VnReview
Hà Nội

Hãng nội thất IKEA bị cáo buộc dính líu tới khai thác gỗ trái phép

IKEA, nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, đang bị tình nghi dính líu tới hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp tại Nga.

Theo Mongabay, một cuộc điều tra của của Earthsight đã phát hiện ra nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, IKEA đã bán các dòng sản phẩm nội thất trẻ em được làm từ gỗ khai thác lậu trong nhiều năm.

Dòng sản phẩm Sundvik dành cho trẻ em nổi tiếng của thương hiệu này nằm trong số các mặt hàng có khả năng liên quan đến gỗ khai thác bất hợp pháp. Các nhà điều tra ước tính rằng trung bình cứ 2 phút thì người dùng trên khắp thế giới lại mua một sản phẩm Ikea được làm từ gỗ nghi khai thác bất hợp pháp ở Nga.

Hãng nội thất Ikea bị cáo buộc dính líu tới khai thác gỗ trái phép

Sử dụng thông tin từ các cuộc họp bí mật, viếng thăm các địa điểm khai thác gỗ, phân tích hình ảnh vệ tinh, xem xét các tài liệu chính thức, hồ sơ tòa án và dữ liệu hải quan, Earthsight đã lần theo dấu vết đồ nội thất bằng gỗ được bày bán trong các cửa hàng IKEA trên khắp thế giới.

Họ nhận thấy chúng có nguồn gốc từ gỗ được khai thác tại các khu rừng ở Siberia. Hoạt động khai thác gỗ này được kiểm soát bởi các công ty thuộc sở hữu của một trong những chính trị gia giàu có nhất của Nga, Evgeny Bakurov.

IKEA bị cáo buộc tìm nguồn cung cấp gỗ cho các sản phẩm của mình từ các công ty Nga. Những công ty này đã tham gia khai thác gỗ thông bất hợp pháp trong các khu rừng được bảo vệ ở vùng Siberia.

Cuộc điều tra kéo dài suốt 1 năm của Earthsight (tổ chức có trụ sở ở London) cho thấy, nhà sản xuất đồ gỗ nổi tiếng của Thụy Điển đã tìm nguồn cung cấp gỗ xẻ cho các sản phẩm của mình từ ExportLes Group. Đây là 1 tập đoàn gồm nhiều công ty thuộc sở hữu của Evgeny Bakurov, một trong những doanh nhân lẫn chính trị gia giàu có nhất của Nga.

Bakurov từng khoe rằng, một đại diện của IKEA cho biết công ty chọn làm ăn với anh vì anh có thể cung cấp hàng cho đối tác ‘nhanh hơn cả chuyển tiền".

Hãng nội thất Ikea bị cáo buộc dính líu tới khai thác gỗ trái phép

IKEA cho biết họ đã kết thúc việc mua hàng từ ExportLes vào tháng 6 sau khi Earthsight chia sẻ những phát hiện của mình với công ty. Hãng khẳng định số gỗ công ty mua "được khai thác hợp pháp". Tuy nhiên, IKEA cho biết họ đã loại công ty của Bakurov khỏi danh sách các nhà cung cấp.

Rừng thông ở Nga, còn được gọi là rừng taiga, bao gồm phần lớn các loài cây lá kim trên thế giới và hấp thụ khoảng một nửa lượng cacbon trên cạn của bán cầu bắc. Vì vậy, nó đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu. Quốc gia này là một trong những nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, chiếm gần một phần tư lượng gỗ được giao dịch trên toàn cầu vào năm 2019.

ExportLes đã biện minh cho việc khai thác cây trong khu vực được bảo vệ thông qua một quy trình được gọi là "đốn hạ hợp pháp". Theo đó, những người khai thác gỗ khai man rằng cây đã chết, bị bệnh, đang chết hoặc bị hư hại và do đó cần phải được dọn sạch để bảo tồn sức khỏe của rừng.

Vào cuối tháng 6, IKEA cho biết họ đang đặt lệnh cấm tạm thời đối với việc tìm nguồn cung cấp gỗ từ các công ty tham gia vào hoạt động;"đốn hạ hợp pháp" ở vùng Viễn Đông và Siberia của Nga.

Hãng nội thất Ikea bị cáo buộc dính líu tới khai thác gỗ trái phép

Bakurov, một nhân vật nổi tiếng ở vùng Irkutsk của Nga, đã cố gắng tìm kiếm  sự chấp thuận của Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), tổ chức chứng nhận gỗ bền vững hàng đầu trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông chưa có phản hồi về kết quả điều tra nói trên.

Nhưng cuộc điều tra của Earthsight cáo buộc rằng chính trị gia này đã ký một số thỏa thuận bất hợp pháp để đảm bảo quyền khai thác hơn 2 triệu mét khối gỗ trong các khu rừng được bảo vệ.

FSC đã phủ nhận hành vi sai trái nhưng cũng vô hiệu hóa các chứng nhận của Bakurov.

Sam Lawson, giám đốc Earthsight, cho biết trong một tuyên bố: "Đây là những vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi nhiều giải pháp mang tính hệ thống, vượt ra ngoài một người mua, một nhà cung cấp hoặc một quốc gia. Các chính phủ ở Châu Âu và Hoa Kỳ cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn dòng chảy gỗ bị đánh cắp một lần và mãi mãi".

Bạch Đằng

Chủ đề khác