VnReview
Hà Nội

Phát hiện hộp sọ loài "rồng" từng gây khiếp đảm khắp bầu trời nước Úc

Loài bò sát bay cổ đại được vừa được phát hiện ở Úc có lẽ là sinh vật đời thực gần nhất với những con rồng chỉ có trong tưởng tượng.

Một quái thú đáng sợ với sải cánh lên đến 6,7 mét cùng khuôn miệng trông như một mũi lao là thứ gần nhất với loài rồng mà bạn thường thấy trên phim ảnh. Đó là cách Tim Richards miêu tả về Thapunngaka shawi, một loài bò sát bay đã tuyệt chủng mà ông đang nghiên cứu hoá thạch của nó tại Trường Sinh vật học thuộc Đại học Queensland.

Loài bò sát bay chúng ta vẫn hay gọi bằng cái tên chung là pterosaur này được cho là từng bay lượn trên bầu trời nước Úc thời cổ đại từ rất lâu trước đây, khi mà Úc vẫn còn những vùng biển nội địa thay vì sa mạc như hiện nay.

"Thứ này hẳn là khá hung dữ" - Richards nói. "Nó có lẽ là nỗi ám ảnh đối với những con khủng long xui xẻo chưa kịp nghe thấy tiếng nó đang bay cho đến khi quá muộn"

Cái tên Thapunngaka shawi có nghĩa là "khuôn miệng mũi lao của Shaw", trong đó Shaw là họ của người đã phát hiện ra nó, Len Shaw. Thapunngaka thì lấy cảm hứng từ một ngôn ngữ nay đã không còn nữa thuộc tộc Wanamara, một trong những bộ tộc đầu tiên của Úc.;

Thằn lằn bay Pterosaur đã tồn tại trên trái đất từ 66-228 triệu năm về trước, khi mà thiên thạch chưa đặt dấu chấm hết cho thời đại khủng long. Chúng được xem là sinh vật có xương sống đầu tiên bay được. Loài pterosaur nổi tiếng nhất là pterodacylus, đó là lý do tại sao pterosaurs thường bị gọi nhầm là pterodactyls.

Ảnh minh hoạ một con pterosaurs

Các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về các sinh vật cổ đại. Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí iScience hồi tháng 4 cho thấy bí mật của loài pterosaurs nằm ở cái cổ của nó, vốn dài hơn cả hươu cao cổ và được "mẹ thiên nhiên" bố trí để có khả năng hỗ trợ cái đầu khá nặng của nó trong quá trình bay. Nghiên cứu được xuất bản tháng trước thì nói rằng nhiều loài pterosaurs có thể bay ngay khi vừa nở ra khỏi trứng!

Để bay được, pterodactyls thường sở hữu bộ xương mỏng hơn và giòn hơn các loài khủng long khác. Điều đó khiến những hoá thạch được bảo quản khá tốt như hoá thạch Richards đang nghiên cứu trở nên cực kỳ hiếm. Dựa trên hoá thạch xương hàm, Richards ước tính chỉ riêng hộp sọ này đã dài đến gần 1 mét và có đến 40 cái răng sắc nhọn bên trong.

"Theo tiêu chuẩn thế giới, loài pterosaur ở Úc khá bình thường, nhưng việc phát hiện ra Thapunngaka đã mang lại cho chúng tôi thêm nhiều thông tin thú vị về sự đa dạng của loài pterosaur ở Úc"

Minh.T.T (theo CNET)

Chủ đề khác