VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đang thiếu điện nghiêm trọng

Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu tiêu thụ điện cao và các giới hạn nghiêm ngặt trong việc khai thác than đá.

Điều này đã giáng một đòn mạnh vào lưới điện quốc gia và có thể kéo dài trong nhiều tháng, gây sức ép cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và đè nặng lên thương mại toàn cầu.

Một số tỉnh thành của Trung Quốc cho biết họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong những tuần gần đây, bao gồm một số động lực thúc đẩy của đất nước đối với tăng trưởng kinh tế.

Tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất có giá trị khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc và là một phần quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đã bị thiếu hụt điện trong hơn một tháng qua.

Tình trạng này buộc chính quyền phải giải quyết bài toán phân phối năng lượng đến các công ty đang hoạt động ở đây. Kết quả là nhiều công ty phải đóng cửa vài ngày mỗi tuần vì không đủ điện sản xuất. Tồi tệ hơn, một số địa phương cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Bên cạnh Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh đang gặp phải vấn đề tương tự, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và trung tâm sản xuất công nghiệp Chiết Giang. Ước tính khu vực bị giới hạn sử dụng điện của Trung Quốc rộng bằng diện tích của Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản gộp lại.

Hôm 30/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng của các nhà máy vào tháng 6. Đây được xem là tình trạng thiếu hụt điện tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011, khi hạn hán và giá than tăng cao khiến 17 tỉnh bị hạn chế sử dụng điện.

Bản thân các nhà máy điện cũng không muốn sản xuất khi giá bán than đắt đỏ, khiến cho công việc kinh doanh không thu về lợi nhuận. Song, họ cũng không thể tự ý tăng giá điện cho các doanh nghiệp, cá nhân vì chính quyền Bắc Kinh kiểm soát giá điện rất chặt chẽ.

Ở thời điểm hiện tại, các cơn sốt hàng hóa sau đại dịch và thời tiết khắc nghiệt đi cùng, một lần nữa buộc các nhà máy điện than phải hạn chế sản xuất đồng thời cản trở hoạt động thủy điện.

Dù vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn nuôi tham vọng đạt mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2060, khiến cho một quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới phải cắt giảm sản lượng khai thác, dẫn đến vấn nạn giá bán điện tăng cao, theo Yao Pei, chiến lược gia đứng đầu công ty môi giới Soochow Securities.

Một cú đấm có một không hai đối với nền kinh tế Trung Quốc

Sự thiếu hụt năng lượng có thể giáng một đòn có một không hai và khiến cho sự phục hồi mong manh của Trung Quốc trở nên chệch hướng. Chưa kể, nó còn gây thêm rắc rối cho các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chật vật như hiện nay.

Tình trạng thiếu điện có thể làm giảm sản lượng của hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất then chốt. Theo NBS, các doanh nghiệp đã tiêu thụ gần 70% lượng điện của Trung Quốc vào năm ngoái và là động lực chính cho sự phục hồi vào năm 2021.

Tuy nhiên, thực tế lại này không phải như vậy. Một trong những nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất Trung Quốc, Chengde New Material đã phải thông báo với khách hàng vào cuối tháng 5 rằng công ty sẽ phải đóng cửa hai ngày mỗi tuần cho đến khi kế hoạch phân bổ năng lượng kết thúc. Theo ước tính, sản lượng công ty sản xuất sẽ giảm 20%, tương đương 10.000 tấn thép mỗi tháng.

Thông qua dữ liệu mà chính phủ cung cấp, việc phân bổ năng lượng ở tỉnh Vân Nam đã khiến nguồn cung một số kim loại như nhôm và thiếc sụt giảm. Không những thế, nó còn tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến quá trình vận chuyển hàng hóa bị trễ hẹn.

Quảng Đông, trung tâm sản xuất chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc, đã chứng kiến cảnh tượng các cảng container tấp nập trước đây bị tắc nghẽn vì Covid-19. Sau khi dịch bệnh đi qua, lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng đã phải mất nhiều thời gian để giải quyết, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng trong mùa mua sắm cuối năm 2021.

Nhu cầu năng lượng cao và thời tiết khắc nghiệt

Các chuyên gia cho rằng quy mô của cuộc khủng hoảng điện là do nhiều vấn đề, từ nhu cầu năng lượng cao đến thời tiết khắc nghiệt. Theo Lauri Myllyvirta, nhà phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, kế hoạch phục hồi kinh tế dựa trên cơ sở hạ tầng dẫn đầu của Bắc Kinh cần rất nhiều cacbon.

5 tháng đầu năm, tiêu thụ điện ở miền nam Trung Quốc đã vượt quá mức trước đại dịch - tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019, theo China Southern Power Grid, một công ty vận hành lưới điện lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Than hiện vẫn tham gia vào việc tạo ra khoảng 60% điện năng của Trung Quốc . Nhưng chính phủ nước này đang lo ngại con số đó sẽ còn tăng hơn nữa nên đã cố gắng giảm tiêu thụ than để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia trung tính cacbon vào năm 2060.

Tuy nhiên, những hạn chế trong việc sử dụng than, cộng với thiếu hụt năng lượng do quá trình trẻ hóa nền kinh tế và thời tiết khắc nghiệt đã khiến căng thẳng mối quan hệ cung – cầu ngày càng tăng. Thời tiết nắng nóng bất thường ở một số nơi đã làm tăng nhu cầu sử dụng điện của người dân.

Trong khi đó, vấn đề hạn hán đã gây khó dễ cho nguồn cung năng lượng tái tạo như thủy điện ở Trung Quốc. Được biết, một trung tâm thủy điện lớn ở Vân Nam đã phải xoay sở để giữ lại lượng nước cần thiết trong các hồ chứa của mình.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải vật lộn để gia tăng nguồn cung từ các nước. Trên thực tế, giá nhập khẩu than rất đắt đỏ và đã tăng gấp đôi so với năm 2020. Căng thẳng thương mại với Úc cũng khiến Trung Quốc rơi vào thế kẹt, khi đây là nguồn cung cấp 60% lượng than để làm ra điện cho nước này.

Ngọc Diệp (Theo CNN)

Chủ đề khác