VnReview
Hà Nội

Chơi đùa với con trẻ mang lại lợi ích như thế nào?

Nhiều người thích chơi với con trẻ. Có thể họ không chơi với chúng mỗi ngày, hay mỗi tuần. Nhưng khi chơi với chúng, họ nhận thấy có điều gì đó đang diễn ra trong bộ não và cơ thể mình, những điều tích cực giúp họ phần nào khắc chế được cuộc sống đầy khó khăn và lặp đi lặp lại đến nhàm chán của người trưởng thành.

Hiệu ứng này xuất hiện đối với mọi hoạt động chơi đùa, bao gồm những trò chơi suy đoán, giả vờ như cây cối có thể nói chuyện, hát nhép, hay những buổi tiệc nhảy múa.

Có rất nhiều người chọn chơi đùa với con cái vì những lý do không mấy hay ho. Bạn không nên làm việc đó để giúp bản thân hoàn thiện kỹ năng hay đạt được một kết quả cụ thể - đó đâu thực sự là chơi đùa? Hay bạn cảm thấy mình phải trở thành một vị phụ huynh hoàn hảo, và phụ huynh hoàn hảo thì buộc phải chơi đùa với con cái thường xuyên. Hay con bạn muốn bạn chơi chung, và thật tội nghiệp chúng nếu câu trả lời của bạn là "không". Hay bởi con bạn không cảm thấy vui khi chơi một mình? Nếu đúng là vậy, có lẽ đừng chơi với chúng cho đến khi bản thân con học được cách tự chơi hoặc chơi với anh chị em chúng.

Nhưng cũng có nhiều người chơi đùa với con vì những lý do tích cực. Quá trình chơi đùa giữa cha mẹ và con cái, khi thực sự được cha mẹ cảm thấy thích thú và diễn ra định kỳ, có thể mang lại nhiều lợi ích ít ai biết.

Định nghĩa "chơi đùa"

Chơi đùa không phải là một hoạt động cụ thể nào, mà giống một "trạng thái thể chất" hơn - theo nhà tâm lý học Stuart Brown, người sáng lập kiêm chủ tịch National Institute for Play, tác giả cuốn sách Play: How it Shapes the Brain, Opens the Imagination, and Invigorates the Soul. Nó thu hút chúng ta một cách mạnh mẽ và mang lại cho chúng ta sự thư thái, làm thay đổi cảm nhận của chúng ta về thời gian và không gian, và khi chơi đùa, trải nghiệm quan trọng hơn kết quả.

"Tự nhiên thiết kế nên chúng ta có khả năng chơi đùa theo nhiều cách đa dạng" - ông nói. "Chúng ta tiến hoá để chơi đùa, và tiến hoá nhờ chơi đùa"

Chơi đùa với trẻ nhỏ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm chơi lắp ghép Lego, chơi trò giả vờ, hoá trang, thể thao, video game, board game, hay trò giải đố. Chơi đùa cũng có thể là một hoạt động vui nhộn làm tiền đề cho một hoạt động khác vốn không phải lúc nào cũng được xem là vui nhộn: nấu nướng, làm vườn, tưới cây, hay tắm chó. Hoặc một hoạt động ngẫu nhiên nào đó: chế những bài hát vui nhộn khi ngồi trong xe hơi, hay nằm lăn lê và có những "trận chiến gối" trên giường vào một sáng Chủ nhật nọ.

Tất cả những hoạt động đó đều có tính cá nhân cao. Mối quan hệ cha mẹ - con trẻ được cấu thành bởi hai cá nhân với tính cách và mong muốn riêng tư khác biệt nhau. Kiểu chơi đùa và tần suất của chơi đùa phù hợp với một gia đình có thể không giống những gia đình khác. Thậm chí mỗi đứa trẻ của bạn cũng có thể thích chơi với cha mẹ mình theo những cách khác nhau.

Ví dụ, cậu nhóc 4 tuổi của tiến sỹ Stuart thích tưởng tượng cậu là cha và cha cậu là em bé. Cha cậu chỉ việc ngả đầu ra ghế, và cậu sẽ giả vờ làm việc nhà. Thỉnh thoảng cha cậu - đang đóng vai em bé - lại "làm phiền" cậu bằng những vấn đề tự tạo ra, như buồn rầu hay lo lắng vu vơ, và cậu nhóc có thể nghĩ ra nhiều giải pháp ngây ngô nhưng thú vị để giải quyết vấn đề đó.

Anh cậu, 8 tuổi, lại thích tưởng tượng ra những câu chuyện sống động, đôi lúc trong khi đang đi dạo cùng bố mẹ. Cả gia đình cậu thỉnh thoảng chơi những trò thể thao mới lạ cùng nhau, như trượt băng ở các trung tâm giải trí chẳng hạn - những trò mà ngay cả người lớn cũng phải tập một thời gian mới quen được.

Nhìn chung, khi con trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường chơi với chung theo những cách truyền thống và đơn giản hơn: xếp hình Lego, thể thao, làm thủ công... Nhưng khi con trẻ càng lớn, những cuộc vui đó với cha mẹ càng trông như những cuộc phiêu lưu cùng nhau, những trò chơi cũng không còn cấu trúc cụ thể và thiên về tận hưởng những trải nghiệm ngạc nhiên và thích thú.

Người lớn cần chơi đùa nhiều hơn

Nhiều người trưởng thành không có thời gian cho bất kỳ việc gì có ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta quá ám ảnh với công việc, tìm cách cải thiện năng suất và tối ưu hoá lịch trình của mình, khiến bản thân luôn chìm trong cảm giác bám đuổi, không bao giờ hoàn thành đủ những mục tiêu đặt ra. Tệ hơn nữa, nhiều người trong chúng ta tin rằng đó là hậu quả của quá trình phát triển tính cách sai lệch, thay vì của xã hội hay của cả một hệ thống.

Chúng ta đã quên mất phép màu thay đổi cuộc sống của việc nghỉ ngơi và vui chơi.

"Chơi đùa buộc chúng ta phải tự hỏi bản thân: mình là ai khi không làm việc hay kiếm được thu nhập? Bộ não mình làm gì?" - theo Laurel Snyder, tác giả chuyên viết sách trẻ em. "Nó trái ngược với sự vui vẻ về vật chất. Nó là thứ giúp bạn ngắt kết nối, nhảy khỏi guồng quay, và có thể giúp bạn ngừng chỉ trích bản thân vì không lao động năng suất. Với tôi, nó giống như trở lại làm đứa bé 8 tuổi, bởi đó là lần cuối cùng tôi không quan tâm mình có đang làm việc đủ năng suất hay không"

Bạn cần một lý do khác để chơi đùa? Hoá ra, chơi đùa tốt cho bạn: các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chơi đùa có thể bù đắp cho những căng thẳng khi nghĩ đến việc làm chưa đủ. Chơi đùa có thể giúp chúng ta đối phó với căng thẳng và cải thiện sức khoẻ tinh thần nói chung.

"Chơi đùa đối với người lớn là hoàn toàn cần thiết nếu bạn muốn có cảm giác lạc quan về tương lai và duy trì tâm trạng tốt để đối phó với một cuộc sống thách thức và nhiều đòi hỏi" - Brown nói, nhấn mạnh thêm rằng giống như bị thiếu ngủ, thiếu thời gian chơi đùa sẽ có những hệ quả tiêu cực về lâu về dài.

"Tôi đã nghiên cứu sâu về vấn đề chơi đùa trong nhiều năm, và tôi nghĩ nó nên được xem là một tiêu chí cần thiết để đánh giá sức khoẻ cộng đồng đối với trẻ em và người lớn" - Brown nói. "Nó nằm trong bản chất của chúng ta, được giữ nguyên vẹn qua quá trình tiến hoá theo thời gian, và có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của giống loài chúng ta. Chơi đùa giúp chúng ta cảm thấy gắn kết với cộng đồng và học được cách hợp tác với người khác".

Brown cho rằng cha mẹ có thể "mở khoá" được những mặt vui vẻ, tích cực bị đè nén đã lâu của họ thông qua việc chơi đùa với con trẻ - tất nhiên đi kèm với đó là một vài cảnh báo.

Cha mẹ có thể sẽ muốn có những lúc được chơi đùa theo kiểu chỉ dành cho người lớn, vốn giúp họ "tìm lại bản chất vui vẻ tự nhiên của mình, được tự do, và tạo điều kiện để bùng nổ - một phần quan trọng của việc chơi đùa"

Họ cũng có thể muốn đảm bảo con em họ có được tự do và thời gian rảnh rỗi để chắc chắn rằng chúng học được cách tự chơi với bản thân. Cha mẹ không nên can thiệp mạnh vào việc này, cũng không nên căng thẳng hay kỳ vọng quá mức.

Con trẻ có thể hướng dẫn cha mẹ chơi đùa

Đối với những người muốn chơi đùa nhiều hơn nhưng không thể tạo cho mình sự hứng khởi, con trẻ có thể là người thầy tuyệt vời.

Nhà tâm lý học Alison Gopnik là một chuyên gia về sự phát triển của trẻ em, từng viết nhiều bài về sự cần thiết của việc chơi đùa. "Chơi đùa là đặc trưng của thời thơ ấu" - cô viết trong cuốn sách "The Philosophical Baby" như vậy. "Đó là sự phản ánh sinh động của trí tưởng tượng và học tập"

Khi chơi đùa, trẻ con có khả năng đưa ra những giả thuyết đầy ấn tượng, ví dụ: có thể làm gì với một quả banh cao su? Những bộ não nhỏ bé đó rất linh hoạt và đói kiến thức, hào hứng hiểu được mọi thứ xung quanh chúng.

Gopnik nghiên cứu ý tưởng này sâu hơn trong một bài nghiên cứu năm 2020. Cô nói rằng trẻ em là những nhà thám hiểm tuyệt vời, muốn thử nhiều ý tưởng mới, trong khi người lớn thì giỏi hơn trong việc khai thác, hay sử dụng kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra quyết định tốt nhất.

"Những người trưởng thành từng đối mặt với việc thay đổi môi trường vật chất hay xã hội sẽ chỉ muốn thực hiện những thay đổi nhỏ cục bộ đối với những điều họ đã học được và có thể hỗ trợ cho những hành động và kế hoạch của họ" - cô viết. "Trẻ nhỏ sau này, ngược lại, sẽ sẵn sàng cân nhắc hàng loạt những ý tưởng cao siêu để giải thích cho những thứ chúng thấy, cho phép chúng đưa ra những dự đoán rộng hơn và chính xác hơn".

Hành trình đi từ sự kém hiệu quả thời thơ ấu đến sự hiệu quả của người trưởng thành hiển nhiên mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó cũng làm mất đi một số thứ. Tính hiệu quả là cách chúng ta đối mặt với mọi thứ trong một ngày làm việc, nhưng nó cũng là lý do khiến chúng ta mắc kẹt từ ngày này qua tháng nọ. Nó là lý do chúng ta cảm thấy như mình không còn sống cuộc đời của mình, mà cuộc sống đang lèo lái chúng ta.

Tính hiệu quả cũng là thứ mà văn hoá đương đại của loài người đang bị ám ảnh, khiến mọi thứ khó thoát khỏi vòng kìm kẹp và trả chúng ta về với thời kỳ tự do, phóng khoáng không thành kiến, đam mê khám phá.

Liệu chơi đùa với con trẻ có giúp chúng ta khắc phục được mọi vấn đề này? Có lẽ không. Nhưng nó có thể là một lời nhắc nhở rằng có một phần trong con người trưởng thành chúng ta vẫn còn khả năng khám phá mà từ lâu đã ẩn đi và không còn xem thời gian như một thứ có thể dễ dàng bị "bỏ phí".

Chơi với con trẻ, bạn sẽ được nhắc lại rằng cuộc sống luôn ngập tràn những cơ hội. Đó là một điều tuyệt vời, nhưng chỉ khi chúng ta thực sự biết cách để mọi thứ khác - cái tôi, những lo âu, và lịch trình - tạm trôi đi.

Minh.T.T (theo CNN)

Chủ đề khác