VnReview
Hà Nội

Lũ quét nhiều nơi là minh chứng cho tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu

Những trận lũ lụt thảm khốc ở Anh, Đức, Bỉ, Trung Quốc và Ấn Độ là hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới về thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Vào tối ngày 12/7, người bán sách Lynn Gaspard nhận được tin nhắn đầy lo lắng của mẹ cô về cửa hàng sách phía tây Luân Đôn của cô có thể sẽ lại ngập lụt. Lynn thực sự lo lắng nhưng cho hay cô không thể làm gì hơn.

Nhưng đây chắc chắn không phải là câu chuyện của riêng Lynn Gaspard. Lũ lụt đã quét qua phía đông nam nước Anh vào tháng 7 và gây ra thiệt hại đáng kể về tài sản, dẫn đến việc các nhà chức trách phải sơ tán người dân ở Luân Đôn vào ngày 12/7.

Nhưng chúng vẫn chưa thể so sánh với sự tàn phá của những trận lụt ở Đức và Bỉ khiến hơn 180 người thiệt mạng trong trận lũ quét, cảnh tượng khủng khiếp của những ngôi nhà bị nhấn chìm ở Ấn Độ hay những toa tàu điện ngầm ngập nước ở Trung Quốc.

 

Tại Vương quốc Anh, nhiều người gọi những sự kiện này là thảm họa khí hậu và nó đang ở ngay trước mắt chúng ta.

Sau trận mưa với lượng nước đổ xuống tương đương cả tháng mưa, hiệu sách Al Saqi Books của Gaspard và mẹ cô là một trong số những nơi ở Luân Đôn bị ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại hàng ngàn bảng Anh.

Không chỉ lo lắng cho tài sản và công việc kinh doanh vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Gaspard còn lo lắng tới việc Vương quốc Anh chưa có sự chuẩn bị đủ tốt để đối phó với những thách thức khí hậu mới.

Cô chia sẻ: "Chúng tôi đã được thông báo về việc mực nước biển sẽ dâng cao và những khu vực sẽ hoặc có thể bị ngập lụt và đã có những công tác chuẩn bị ra sao. Nhưng thực tế điều này đã xảy ra ở Luân Đôn và gây ra thiệt hại trị giá hàng trăm ngàn bảng Anh khiến mọi người mất nhà cửa và đồ đạc. Đó là một cú sốc".

Ngay cả khi đó, Gaspard cũng thừa nhận vẫn còn nhiều người kém may mắn. Cô chia sẻ: "Rõ ràng là chúng tôi may mắn hơn nhiều người trong khu vực, những người đã phải rời bỏ nhà cửa. Tôi không thể tưởng tượng họ đang phải trải qua cảm giác như thế nào".

Chưa có giải pháp đúng trong ứng phó biến đổi khí hậu

Chúng ta có thể làm gì? Mặc dù trọng tâm khi nói đến chiến lược chống lũ lụt theo truyền thống, đó là tập trung đánh giá các khu vực ven biển hoặc sông, có một vài lý do giải thích tại sao các thành phố như Luân Đôn sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa khác. Có thể bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng một trong những vấn đề lớn nhất mà thành phố phải đối mặt là thói quen chi tiêu của giới siêu giàu.

Mary Dhonau, một trong những chuyên gia hàng đầu về rủi ro lũ lụt ở Anh bày tỏ sự lo lắng về sự gia tăng của cái gọi là "siêu tầng hầm" ở các khu vực như Kensington và Chelsea. Có rất nhiều người nổi tiếng sống ở khu vực đó, ví dụ như nơi sống của Simon Cowell, Kate Garraway, Brian May và chỗ họ đều bị ngập lụt. Rất nhiều người trong số họ có những tầng hầm siêu lớn và một khi nó còn tồn tại, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thoát nước của thành phố.

Một phần của vấn đề đến từ hệ thống quy hoạch thiên về phát triển hơn là thiên về phát triển bền vững.

Mary Dhonau lo ngại vấn đề quy hoạch đang không được tính đến kỹ càng. Nhiều công trình không tính đến giải pháp thoát nước đô thị bền vững và chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu.

Mặc dù có nhiều giải pháp và cách tiếp cận khác nhau để hạn chế tác động của việc gia tăng thiệt hại do lũ lụt gây ra. Nhưng nguyên nhân gốc rễ vấn đề mà chúng ta cần giải quyết, đó là biến đổi khí hậu. Chắc chắn rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến những trận lụt như vừa qua trở nên thường xuyên hơn trong tương lai.

Chưa biết phải làm gì?

Có một số lý do giải thích tại sao biến đổi khí hậu làm cho lũ lụt xảy ra nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Mực nước biển đang tăng lên trên toàn cầu do băng ở hai cực đang tan chảy, bầu khí quyển cũng ngày một ấm hơn. Nhưng nó cũng làm cho các mô hình hoàn lưu khí quyển quy mô lớn trở nên dữ dội và khó đoán hơn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong thế kỷ này.

Chúng ta gần như chắc chắn sẽ không tránh được tình trạng khẩn cấp về khí hậu tại thời điểm này. Như Met Office đã chia sẻ: "Ngay cả khi chúng ta ngăn chặn được tất cả nguồn phát thải hiện tại, chúng ta sẽ không ngăn cản được một số thay đổi. Tuy nhiên nếu chúng ta cắt giảm khí thải càng sớm thì những thay đổi đó sẽ càng nhỏ". Không còn thời gian để dừng quá trình này nữa vì mọi thứ vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên vẫn còn thời gian để giảm thiểu những thiệt hại nặng nề nhất.

Có lẽ câu hỏi "Chúng ta có thể làm gì?" không còn là câu hỏi thích hợp nữa. Phản ứng tự dằn vặt được tạo ra bởi một xã hội khiến chúng ta khó tin rằng chính ống hút nhựa mới là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Ước tính 71% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu đến từ 100 công ty có lượng phát thải lớn nhất.

Chính phủ các nước có trách nhiệm giảm lượng khí thải để bảo vệ mọi thành viên trong xã hội. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều phải nghĩ xem mình có thể làm được thêm điều gì hơn nữa. Về cơ bản điều này là do chính phủ, khu vực tư nhân và ngành sản xuất nghĩ ra các giải pháp".

Có lẽ vai trò của chúng ta chỉ có thể là "đối mặt" với hậu quả của việc không hành động, đó là hứng chịu các thiên tai và khí hậu với tần suất ngày một nhiều hơn.

Tiến Thanh (Theo Vice)

Chủ đề khác