VnReview
Hà Nội

Con người có thể ngăn chặn nóng lên toàn cầu hay không?

Vào năm 2021, Trái đất đã đạt được một cộc mốc thực sự khá đáng buồn: Nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển gấp 1,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu, con người cần giảm lượng khí thải carbon dioxide ròng xuống mức 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được mục tiêu này thì nhiệt độ Trái đất cũng không giảm một cách đột ngột bởi cần thời gian để việc giảm CO2 tác động lên nhiệt độ toàn cầu. Nói cách khác, những tác động tiêu cực của sự nóng lên toàn cầu sẽ còn diễn ra trong nhiều thập kỷ. Vậy chúng ta có thể làm gì khác để nhiệt độ giảm xuống hay không?

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard cho rằng có thể đạt được mức giảm nhiệt độ toàn cầu tạm thời bằng cách điều chỉnh thành phần của tầng khí quyển trên Trái đất. Họ từng hy vọng sẽ có thể thử nghiệm công nghệ đó trong mùa hè này và gọi đây là thử nghiệm nhiễu loạn có kiểm soát tầng bình lưu (SCoPEx). Dù rằng việc thử nghiệm đã bị tạm dừng nhưng nhóm nghiên cứu vẫn hy vọng nó sẽ được tiến hành trong lương lai không xa.

Nguồn nhiệt sưởi ấm Trái đất đến từ mặt trời. Nó tưới tắm vào ban ngày cho hành tinh của chúng ta với một luồng bức xạ hồng ngoại liên tục. Khoảng 30% trong số này được phản xạ trở lại không gian bởi bầu khí quyển, phần còn lại thì làm ấm hành tinh vào ban ngày và bức xạ trở lại không gian vào ban đêm. Trong sự cân bằng một cách tinh thế này vào thời kỳ tiền công nghiệp, nhiệt truyền đến được bù đắp chính xác bằng lượng mất đi vào không gian, đảm bảo nhiệt độ trung bình toàn cầu không đổi.

Vấn đề của ngày nay là khí CO2 phá vỡ sự cân bằng này bằng cách hấp thụ một phần nhiệt lượng được bức xạ trở lại không gian, giữ nó bên trong bầu khí quyển. Càng có nhiều carbon dioxide trong khí quyển, nhiệt độ càng tăng. Về lâu dài, con người phải giảm lượng CO2 trong khí quyể để ngăn chặn những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Nhưng những cách làm khác có thể làm giảm nhiệt độ toàn cầu trong thời gian ngắn.

Ví dụ, các vụ phun trào núi lửa đưa những đám mây bụi vào tầng bình lưu của Trái đất, tạo ra lá chắn bảo vệ ngăn sức nóng mặt trời chiếu tới bề mặt Trái đất. Nhóm SCoPEx muốn tận dụng cách này và đưa các hạt vào tầng trên của bầu khí quyển để hạ nhiệt độ.

Ý tưởng cơ bản của việc này được gọi là tiêm aerosol (sol khí) vào tầng bình lưu (stratospheric aerosol injection) hay SAI. Ở đó, một máy bay hoặc khinh khí cầu sẽ phân phối các hạt siêu nhỏ (sol khí) vào tầng bình lưu ở độ cao khoảng 20 km so với mặt nước biển. Các sol khí sẽ lơ lửng trong không khí, quá nhỏ để nhìn thấy từ mặt đất nhưng đủ mờ để phản chiếu một phần năng lượng của mặt trời trở lại không gian.

SAI đã được mô phỏng và cho thấy đó là một cách khả thi. Tuy nhiên, cách này chỉ giải quyết được những triệu chứng của biến đổi khí hậu thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nó, đó là hiệu ứng nhà kính. Cho đến nay, nghiên cứu về SAI chỉ mang tính lý thuyết và được bổ sung bởi một lượng hạn chế dữ liệu thực tế về các vụ phun trào núi lửa.

Núi lửa chủ yếu phun ra các hợp chất gốc lưu huỳnh. Tuy nhiên, những hợp chất này không chỉ làm mát bầu khí quyển mà còn làm hỏng tầng ozon bảo vệ Trái đất, thứ bảo vệ con người khỏi bức xạ tia cực tím có hại. Vì vậy, nhóm SCoPEx đang tập trung vào một loại sol khí ít độc hại hơn, đó là canxi cacbonat.

Tuy nhiên, SAI hiện vẫn còn đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Mối quan tâm ngay từ đầu là con người đã tạo ra cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách bơm khí nhà kính vào khí quyển, vậy sao có thể chắc chắn việc bơm sol khí vào đó sẽ khiến mọi thứ tốt hơn? Mặc dù mô hình máy tính cho thấy SAI an toàn nhưng vẫn có khả năng xuất hiện những tác dụng phụ không lường trước được. Có khả năng nó sẽ phá vỡ các hình thái thời tiết, gây hại cho cây tròng bằng cách giảm lượng ánh sáng mặt trời chúng nhận được.

Một số nhà khoa học cũng đang khá cảnh giác với cách thực hiện SAI. Douglas MacMartin, chuyên gia về kỹ thuật cơ khí và hàng không tại Đại học Cornell cho biết: 'Việc thực sự cố gắng kiểm soát toàn bộ khí hậu là ý tưởng khá đáng sợ'.

Vì những lo ngại này, nhóm SCoPEx đã tạm dừng chuyến đi đầu tiên của họ bằng khi khí cầu. Vấn đề cốt lõi là cách làm của SCoPEx không giải quyết được dứt điểm vấn đề carbon dioxide của Trái đất. Lizzie Burns, giám đốc điều hành chương trình nghiên cứu địa kỹ thuật năng lượng mặt trời của ĐH Harvard cho rằng: 'SAI giống như một loại thuốc giảm đau. Nếu bạn cần phẫu thuật nhưng uống thuốc giảm đau từ trước thì không có nghĩa là bạn không cần phẫu thuật nữa'.

Nguyễn Dương Theo LiveScience

Chủ đề khác