VnReview
Hà Nội

Cách chú bọ này đi trên mặt nước sẽ khiến bạn sửng sốt

Các nhà khoa học mới đây đã quan sát được một chú bọ đang đi theo kiểu...lộn ngược ở mặt dưới của mặt nước hồ.

Sau khi mặt trời lặn, rặng núi Watagan ở New South Wales, Úc, có thể khiến bất kỳ ai bước vào có cảm giác như đã đến một thế giới khác. Nhưng mọi thứ trở nên thậm chí còn kỳ lạ hơn nữa vào năm 2015, khi John Gould, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Newcastle ở Úc, đang khảo sát loài ếch da nhám vốn sống trong các hồ nước phù du của khu rừng này.

Trong lúc Tiến sỹ Gould đang mò mẫm tiến lại một hồ nước, tìm kiếm dấu hiệu loài ếch này, thì ông phát hiện một chú bọ nhỏ bằng hạt đậu mà thoạt nhìn có vẻ như đã bị ngã xuống nước. Lại gần hơn, tiến sỹ Gould mới nhận ra chú bọ này không phải đang vùng vẫy thoát khỏi hồ nước, mà thực ra đang ở tư thế lộn ngược và hoàn toàn kiểm soát được tình hình xung quanh nó. Chú bọ này di chuyển dọc theo mặt dưới của mặt nước, như thể đang ở trong một thế giới song song vậy.

Mặt nước hồ lúc này tĩnh lặng đến đáng ngạc nhiên, không một gợn sóng, và tiến sỹ Gould rút điện thoại ra để quay lại chú bọ kỳ lạ này. Bởi đoạn phim không liên quan mấy đến nghiên cứu đang thực hiện, tiến sỹ Gould đã lưu trữ nó trong các tập tin trên máy tính và không hề xem lại trong suốt quá trình hoàn thành luận án tiến sỹ. Vào tháng 6 vừa qua, tiến sỹ Gould và Jose Valdez, một nhà sinh thái học hoang dã tại Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học Đức ở Leipzig, đã xuất bản báo cáo chi tiết đầu tiên về hành vi của loài bọ năm nào trên tạp chí Ethology.

Martin Fikacek đến từ Đại học Quốc gia Sun Yat-sen, Đài Loan, vốn không tham gia vào nghiên cứu này, nhưng khi xem đoạn video đã cho biết sinh vật kia là một chú "bọ nước ăn xác", nhiều khả năng thuộc họ Hydrophilidae.

Dù báo cáo của tiến sỹ Gould là lần đầu tiên hành vi đi ngược dưới nước của loài bọ được ghi nhận trong các tài liệu nghiên cứu, nó thực ra đã được nhắc đến trước đây, theo Manu Prakash, một kỹ sư sinh học tại Đại học Stanford, cũng không tham gia vào nghiên cứu. "Đó quả là một phát hiện thú vị" - tiến sỹ Prakash viết trong email.

Chuyển động của chú bọ nước ăn xác nói trên khác với cách di chuyển truyền thống trên mặt nước, tức bước trên bề mặt trên của mặt nước. Các loài đi mặt biển hoặc mặt nước thường sử dụng những cái chân như mái chèo. Một số loài tắc kè, nhờ sự trợ giúp của sức căng bề mặt, có thể chạy trên nước bằng cách uốn lượn cơ thể và vỗ bề mặt nước bằng chân.

Dưới nước, một số sinh vật sống ngược lại. Phần nhiều trong số này là ốc sên. Dưới đại dương, loài sên tím bám ngược vào bề mặt của đại dương bằng hàng loạt những bong bóng nhớp nháp giúp cơ thể nó nổi trong nước. Loài sên nước ngoạt Sorbeoconcha physidae cũng lợi dụng dịch nhầy, lê bàn chân của nó trên mặt dưới của mặt nước để di chuyển. "Chúng sử dụng một cơ chế khác bởi chúng không có cẳng chân" - tiến sỹ Valdez nói về loài sên như vậy.

Dưới vùng nước ngọt, một số loài côn trùng thuộc loài bọ gạo bơi ngược, chèo những cẳng chân sau lông lá của chúng dưới mặt nước. Ấu trùng của loài ruồi nước Dixidae, còn gọi là meniscus midges, thì sử dụng những cấu trúc lông lá dưới bụng của chúng để dính ngược vào bề mặt của nước.

Nhưng loài bọ nước ăn xác không bơi như bọ gạo hay ấu trùng. Chúng bước, giống như những loài bọ khác bước trên đất liền, hay trên trần nhà bạn.

Câu hỏi là: bằng cách nào?

"Đó là điều còn chưa rõ" - tiến sỹ Gould thừa nhận, dù rằng ông và tiến sỹ Valdez có một số giả thuyết.

Một khả năng là có một bong bóng khí dính vào vùng eo chú bọ, mang lại cho nó khả năng nổi lên trên. Dù bong bóng khí khi gần đến bề mặt có thể bị vỡ ra, nhưng bong bóng của chú bọ này vẫn không thay đổi, cho thấy nó bằng cách nào đó đã ngăn được không khí thoát ra ngoài. Những loài bọ bước đi được dưới nước nhưng lưng hướng lên trên thường có khả năng kẹp những bong bóng khí giữa chân của chúng.

Câu hỏi tiếp theo: tại sao?

Dù rằng bàn chân của loài bọ dường như đâm xuyên qua mặt nước ở mỗi bước đi, quá trình di chuyển của nó không tạo ra bất kỳ gợn sóng nào. Các nhà nghiên cứu tin rằng cách di chuyển này có thể giúp loài bọ tránh bị xơi tái bởi bất kỳ thứ gì đang rình rập gần đó. "Bất kỳ loài săn mồi nào phía trên bề mặt cũng có thể đang nhòm ngó xuống, và chúng sẽ thấy một cái bong bóng chứ không phải một bữa ăn ngon lành" - tiến sỹ Valdez nói.

Di chuyển theo kiểu trượt và tận dụng sự nhớp nháp của nước thường đòi hỏi nhiều năng lượng hơn di chuyển trên đất liền. Nhưng loài bọ dường như làm điều đó khá dễ dàng và thậm chí còn có thể nghỉ ngơi theo kiểu lộn ngược được, cho thấy hành vi này không tiêu tốn năng lượng là bao.

Nhưng cách duy nhất để biết chắc cả hai giả thuyết trên là phải đưa loài bọ đặc biệt này vào phòng thí nghiệm để tìm hiểu kỹ hơn.

Hiện nay, tiến sỹ Gould đang nghiên cứu một loài ếch khác trên đảo Koooragang, không xa Watagans là bao. Loài ếch này sinh để trong những hồ nước nhân tạo quanh bờ biển của đảo. Thiên nhiên ở đây ít thú vị hơn, nhưng vẫn có những kỳ quan nho nhỏ; gần đây, tiến sỹ Gould đã nhìn thấy một con ốc sên xoay những vòng điệu nghệ từ đỉnh một hàng rào xuống mặt đất không khác một nghệ sỹ là bao bằng cách sử dụng một sợi tơ làm từ dịch nhầy của chính nó, như đang leo dây vậy.

Còn với loài bọ chúng ta đã nói ở trên thì sao? Bọ nước ăn xác có vòng đời khá ngắn, do đó con bọ mà tiến sỹ Gould quay phim được nhiều khả năng đã ra đi từ lâu rồi. Nhưng những chú bọ tương tự vẫn còn đó, vẫn đang sống và chết, và cả bước đi trên bất kỳ bề mặt nào chúng có thể.

Minh.T.T (theo NYTimes)

Chủ đề khác