kỳ vị trọng tài thông minh nào rằng một đường tàu, con sông, con kênh hay hồ nước có dạng cong cả". Hầu hết độc giả đơn giản là bỏ qua quảng cáo này (có lẽ họ chỉ chép miệng chán chường rồi lật sang trang mới luôn!), trừ một người: nhà sinh học nổi tiếng Alfred Russel Wallace.

Wallace được biết đến nhiều vào ngày nay vì đã độc lập phát triển một thuyết tiến hoá thông qua chọn lọc tự nhiên bên cạnh thuyết của Charles Darwin. Ông từng thực hiện một nghiên cứu sâu rộng về thực vật và động vật tại Đông Ấn, và sự phân chia giữa hệ thực vật và động vật của châu Á và vùng Australasia (Úc, New Zealand, New Guinea, và các đảo lân cận ở Nam Thái Bình Dương) mà nay được gọi là "Đường Wallace". Dù đạt được những thành tựu đó, ông lại có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với cộng đồng khoa học nói chung bởi niềm tin vào chủ nghĩa duy linh. Thiếu tiền, và cho rằng mình có thể khiến bè lũ Zetetics ngậm miệng một lần và mãi mãi, Wallace chấp nhận thách thức.

Vào lúc 12:40 trưa ngày 5/3, một ngày nắng không mây, Wallace, Hampden, và hai vị trọng tài gặp nhau tại cầu Welney với một chiếc kính viễn vọng có đường chỉ ngắm đánh dấu sẵn trên thấu kính. Wallace đã treo một tấm vải in hoa với một dải đen dày trên đó tại cầu Old Bedford, cách cầu Welney 6 dặm, và ngay chính giữa hai cây cầu, ông bố trí một cây cọc đánh dấu đỏ bên trên. Dải đen trên tấm vải hoa, dấu đỏ trên cây cọc, và đường chỉ ngắm trên thấu kính của kính viễn vọng đều cách mặt nước đúng 13 ft 3 inch (khoảng 4m). Nếu Trái đất phẳng, chúng phải thẳng hàng với nhau. Nhưng nếu Trái đất cong, dấu đỏ sẽ hiện ra phía trên dải đen. Theo những điều khoản mà hai người đã thoả thuận, cả hai vị trọng tài cần phải hài lòng với kết quả. Và khi đám đông hiếu kỳ tụ tập xung quanh, hai vị trọng tài bắt đầu nhìn qua kính viễn vọng.

Vị đầu tiên là Martin Coulcher, một phẫu thuật viên địa phương và là nhà thiên văn học bán chuyên. Ông nhìn thấy dấu đỏ ở phía trên dải đen - tức con kênh có độ cong nhất định đúng như ông dự đoán. Tuy nhiên, vị thứ hai lại không đồng ý. Vị này, không ai khác, chính là William Carpenter, người mà Hampden đã đề xuất và Wallace đã chấp nhận mà chẳng hể biết gã cũng là một tên Zetetic chính hiệu. Wallace và Coulcher tỏ vẻ hoài nghi - tại sao Carpenter có thể phủ nhận bằng chứng rành rành trước mắt? Nhưng gã không thể bị thuyết phục. Cuối cùng, Wallace buộc phải kiện Hampden để đòi khoản tiền 500 bảng, rồi sao đó tiếp tục kiện Hampden lần nữa với cáo buộc phỉ báng sau khi gã này tấn công Wallace trên mọi tờ báo ủng hộ mình. Hampden rốt cuộc bị tống vào tù vì đe doạ giết Wallace, và cộng đồng khoa học thì cho rằng ngay từ đầu, Wallace lẽ ra không nên dính dáng đến những kẻ tin vào thuyết Trái đất phẳng làm gì!

Về phần Carpenter, gã tiếp tục cho in nhiều cuốn sách về Trái đất phẳng tại Anh, và cả sau khi di cư sang Mỹ nữa. Gã sáng lập một hội Zetetic mới tại Baltimore và xuất bản cuốn sách "One Hundred Proofs that the Earth is Not a Globe" (100 bằng chứng cho thấy Trái đất không phải hình cầu) vào năm 1883.

Thế kỷ 20

Hampden "về chầu ông bà" năm 1891, còn Carpenter năm 1896, khiến phong trào Trái đất phẳng như rắn không đầu ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Nhưng nhiều người khác sẵn sàng tiếp nối những gì họ đã gây dựng nên. Tại Anh, quý cô Elizabeth Blount sáng lập ra Hiệp hội Zetetic (UZS) vào năm 1893. Cô đã thực hiện những thử nghiệm của riêng mình tại Bedford Level vào năm 1904. Blount là người theo trường phái ăn chay trường và khuyến khích sử dụng các loại dược phẩm thay thế, mang áo nịt ngực từ tính để tăng cường sinh lực khí huyết. Cô còn tận dụng quan hệ của mình trong giới quý tộc Anh để quảng bá cho UZS, nhưng hội này không duy trì được sau cái chết của Blount vào năm 1935.

Quý cô Elizabeth Blount

Tại Mỹ, phong trào Trái đất phẳng trỗi dậy và thậm chí tiến vào chính trường dưới sự lãnh đạo của nhà thuyết giáo theo chủ nghĩa chính thống Wilbur Glen Voliva. Vào tháng 9/1907, ông này nắm quyền kiểm soát Zion, Illinois, một vùng li khai sáng lập bởi lãnh đạo phái Phúc Âm John Alexander Dowie dưới sự ủng hộ của Nhà thờ Công giáo Cơ đốc của ông. Giống quý cô Blount, Voliva là người tin vào từng câu chữ của Kinh thánh theo đúng nghĩa đen, và ông tin rằng Trái đất phẳng như "một cái bánh kếp, một cái đĩa, hay một cái nắp nồi". Ông từng viết trong một lá thư gửi tờ Kingsport Times vào ngày 16/9/1921 như sau: "Họ nói với bạn rằng Mặt trời cách chúng ta 92 triệu dặm. Tôi cười vào điều đó, không chỉ với tư cách một nhà toán học mà còn là một môn đệ của Đức Chúa Toàn năng. Liệu Đức Chúa Toàn năng có tạo nên Trái đất và tạo nên một nguồn sáng để chiếu sáng nó rồi đặt nó cách xa đến 92 triệu dặm và khiến nó lớn gấp một triệu lần Trái đất hay không? Có gã ngốc nào lại xây một ngôi nhà ở Kenosha (Wisconsin) và dựng nên một luồng sáng cách nó một trăm dặm để chiếu sáng phòng khách hay không?"

Wilbur Voliva

Nhờ những thành quả của những người Zetetic, bao gồm sách của Rowbotham và Carpenter, Voliva đã xây dựng nên một mô hình thế giới của riêng mình. Ông này tìm cách biến Zion thành cộng đồng Công giáo hoàn hảo, trong đó sẽ dạy cho sinh viên đang theo học tại các ngôi trường tại đây rằng Trái đất có dạng phẳng. Nhưng sau khi ông mất vào năm 1942, Zion cũng "quay đầu" về với Trái đất tròn!

Vào ngày 24/10/1946, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng một quả tên lửa không người lái V-2 thu được từ Đức để chụp ảnh Trái đất ở độ cao 105km phía trên bầu trời New Mexico. Đây là bức ảnh đầu tiên được chụp trên đường Karman ở độ cao 100km, vốn thường được sử dụng để đánh dấu rìa của không gian ngoài khí quyển Trái đất, và nó cho thấy rõ bề mặt cong của Trái đất. Bức ảnh này cũng được cho là đã đặt dấu chấm hết cho phong trào Zetetics. Nhưng hoá ra, phong trào này tồn tại lâu hơn người ta vẫn tưởng.

Mô hình thế giới của Voliva

Hiệp hội Nghiên cứu Trái đất phẳng Quốc tế

Samuel Shenton sinh ra ở Great Yarmouth vào năm 1903 và làm nghề vẽ biển quảng cáo. Tự nhận là một người tin rằng Trái đất tròn, nhưng khi tìm thấy cuốn sách Zetetic Astronomy trong thư viện, gã ngay lập tức bị thuyêt sphucj. Năm 1956, gã lập nên Hiệp hội Nghiên cứu Trái đất phẳng Quốc tế (IFERS) tại nhà mình ở Dover. Gã thậm chí còn tìm cách liên hệ được với một số người Zetetics còn sống, tạo nên sợi dây kết nối giữa IFERS với UZS ngày xưa.

Giữa thời đại truyền thông đại chúng, Shenton gặp khó khi tung hô ý tưởng về Trái đất phẳng. Gã như một món quà được thượng đế gửi xuống cho giới phóng viên đang không biết tìm đề tài hấp dẫn nào để viết hoặc phát sóng, và do đó đã nhận được kha khá lời mời xuất hiện trên truyền thông. Đến cuối thập niên 1960, gã liên tục nhận được từ 20 đến 40 bức thư mỗi ngày. Tuy nhiên, gã vẫn tự làm khó bản thân bằng cách viết hàng tá thư gửi các công ty truyền thông, cáo buộc họ không tôn trọng ý kiến của những người tin vào Trái đất phẳng. Sau khi một người dẫn chương trình Our World năm 1967 lấy hình ảnh Trái đất hình cầu làm minh hoạ, Shenton viết một bức thư với lời lẽ nặng nề cho BBC chỉ trích chương trình này đã báng bổ Chúa và cáo buộc họ sử dụng hình ảnh quả địa cầu để truyền bá tư tưởng sai lệch cho hàng triệu người. Bức thư này đọc trong chương trình phản hồi người xem Points of View của BBC, càng khiến hình ảnh của Shenton nổi bật hơn và thu hút thêm nhiều cánh phóng viên tìm đến gã.

Samuel Shenton đang thuyết giảng vào năm 1966

Tình hình trở nên tệ hơn với Shenton khi gã phủ nhận những hình ảnh được chụp từ không gian. Gã khăng khăng rằng các cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ và Soviet đang xây dựng một thuyết âm mưu nhằm che giấu hình dáng thực sự của Trái đất, nhưng dù vậy, gã vẫn phải thừa nhận rằng những hình ảnh không thể nhầm lẫn vào đâu được về một Trái đất hình cầu được chụp bởi các phi hành gia Apollo từ quỹ đạo Mặt trăng là một "sự thật khó nuốt trôi". Số lượng thành viên của IFERS ngày càng giảm, và Shenton qua đời năm 1971 do làm việc quá sức. Vợ gã, Lillian, chưa bao giờ bị thuyết phục rằng Trái đất có dạng phẳng. Dẫu vậy, cô không muốn thành quả của chồng mình bị lãng phí, nên đã tìm ai đó để trao gửi lại những bản thảo cũng như quyền lãnh đạo của IFERS. May cho cô, có một người kế vị đã sẵn sàng ở bên kia Đại Tây Dương.

Thời kỳ Johnson

Charles Kenneth Johnson là một kỹ sư máy bay sinh ra tại Texas vào năm 1924. Anh này "tin sái cổ" vào thuyết Trái đất phẳng từ khi còn bé. "Người ta nói rằng nó hình cầu rồi bắt đầu tuyên truyền về nó", anh nhớ lại bài học địa lý ở trường tiểu học. Nhưng cậu nhóc Johnson không tin điều đó. "Có lẽ tôi quá thông minh hoặc có gì đó vượt trội so với những người cùng trang lứa", anh kết luận. Johnson gặp vợ, Marjory, tại một cửa hàng đĩa nhạc second-hand khi cả hai cùng tìm một đĩa nhạc giống nhau. Sau một cuộc thảo luận ngắn, anh này tỏ ra cực kỳ phấn khích khi biết cô cũng là người tin Trái đất phẳng. Thú vị hơn nữa là, cô đến từ nước Úc, và đã xác nhận với anh rằng người dân ở đó không hề...lộn ngược lại so với người ở Mỹ.

Johnson đã trao đổi một số thư từ với Volvia ở Zion, và gặp gỡ Shenton trong vài năm cuối đời. Và sau khi Shenton chết đi, Lillian đồng ý chuyển giao mọi tài liệu của Shenton cho Johnson. Johnson nghỉ hưu vào năm 1972, chuyển đến ở tại một ngôi nhà hẻo lánh ở sa mạc California gần Lancaster, nơi phong cảnh trông...phẳng đến đáng ngạc nhiên, và trở thành nhà lãnh đạo mới của phong trào Trái đất phẳng thế giới.

Johnson cho xuất bản một tập san mới mang tên Flat Earth News. Trong tập san này, gã ca tụng thuyết Zetetic của những tín đồ Trái đất phẳng thế kỷ 19, viết những bài bình luận dài hơi về Kinh thánh, thường xuyên trích lời những tác giả như George Orwell và Aldous Huxley, in nhiều tranh ảnh sống động về nạn bạo hành động vật (giống Lady Blount, gã là một người ăn chay trường và phản đối mổ xẻ động vật làm thí nghiệm, tin rằng thử nghiệm trên động vật là bằng chứng của sự tà ác tận cùng của khoa học hiện đại), và viết những câu chuyện nhảm nhí nhằm tấn công Coperrnic, thuyết tiến hoá, và những luận điểm khoa học về Trái đất hình cầu. Gã gây thù với những tín đồ thần tạo luận, vốn không xem trọng gã.

IFERS tiếp tục thu hút được thành viên mới, mỗi người trong số đó phải nộp 25 USD và nhận được một tấm bản đồ Trái đất phẳng. Một số là những người lớn tuổi ở Zion, Illionois, từng được dạy rằng Trái đất phẳng khi còn đi học và luôn tin vào điều đó. Nhưng hầu hết những người đăng ký gia nhập hội này vì tò mò hoặc xem nó như trò đùa. Năm 1995, ngôi nhà của Johnson đang ở bị thiêu rụi, phá huỷ khối tài liệu tích cóp hàng thập kỷ. Gã đưa vợ, lúc này đang bệnh nặng, đến nơi an toàn, nhưng rồi cô qua đời vào năm sau đó. Johnson qua đời vào tháng 3/2001. Phong trào Trái đất phẳng, vốn luôn cần sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo có uy tín, một lần nữa trở thành "rắn không đầu".

Kết luận

Phong trào Trái đất phẳng lẽ ra đã không còn sau cái chết của Johnson, nhưng internet đã hồi sinh nó. Daniel Shenton (không có quan hệ gì với Samuel Shenton ở trên) đã lập ra một diễn đàn thảo luận vào năm 2004, và một tổ chức kế thừa IFERS được thành lập năm 2009. Khoảng năm 2017, số tín đồ Trái đất phẳng bùng nổ nhờ YouTube và Facebook. Một lần nữa, người ta lại nói về Samuel Rowbotham và Zetetic Astronomy. Sự bền bỉ của phong trào Trái đất phẳng là một trong những hiện tượng lạ lùng nhất trong văn hoá đại chúng, nhưng theo nhiều khía cạnh cũng là điều dễ hiểu. Những tri thức bí ẩn luôn có sức hút, kể cả những giả thuyết đã rõ như ban ngày.

Minh.T.T (Theo HistoryofYesterday)

Chủ đề khác