VnReview
Hà Nội

Hiện tượng sóng nhiệt có thể đã "nấu chín" 1 tỷ sinh vật biển trong thời gian qua

Ước tính có khoảng 1 tỷ sinh vật biển bị chết trong đợt sóng nhiệt xảy ra ở tây bắc Thái Bình Dương trong thời gian qua.

Có một tin xấu cho những người yêu động vật giáp xác. Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 1 tỷ sinh vật biển, bao gồm trai trai, vẹm và ốc về cơ bản đã bị nấu chín trong đợt nắng nóng kỷ lục ở vùng tây bắc Thái Bình Dương.

Chris Harley, một nhà sinh vật học biển tại Đại học British Columbia chia sẻ với CBC, ông "khá choáng váng" khi đi dọc theo bãi biển Kitsilano ở Vancouver vào cuối tháng trước. Tại đây, ông có thể ngửi thấy mùi của các loài sinh vật biển sau khi chết và nhìn thấy vô số vẹm bị nứt và hở phần thịt bên trong. Cảnh tượng này giống như thể chúng mới chết gần đây.

Nhiệt độ cao kỷ lục ở Vancouver kết hợp với việc một số vùng biển không có thủy triều đã giết chết hàng loạt loài giáp xác trong khu vực. Trong đợt nắng nóng vào cuối tháng 6 khi nhiệt độ lên tới 40 độ C ở Vancouver, phòng thí nghiệm của Harley đã ghi nhận mức nhiệt độ lên tới 50 độ C dọc theo bờ biển thông qua một camera nhiệt. Các loài giáp xác như trai, sò đã phải tiếp xúc với nhiệt độ cao khủng khiếp này trong ít nhất hơn 6 giờ sau khi thủy triều rút. Kết quả là chúng bị "nướng chín" ngay trên bãi biển mà không thể làm gì khác.

Harley chia sẻ với CBC: "Một con trai trên bờ giống như một đứa trẻ mới biết đi bị bỏ lại trong một chiếc xe hơi vào một ngày nắng nóng vậy. Chúng bị mắc kẹt ở đó cho đến khi bố mẹ quay lại hoặc trong trường hợp này, thủy triều quay trở lại, và chúng không thể làm gì hơn. Chúng phụ thuộc vào môi trường".

Ông và các sinh viên trong phòng thí nghiệm đang nghiên cứu và thu thập bằng chứng nhằm tính toán xem có bao nhiêu sinh vật biển đã chết ở biển Salish, một vùng biển bao gồm vùng biển ngoài khơi Vancouver và Seattle trong đợt nắng nóng tuần trước. Hiện chưa có số liệu chính thức nhưng ông ước tính rằng, con số thấp nhất cũng khoảng 1 tỷ, dựa trên một số phép toán sau khi đi dạo quanh bãi biển.

Ông nói: "Nếu bạn mất vài trăm hoặc vài ngàn con trai trên mỗi bờ biển lớn thì con số đó sẽ nhanh chóng tăng lên thành một con số rất, rất lớn".

Số lượng loài giáp xác bị chết khổng lồ gợi nhớ đến cảnh tượng đau lòng ​​ở Úc trong đợt cháy rừng khủng khiếp trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2020. Ước tính đã có hơn 3 tỷ loài động vật bị chết hoặc bị ảnh hưởng do các trận cháy rừng.

Nhưng bi thảm hơn, nó chỉ là một phần trong số những tác động đang xảy ra với đại dương khi tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang ngày càng khắc nghiệt.

Harley cho biết, các quần thể dọc theo bờ biển sẽ phục hồi trong một hoặc hai năm nhưng nếu các đợt nắng nóng vẫn tiếp tục dữ dội hơn và lặp đi lặp lại, nó sẽ gây hại cho các quần thể giáp xác. Đó là tin xấu cho các loài giáp xác hay các sinh vật phù du và các động vật lớn hơn ăn giáp xác. Axit hóa đại dương, một tác động khác của biến đổi khí hậu cũng sẽ là một vấn đề lớn ở nhiều vùng biển và gây thiệt hại các loài sinh vật có vỏ với thành phần chủ yếu là canxi.

Harley khẳng định với CBC: "Cuối cùng, chúng ta sẽ không thể duy trì quần thể các loài có nhiệm vụ lọc nước trên bờ biển này ở bất kỳ nơi nào nữa".

Tác động của biến đổi khí hậu hầu như không chỉ giới hạn ở các loài giáp xác hoặc ở vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Loài sao biển đã chết hàng loạt trong vài năm gần đây do căn bệnh suy mòn mãn tính (wasting disease) đã trở nên phổ biến hơn trong những năm ghi nhận nhiệt độ đại dương khắc nghiệt. Và chỉ trong tháng trước, Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rạn san hô Great Barrier đang "gặp nguy hiểm" do nước biển ấm lên nhanh chóng, đe dọa sẽ tẩy trắng nhiều rạn san hô.

Không chỉ Harley mới chú ý đến tình trạng các loài giáp xác bị chết vì nắng nóng. Hama Hama Oyster Company, một trang trại nuôi động vật có vỏ nằm trên vịnh hẹp ở biển Salish thuộc bán đảo Olympic, Washington cũng đã ghi nhận có hàng chục con nghêu bị chết, nứt nẻ nằm rải rác trên một vũng bùn.

Lissa James Monberg, giám đốc tiếp thị của công ty Hama Hama cho biết: "Chúng tôi đã lo lắng về biến đổi khí hậu trong một thời gian dài. Tôi muốn mọi người biết rằng đó không phải là thứ gì đó trừu tượng. Đó không phải là vấn đề của ai khác. Đó là vấn đề của chúng ta. Bởi đây là nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta".

Rõ ràng đã đến lúc con người không thể thờ ơ trước các đợt nắng nóng khủng khiếp liên tục gia tăng về cường độ và mức độ như hiện nay. Bên cạnh các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, nghiên cứu công nghệ hấp thụ CO2 và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đã đến lúc con người cần quan tâm tới cả những loài động vật đang sinh sống trên hành tinh này. Bởi chúng là một mắt xích quan trọng để duy trì sức khỏe của hệ sinh thái trên Trái Đất.

Tiến Thanh (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác