VnReview
Hà Nội

Bí mật đằng sau quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại

Bảo quản xác chết là một việc làm khá phổ biến với nhiều xã hội trong quá khứ. Tuy nhiên, nghi lễ này được biết đến rộng rãi nhất ở người Ai Cập cổ đại.

Tại sao phải ướp xác?

Trên thực tế, quy trình của người Ai Cập cổ đại thành công đến mức chúng ta vẫn có thể xem thi thể của họ sau hơn 3.000 năm.

Theo DiscoverMagazine, người Ai Cập cổ đại yêu cuộc sống và tin vào sự bất tử. Đây chính là thứ thôi thúc họ thường lên kế hoạch sớm cho cái chết của mình. Điều này mới nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng đối với người Ai Cập thì lại rất hợp lý.

Họ tin rằng cuộc sống sẽ tiếp tục sau khi chết và cơ thể vẫn cần được bảo vệ một cách kỹ càng. Vì vậy, bảo quản cơ thể theo cách sống động như thật là mục tiêu của quá trình ướp xác. Đó là điều cần thiết để sự sống tiếp tục.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng xác xác ướp chứa linh hồn. Nếu cơ thể bị tàn phá, linh hồn có thể bị mất và không thể sang được thế giới bên kia. Đây cũng chính là lý do việc chuẩn bị lăng mộ là một nghi lễ quan trọng trong xã hội Ai Cập cổ đại. Quá trình này bắt đầu từ rất lâu trước khi một người qua đời, liên quan đến việc lưu trữ các vật phẩm mà người đó cần ở thế giới bên kia, chẳng hạn như đồ đạc, quần áo, thực phẩm và các vật có giá trị.

Quy trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại bắt đầu vào khoảng năm 2.600 trước Công nguyên và ban đầu chỉ có các pharaoh mới được thực hiện điều này. Sau đó, đến khoảng năm 2.000 trước Công nguyên thì những người dân thường cũng được phép ướp xác.

Công thức cho xác ướp

Một nghiên cứu vào năm 2011 về các vật liệu được sử dụng trong quy trình ướp xác ở Ai Cập cổ đại cho thấy nó kéo dài khoảng 70 ngày. Trong thời gian này, những thầy tư tế làm công việc ướp xác, thực hiện nghi lễ, cầu nguyện và quấn xác.

Các bước chung liên quan đến quá trình ướp xác như sau: Đầu tiên, các bộ phận bên trong cơ thể có thể phân hủy như não chẳng hạn sẽ bị loại bỏ. Tất cả các cơ quan trong bụng cũng bị loại bỏ, ngoại trừ tim, nơi được cho là trung tâm của con người. Bước tiếp theo liên quan đến việc loại bỏ độ ẩm khỏi cơ thể bằng cách bao phủ lên đó natron, một loại muối đóng vai trò là chất bảo quản và làm khô. Quấn xác bằng vải lanh là bước cuối cùng.

Mặc dù đây là bước tiêu chuẩn liên quan đến quy trình ướp xác nhưng nó có thể thực hiện khác đi tùy vào giai cấp và tình trạng thực tế của từng người. Vì quá trình này rất tốn kém nên những người nghèo sẽ thực hiện bằng đồ rẻ tiền hơn. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus đã mô tả 3 phương pháp ướp xác khác nhau dựa trên tầng lớp xã hội như sau:

Giàu có và ưu tú

- Bộ não được lấy ra khỏi cơ thể.

- Các phần bên trong cơ thể được lấy ra và làm sạch bên trong khoang bụng bằng rượu cọ và chất thơm.

- Sau đó phần bụng sẽ là nơi để Myrrh (loại nhựa cây được dùng như hương liệu, thuốc), quế và các hương liệu khác sau đó bụng được khâu lại.

- Thi thế được bao phủ bằng natron trong 70 ngày.

- Thi thể được rửa sạch và cuộn lại bằng vải lanh mịn cùng nhựa cây để vải dính vào nhau và cố định vị trí.

- Cuối cùng xác ướp được giao lại cho người thân trong gia đình.

Tầng lớp trung lưu

- Dầu từ cây tuyết tùng được tiêm vào bụng làm tan ruột và các cơ quan nội tạng.

- Thi thể được bao phủ bằng natron trong 70 ngày, sau đó dùng dầu tuyết tùng làm sạch và cơ thể chỉ còn lại da, xương.

- Thi thể được trả lại cho người thân trong tình trạng chưa quấn vải.

Người nghèo

- Bụng được làm sạch bằng một loại dầu có tác dụng làm rữa nội tạng

- Cơ thể được bao phủ bằng natron trong 70 ngày trước khi trở về với người thân.

Việc ướp xác ở Ai Cập là một nghệ thuật đã thất truyền vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, khi La Mã cai trị nước này. Tuy nhiên, vì người Ai Cập là những bậc thầy trong việc bảo tồn thi thể nên những xác ướp đã cung cấp cho chúng ta một cách nhìn tốt hơn về văn hóa và truyền thống của nền văn minh cổ đại này.

Nguyễn Dương (Theo DiscoverMagazine)

Chủ đề khác