VnReview
Hà Nội

Cá heo có thực sự thông minh như bạn tưởng?

Trí thông minh của động vật là một chủ đề thường được tranh cãi và mang tính chủ quan cao. Các cuộc tranh cãi đôi khi xoay quanh việc cá heo có phải là loài động vật thông minh nhất hành tinh?

Bỏ qua những tranh cãi sang một bên thì thực tế cá heo luôn là loài được đánh giá rất cao. Chúng đã phục vụ cho hải quân Mỹ, Nga và một số người tin rằng chúng thậm chí cảm nhận được các khối u (khoa học chưa chứng minh điều này).

Nhà thần kinh học Lori Marino, người đã nghiên cứu về não và trí thông minh của cá heo trong 30 năm cho biết: "Chúng có văn hóa và một xã hội phức tạp. Cá heo rất giống chúng ta vì có sự phức tạp trong xã hội, hành vi và mức độ tự nhận thức chung".

Tỷ lệ não

Theo các nhà khoa học, cá nhà táng có thể là loài sở hữu khối lượng não lớn nhất hiện nay khi bộ phận này nặng tới 20 pound (khoảng 9kg). Tuy nhiên, do kích thước cơ thể quá lớn nên đây không phải là loài có tỷ lệ khối lượng não so với cơ thể lớn nhất.

Trong một nghiên cứu năm 2002, Marino và các đồng nghiệp đã so sánh kích thước não tương đối của cá heo so với khối lượng cơ thể. Họ so sánh chỉ số này của cá heo với chỉ số của các loài động vật thông minh nổi tiếng khác như tinh tinh, con người, khỉ đột và đười ươi. Kết quả cho thấy con người ở vị trí cao nhất, tiếp theo là đến cá heo. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng tỷ lệ khối lượng não so với cơ thể của cá heo khá gần với tỷ lệ của Homo habilus, một tổ tiên gần gũi của loài người.

Tuy nhiên, Marino cũng cho rằng các nhà nghiên cứu đang cố gắng loại bỏ việc xếp hạng độ thông minh của các loài dựa trên kích thước não. Ví dụ, bạch tuộc không được xếp hạng cao về tỷ lệ não so với khối lượng cơ thể, nhưng lại có thể hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ liên quan đến giải quyết vấn đề mà các nhà nghiên cứu giao cho chúng.

Sự thông minh của cá heo

Theo Marino, con người luôn biết rằng cá heo thông minh từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, những nỗ lực khoa học đầu tiên đánh giá trí thông minh của loài này một cách nghiêm túc đến từ những năm 1950 và 1960. Khi đó, John Lilly đã nghiên cứu khả năng phát âm của cá heo. Công việc này của Lilli đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu não và trí thông minh của cá heo.

Tuy nhiên, sau đó, các nghi vấn về đạo đức trong thí nghiệm của John Lilly đã dẫn đến quá trình nghiên cứu không cho ra nhiều kết quả đáng giá. Các nhà khoa học khác đã phải tiếp tục nghiên cứu về cá heo về sau này.

Năm 2001, một nghiên cứu của Marino cho thấy cá heo nhận ra mình trong gương. Cô và các đồng nghiệp đã tạo ra các điểm đánh dấu khác nhau trên cơ thể của sinh vật này. Sau đó, họ quan sát được rằng cá heo có nhìn vào điểm cụ thể đó trong một chiếc gương đặt trong bể. Chỉ có những loài rất thông minh như tinh tinh được chứng minh là có thể hiện kiểu nhận thức bản thân này.

Marino nói: 'Đó là lần đầu tiên chúng ta chứng kiên một loài sống dưới nước có thể tự nhận ra mình. Đây vốn dĩ là khả năng chỉ giới hạn ở con người và những họ hàng gần của chúng ta. Việc này hầu hết các loài động vật không làm'.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cá heo được dạy để hiểu các ký hiệu cơ bản do con người tạo ra. Thậm chí nó còn hiểu được một số câu đầy đủ mà con người nói. Không chỉ vậy, nó có thể phân biệt được một số câu con người nói. Cá heo có thể hiểu được rằng 'mang cái vòng đến quả bóng' khác với 'đưa quả bóng vào cái vòng'.

Rắc rối là các nghiên cứu kể trên được thực hiện trong môi trường nuôi nhốt. Marino nhận thức điều này và cô bắt đầu nghiên cứu cá heo trong môi trường tự nhiên.

Marino phát hiện ra rằng cá heo ở ngoài khơi bờ biển Tây Úc biết cách sử dụng bọt biển làm công cụ bảo vệ mõm khi vùi xuống cát ở đáy biển tìm cá. Cá heo ở Brazil thậm chí còn biết cách hợp tác với ngư dân nước này để săn bắt.

Các nghiên cứu trong tự nhiên còn cho thấy, một số loài cá heo có những khuyết điểm giống con người. Vẫn chưa rõ là thói quen hay bản năng, nhưng quan sát cho thấy cá heo hay chọc phá cá nóc và đi vào trạng thái say, sau khi ăn phải chất độc thần kinh do cá nóc tạo ra. Marino cho biết: "Cá heo cho thấy chúng là loài rất thông minh".

Nguyễn Dương (Theo Discover Magazine)

Chủ đề khác