VnReview
Hà Nội

Ăn gỉ mũi có tốt cho sức khỏe hay không?

Đối với nhiều người, hành động ngoáy mũi và ăn gỉ mũi là rất thô lỗ và mất vệ sinh, có thể gây ra nhiễm trùng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng việc ăn gỉ mũi có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, là hành động nên làm. Vậy, ăn gỉ mũi có thực sự tốt cho sức khỏe hay chỉ là lời đồn vô căn cứ?;

Muốn giải đáp được thắc mắc này, ta cần phải xem xét thành phần của gỉ mũi. Hóa ra, gỉ mũi chúng ta thường thấy thực chất được tạo thành từ một loại chất có trong khoang mũi, chứa nhiều thành phần phức tạp, được gọi là dịch nhầy.

Dịch nhầy trong khoang mũi

Dịch nhầy là một loại chất lỏng được tạo ra bởi một số biểu mô của cơ thể. Cơ thể chúng ta sản xuất từ 1 đến 1,5 lít dịch nhầy mỗi ngày.

Dịch nhầy hoạt động như một lớp bôi trơn cho đường mũi và là lớp bảo vệ để ngăn chặn virus, bụi và phấn hoa. Dịch nhầy bao gồm nước, chất nhầy, protein hình cầu, muối, lipid, DNA và các mảnh vụn tế bào, bên trong chứa các kháng thể và lysozyme (enzym tiêu diệt vi khuẩn) giúp chống lại nhiễm trùng. Dịch nhầy khô lại tạo thành gỉ mũi.

Đờm cũng là một loại dịch nhầy nhưng được tạo ra bởi hệ thống hô hấp dưới (gồm cổ họng và phổi) trong quá trình viêm để bảo vệ khỏi các vật chất lạ. Đờm không nguy hiểm những quá nhiều đờm thường làm tắc nghẽn khí quản, dẫn đến nghẹt mũi hoặc đau họng.

Ăn gỉ mũi có thể tạo ra khả năng miễn dịch không?

Hầu như không có nghiên cứu nào gần đây được thực hiện để chứng minh việc ăn gỉ mũi có thể tạo ra khả năng miễn dịch. Tham khảo duy nhất cho điều này là từ một cuộc phỏng vấn vào năm 2013 với Tiến sĩ Scott Napper, một chuyên gia về Vaccine và Bệnh truyền nhiễm. Tiến sĩ cho biết ông đã thực hiện một thí nghiệm với các sinh viên của mình để xem liệu ăn gỉ mũi có giúp ích cho khả năng miễn dịch hay không. Sau cùng, ông tuyên bố rằng ăn gỉ mũi có thể có lợi cho cơ thể, hỗ trợ phát triển khả năng miễn dịch chống lại vi khuẩn bị mắc kẹt trong dịch nhầy. Tuy nhiên, đây không phải là bằng chứng đủ để chứng minh rằng việc ăn gỉ mũi là tốt cho sức khỏe.

Một con bò đang cố gắng "ăn gỉ mũi" của mình

Dịch nhầy đóng vai trò là lớp bảo vệ tuyến đầu cho cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng thường gặp bằng cách "bẫy" vi khuẩn và virus gây bệnh.

Một số người cho rằng việc ăn gỉ mũi tạo điều kiện cho cơ thể tiếp xúc với các tác nhân lây nhiễm như virus và vi khuẩn bị mắc kẹt trong chất nhầy. Cơ thể có thể coi các tác nhân này như một dị vật hoặc một kháng nguyên và cố gắng xây dựng phản ứng miễn dịch chống lại chúng. Điều này có thể kích hoạt cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại các mầm bệnh đó, bảo vệ sức khỏe tốt hơn trong những lần tiếp xúc tiếp theo với mầm bệnh.

Nhưng nếu cơ thể không thể tạo ra miễn dịch chống lại những mầm bệnh đó thì sao? Khoang mũi thường chứa các vi khuẩn như Staphylococcus epidermidis hiếu khí, Staphylococcus aureus, Hemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae và bạch hầu; Propionibacterium acnes kỵ khí và Peptococcus magnus. Nếu chúng ta ăn chất nhầy ở mũi chứa các mầm bệnh trên nhưng cơ thể lại không thể tạo ra miễn dịch chống lại chúng, có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những giả thuyết trên vẫn chưa được chứng minh, tất cả chỉ là phỏng đoán.

Ngoáy mũi có hại hay không?

Khi đưa ngón tay vào khoang mũi, chúng ta có thể đưa vi khuẩn, virus và các chất gây ô nhiễm khác vào mũi, đồng thời lây lan vi khuẩn và virus từ dịch nhầy trong khoang mũi sang các bề mặt khác.

Ngoáy mũi có thể lây lan vi khuẩn từ tay vào khoang mũi và từ mũi sang các bề mặt khác

Sử dụng vật cứng để ngoáy mũi có thể làm tổn thương mô mũi và gây chảy máu mũi. Nghiêm trọng hơn, có thể gây tổn thương vách ngăn mũi, ảnh hưởng đến khứu giác.

Một nghiên cứu cho thấy, ở những người thường xuyên ngoáy mũi, tỷ lệ nhiễm khuẩn Staphylococcus cao hơn so với những người tiết chế.

Xác định nguyên nhân của việc ngoáy mũi có thể giúp tiết giảm thói quen này. Một số nguyên nhân thường gặp như:

- Khô mũi: Khắc phục bằng cách tăng độ ẩm trong đường mũi, uống nhiều nước, dùng thuốc xịt mũi và rửa mũi bằng nước ấm và sạch.

- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Điều trị bằng thuốc chống viêm như thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi.

Căng thẳng hoặc lo lắng: Có thể khắc phục bằng cách sử dụng một số loại thuốc và liệu pháp hành vi hoặc sử dụng bóng giảm căng thẳng, đồ chơi cầm tay,…vv.

Ăn gỉ mũi không chỉ được xem là hành vi thô lỗ, thói quen này còn có thể gây nhiễm trùng và làm tổn thương khoang mũi. Chỉ có một tuyên bố chỉ ra rằng ăn gỉ mũi có thể có lợi trong việc xây dựng khả năng miễn dịch chống lại một số bệnh nhiễm trùng, nhưng tuyên bố này vẫn chưa được kiểm chứng rõ ràng. Vì vậy, sẽ an toàn hơn khi bạn không ăn gỉ mũi.

Yen Kim (Theo Science ABC)

Chủ đề khác