VnReview
Hà Nội

Tại sao lũ quét lại nguy hiểm đến vậy?

Có lẽ chúng ta đều đã từng nghe đến lũ quét và những nguy hiểm mà nó gây ra cho con người. Tuy nhiên, việc giải thích cặn kẽ lũ quét là gì và tại sao lại gây nguy hiểm thì không phải ai cũng biết.

Vào ngày 20/7, những người đi trên một chuyến tàu điện ngầm ở thành phố Trịnh Châu ở Trung Quốc hoảng loạn khi nước lũ tràn vào các toa tàu, nhốt họ bên trong. Theo BBC, ít nhất 12 hành khách đã thiệt mạng và 5 người bị thương trong sự cố này. Ở một chiến dịch cứu hộ khác tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), khoảng 500 người đã được cứu khỏi các đường hầm tàu điện ngầm ngập nước lũ. Các sự cố kể trên xảy ra do một trận lũ quét và là hậu quả của nhiều ngày mưa xối xả tại Trung Quốc khiến một số đập, hồ chứ bị vỡ.

Cùng lúc lũ quét đang xảy ra ở Trung Quốc, lũ lụt lớn cũng hoành hành tại Tây Âu, các bang Colorado và Arizona của Mỹ. Hàng năm, lũ lụt là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong trên khắp thế giới hơn bất kỳ loại hình thiên tai nào khác. Nhưng lũ quét đặc biệt nguy hiểm vì thứ nổi bật nhất của nó: tốc độ.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) định nghĩa lũ quét là 'một dòng nước lớn chảy nhanh và cực mạnh vào một khu vực bình thường khô ráo, hoặc mực nước dâng nhanh tại một con suối hoặc một con lạch cao hơn mức nước lũ xác định từ trước. Đó là thời điểm nước tràn ra khỏi bờ và bao phủ địa hình xung quanh'.

Một số loại lũ lụt nhất định có thể mất nhiều ngày mới xảy ra nhưng theo NWS cảnh báo thì hầu hết các trận lũ quét diễn ra trong khoảng thời gian từ 6h trở xuống. Lũ quét thường là kết quả của một lượng mưa lớn duy trì trong thời gian dài và không ngấm vào đất. Theo ABC News, lũ lụt thường xảy ra trong mùa mưa ở Trung Quốc nhưng ngày càng nghiêm trọng hơn, các nhà khoa học đổ lỗi rằng đó là do biến đổi khí hậu và đô thị hóa.

Giữ nước là một trong những chức năng chính của đất. Nước mưa không thấm vào lòng đất và thay vào đó là chảy qua nó thì được gọi là 'dòng chảy'. Giả sử tại một vùng đất nào đó có một trận mưa như trút nước. Khi đất đã quá bão hòa nước thì trời bắt đầu mưa, nó sẽ không thể hấp thụ nhiều chất lỏng hơn. Kết quả là có thể rất nhiều dòng chảy khủng khiếp xuất hiện và làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra lũ quét.

Nếu đất quá khô thì cũng là một vấn đề lớn bởi nó cũng làm giảm khả năng hấp thụ nước. Một điểm đáng chú ý nữa là không phải tất cả các loại đất đều hấp thụ nước như nhau. Các bề mặt nhân tạo như bê tông và nhựa đường có khả năng hấp thụ nước mưa khá kém.

Với những thông tin kể trên, hãy cùng xem xét lại vụ việc ở Trịnh Châu, Trung Quốc khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải di tản. Thành phố này đã nhận được nhiều hơn lượng mưa trung bình hàng năm chỉ trong 4 ngày và gần 624 mm nước mưa chỉ trong 1 giờ vào ngày 20/7. Nhiều con đường và đất bị úng nước đã dẫn đến sự gia tăng của các dòng chảy, biến đường phố thành sông, đổ nước vào các đường hầm và tàu điện ngầm trong khu vực.

Các cơ quan chức năng ở miền nam Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ để tính toán đến việc quản lý lũ lụt, đặc biệt là quản lý được sông Dương Tử. Từ năm 1998, trọng tâm của các giải pháp là dựa vào thiên nhiên, bao gồm việc trồng hàng tỷ cây xanh. Tuy nhiên, có lẽ phải có những hành động quyết liệt hơn, bao gồm cả việc lập kế hoạch cho cả những đợt mưa lớn bất thường bởi những đợt mưa liên miên khiến lũ quét xuất hiện có thể phổ biến hơn trong lương lai.

Một lưu ý khác là lái xe khi đang có nước lũ là một ý tưởng tồi tệ. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết hơn 50% trong tổng số ca tử vong liên quan đến lũ lụt được cho là do người lái xe cố tình đi qua vùng nước đang di chuyển.

Nguyễn Dương (Theo Howstuffworks)

Chủ đề khác