VnReview
Hà Nội

Loài bướm tuyệt chủng vì quá trình đô thị hóa nước Mỹ

Loài bướm này có thể trở thành loài côn trùng đầu tiên bị tuyệt chủng bởi quá trình đô thị hóa ở Mỹ.

Theo Gizmodo, một nghiên cứu mới đây cho biết, loài bướm xanh Xerces (Xerces blue) xinh đẹp là một loài khác biệt. Tuy nhiên, nó đã không được nhìn thấy kể từ năm 1943.

Loài bướm tuyệt chủng vì quá trình đô thị hóa nước Mỹ

Trong vài chục năm qua, các nhà khoa học đã đặt ra nhiều hoài nghi về sự mất tích của loài bướm xanh Xerces ở Mỹ vào những năm 1940. Dựa trên phân tích di truyền của một mẫu vật 93 tuổi và những loài khác, họ nói rằng bướm xanh Xerces thực sự là một loài bướm khác biệt, chứ không phải là một nhóm phụ của một loài hiện có khác như một số suy đoán trước đó. Và đây có thể là loài; côn trùng đầu tiên bị tuyệt chủng do quá trình đô thị hóa ở Mỹ.

Xerces blue hay Glaucopsyche xerces, có nguồn gốc từ bán đảo San Francisco ở California. Cái tên này liên quan đến những con bướm đực vì mặt trước của đôi cánh óng ánh của chúng có màu từ xanh lam đến tím nổi bật, kết hợp với viền màu đen. Con cái có cánh màu nâu nhạt hơn. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy loài bướm này là vào đầu những năm 1940. Việc tăng cường xây dựng các công trình phục vụ cho con người dẫn đến môi trường sống của loài côn trùng này ngày càng bị thu hẹp.

Câu chuyện đáng buồn về Xerces blue đã thúc đẩy các nhà bảo vệ môi trường tiến hành các kế hoạch để bảo vệ nhiều loài khác cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống vị xâm lấn. Năm 1971, Xerces Society, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho việc bảo tồn côn trùng và động vật không xương sống khác, được thành lập. Họ lấy loài bướm xanh này làm biểu tượng của tổ chức.

Loài bướm tuyệt chủng vì quá trình đô thị hóa nước Mỹ

Gần đây, các nhà khoa học cũng đề cập ý tưởng đưa loài bướm này trở lại với cuộc sống. Điều này có thể xảy ra thông qua các kỹ thuật công nghệ gen (như trong phim Công viên kỷ Jura) hoặc thông qua việc đưa một loài có quan hệ gần với nó vào môi trường sống giống với môi trường nguyên thủy của Xerces blue trước đây.

Nhưng một số nhà nghiên cứu cũng đã tự hỏi, với sự tương đồng gần giống với các loài bướm khác, liệu có thể coi Xerces blue như là một phân loài của một nhóm khác vẫn được tìm thấy rộng rãi ngày nay ở nửa phía tây của Bắc Mỹ: bướm xanh bạc, hay còn gọi là Glaucopsyche lygdamus . Để giúp giải quyết cuộc tranh luận này, các nhà khoa học tại các cơ quan nghiên cứu khác nhau đã đi sâu tìm hiểu về DNA của loài bướm xanh Xerces và các loài bướm khác.

Corrie Moreau, nhà sinh học tiến hóa đồng thời là giám đốc kiêm phụ trách Bộ sưu tập côn trùng của Đại học Cornell chia sẻ với Gizmodo: "Bằng cách giải mã trình tự DNA từ mẫu vật gần 100 năm tuổi và so sánh với các mẫu Xerces xanh khác, cùng DNA của nhiều loài nữa, chúng tôi khẳng định Xerces là một loài riêng biệt".

Việc phân tích DNA là bước đầu tiên để các nhà khoa học tìm ra cách phục sinh gen Xerces blue. Nhưng quan trọng hơn là họ sẽ tìm ra cách để bảo vệ những loài côn trùng khác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Loài bướm tuyệt chủng vì quá trình đô thị hóa nước Mỹ

Moreau nói: "Chúng tôi biết rằng con người có thể tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, nhưng chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực để bảo vệ các loài sinh vật còn sống trên hành tinh này. Mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học bằng cách hỗ trợ các hoạt động bảo tồn động vật, môi trường sống bản địa. Việc một loài nào đó tuyệt chủng cũng sẽ có tác động đến con người trong tương lai".

Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn quá khứ sinh học. Có thể việc làm này sẽ mang lại lợi ích không ngờ cho tương lai của con cháu của chúng ta.

Moreau cho biết: "Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách một số câu hỏi khoa học chỉ có thể được trả lời bằng cách sử dụng các mẫu vật bảo tàng, đó là lý do tại sao chúng ta cần bảo vệ những bộ sưu tập này và tiếp tục phát triển chúng. Chúng ta không thể tưởng tượng được cách chúng sẽ được sử dụng trong tương lai. Nó giống như việc chúng ta thu thập mẫu vật về Xerces blue này nhưng không ngờ sau đó có thể sử dụng chúng để giải quyết một câu hỏi có từ rất lâu trước khi Xerces blue tuyệt chủng".

Bạch Đằng

Chủ đề khác