VnReview
Hà Nội

Hơn 1 triệu con tê tê đã bị giết vì y học cổ truyền Trung Quốc

Thoạt nhìn qua, tê tê dường như không phải là ứng cử viên cho danh hiệu động vật bị buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới.

Nhút nhát và sống về đêm, với cái đầu nhỏ, thuôn dài hình nón và chiếc lưỡi dài được cấu tạo để bắt kiến và mối - thức ăn ưa thích của chúng, tê tê bao phủ bởi hàng vảy xếp chồng lên nhau không khác gì lá atiso. Tuy nhiên, không may cho loài tê tê, những chiếc vảy đó không giúp ích gì nhiều để bảo vệ nó khỏi những tay săn trộm, những kẻ đã giết hại hơn 1 triệu con tê tê trong thập kỷ qua, khiến cho loài động vật có vú nhỏ bé này bị liệt vào trung tâm của ngành công nghiệp động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu trị giá hơn 23 tỷ USD hàng năm.;

Trong một năm, một con tê tê có thể ăn hàng triệu con kiến ​​và mối. "Chúng tôi gọi chúng là những kẻ kiểm soát sâu bệnh tự nhiên", Olajumoke Morenikej, nhà động vật học tại Đại học Ibadan ở Nigeria, cho biết. Quốc gia này đã trở thành một điểm nóng của nạn buôn bán tê tê. Tuy nhiên, con người lại đề cao tê tê vì vảy của nó, thứ mà theo y học cổ truyền Trung Quốc là có thể sử dụng để chữa trị mọi thứ, từ viêm khớp, sữa cho con bú đến ung thư.

Morenikej nói: "Trung Quốc là động lực để buôn bán tê tê. Họ đã khai thác toàn bộ và không duy trì sự bền vững đối với các loài tê tê của riêng họ ở Trung Quốc, vì vậy trọng tâm bây giờ đã chuyển sang châu Phi để có được những con tê tê mà họ cần".

Buôn bán tê tê là ​​bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, và ở Nigeria, bất kỳ ai bị bắt vì hành động này có thể bị phạt 12.000 USD hoặc ngồi tù. Tuy nhiên, theo Chris Hamley của Cơ quan Điều tra Môi trường, việc thực thi các luật này còn lỏng lẻo. Trong khi đó, 10 USD cho một con tê tê bán được ở chợ thịt rừng Nigeria lại là sự hối thúc mạnh mẽ đối với những thợ săn đang tìm cách nuôi sống gia đình của họ. 

"Tôi sẽ cảm ơn Chúa, bởi vì tôi sẽ dùng tiền để chăm sóc gia đình ... và trả học phí cho con tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đi săn", một thợ săn nói.

Từ các chợ thịt ở châu Phi, vảy tê tê được vận chuyển bằng đường biển đến Singapore hoặc Malaysia rồi trực tiếp đến Trung Quốc hoặc vào Việt Nam, chúng được đóng gói lại thành các lô hàng nhỏ hơn để nhập lậu vào Trung Quốc cùng với hàng hóa hợp pháp, Hamley cho biết. 

Theo Tiến sĩ Song Ke của Học viện Y học Trung Quốc Asante, các loại thảo mộc và thực vật có thể phục vụ chức năng tương tự vảy tê tê trong y học cổ truyền, kết quả có khi còn tốt hơn. Vì thế sử dụng vảy tê tê là "hoàn toàn không cần thiết". Vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc tuyên bố loại bỏ tê tê khỏi Dược điển Y học Cổ truyền Trung Quốc, sách hướng dẫn chính thức về thuốc và cách sử dụng chúng.

Nhưng Morenikej thừa nhận bất chấp động thái này, thị trường chợ đen vảy tê tê vẫn tiếp tục phát triển. "Trung Quốc nói rằng họ đã loại bỏ vảy tê tê khỏi y học cổ truyền… Nhưng chúng ta thấy gì? Đó chỉ là trên giấy. Vảy tê tê vẫn đang được sử dụng".

Hamley tin rằng kinh tế đóng vai trò cốt yếu đối với sự tiếp tục của thị trường tê tê. Y học cổ truyền Trung Quốc là một ngành kinh doanh 207 tỷ USD vào năm 2021. "Với việc nó là một ngành công nghiệp lớn như vậy, động lực lợi nhuận là cực kì đáng kể".

"Nếu các quốc gia xích lại gần nhau và điều tra các nhóm này chặt chẽ hơn, thì sẽ có thể phân rã nhiều hơn và có lẽ sẽ ít nạn buôn trái phép tê tê hơn, nhưng sau cùng, khía cạnh quan trọng cần thiết là nhu cầu phải được chấm dứt", Hamley nói.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với tê tê vẫn rất mạnh. "Một số người vẫn giữ quan niệm, thuốc chữa bệnh càng đắt tiền thì càng tốt, và nhiều người vẫn tin vào kiểu nhận thức như thế". Với tất cả 8 loài tê tê đang bị đe dọa và 2 loài được xếp vào danh sách Cực kỳ nguy cấp, chính nhận thức đó đã đẩy loài tê tê vào nguy cơ tuyệt chủng.

Giang Vu (theo Vice)

Chủ đề khác