VnReview
Hà Nội

Lật tẩy quan điểm 'con người chỉ dùng 10% năng lực bộ não'

Theo ScienceABC, lầm tưởng việc con người chỉ sử dụng 10% năng lực bộ não xuất hiện khá nhiều trong văn hóa đại chúng. Nó bắt nguồn từ những phát hiện khoa học bị hiểu sai.

Các công ty có sản phẩm giúp 'tăng cường trí não' thường quảng cáo về chuyện con người chỉ sử dụng được 10% bộ não. Từ đó, họ khuyên khách hàng nên sử dụng sản phẩm để có thể 'khai thác' tiềm năng của bộ não mà chúng ta chưa dùng đến. Nhưng điều này có thực sự chính xác?

'Huyền thoại' việc con người chỉ sử dụng 10% năng lực bộ não

Vào những năm 1890, nhà tâm lý học người Mỹ William James, dựa trên nghiên cứu của ông về một đứa trẻ đã đưa ra phát biểu nổi tiếng rằng: 'Chúng ta chỉ đang sử dụng một phần nhỏ nguồn lực tinh thần và thể chất mà bản thân có'.

Đây chính là điều được cho là đã làm nảy sinh ý tưởng rằng chúng ta chỉ sử dụng một phần nhỏ 'sức mạnh' bộ não và nó sau đó được dùng trong rất nhiều quảng cáo và các cuốn sách.

Ví dụ như William James đã viết trong lời nói đầu dành cho cuốn sách 'How to Win Friends and Influence People' của Dale Carnegie như sau: 'Chúng ta chỉ sử dụng một phần nhỏ nguồn lực vật chất và tinh thần của bản thân'. Sau đó, các trích dẫn khác đã tùy ý đưa ra con số con người chỉ sử dụng 10% năng lực bộ não.

Ngoài ra, lý thuyết về việc con người chỉ dùng 10% năng lực bộ não còn đến từ một nghiên cứu của bác sĩ giải phẫu thần kinh nổi tiếng có tên Wilder Penfield. Trong quá trình phẫu thuật, Penfield đã sử dụng điện để kích thích một số bộ phận trong não bệnh nhân. Ông nhận ra rằng việc kích thích một số bộ phận của não sẽ dẫn đến những hành động cụ thể. Ví dụ, kích thích vùng não điều khiển cánh tay trái sẽ dẫn đến chuyển động ở cánh tay trái. Với phương pháp này, ông đã có thể vẽ ra toàn bộ bản đồ chức năng não, chỉ rõ vùng nào kiểm soát bộ phận nào trong cơ thể.

Tuy nhiên, Penfield cũng gặp một số phần 'im lặng' của não bộ, khi kích thích bằng điện thì nó không tạo ra bất kỳ tác dụng nào trên cơ thể. Điều này được hiểu sai là bằng chứng cho thấy không phải tất cả các vùng não đều hoạt động và một số bộ phận vẫn 'không được sử dụng'. Đến hiện nay, chúng ta đã biết được rằng việc thiếu phản ứng từ kích thích không có nghĩa là vùng đó không hoạt động. Vì vậy, việc lấy nghiên cứu của Penfield để biện minh rằng không phải tất cả các phần của bộ não đều hoạt động là sai hoàn toàn.

Sự thật là gì?

Với những tiến bộ trong công nghệ quét hình ảnh não, các nhà khoa học cho rằng mặc dù chỉ một phần não có thể hoạt động tại một thời điểm cụ thể nhưng tất cả các bộ phận của não đều hoạt động. Các nghiên cứu về những bệnh nhân bị chấn thương não cho thấy rằng ngay cả những chấn thương nhỏ cũng có thể dẫn đến sự thiếu hụt lớn trong hoạt động của con người.

Hơn nữa, theo các nhà khoa học, nếu những người làm vườn biết cắt tỉa những nhánh không cần thiết của một bụi cây thì bộ não cũng tự biết 'loại bỏ bớt' các kết nối tế bào không còn phục vụ chức năng nào. Từ điều này có thể suy ra, nếu huyền thoại con người chỉ sử dụng 10% bộ não thì 90% bộ não của chúng ta sẽ bị loại bỏ.

Các kỹ thuật hình ảnh hiện đại giúp hình dung hoạt động của não và lật tẩy tin đồn con người chỉ sử dụng 10% năng lực bộ não

Ngoài ra, trong quá trình tiến hóa, khả năng bất kỳ vùng não nào đó không được sử dụng là gần như không có. Nếu não có tới 90% năng lực không hoạt động thì điều này đồng nghĩa với việc năng lượng thực sự bị lãng phí. Não chiếm tới 20% tổng năng lượng tiêu thụ của một người và vì vậy chúng ta không có lý do để tin rằng chỉ 10% năng lực của nó được hoạt động.

Việc con người tin rằng chỉ 10% năng lực bộ não được hoạt động bởi chúng ta cố tình nghĩ rằng nó là sự thật. Điều này tạo ra một quan điểm lạc quan, gợi ý rằng tất cả chúng ta đều có khả năng làm được những điều tuyệt vời và ai cũng có tiềm năng trở thành một Einstein thứ 2.

Điều quan trọng là bạn phải bỏ đi niềm tin sai lệch về việc não chỉ hoạt động 10% năng lực. Tất cả phần não đã hoạt động không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể học được các kỹ năng mới, một ngôn ngữ mới, một trò ảo thuật mới... Sự thật là việc học thứ gì đó mới, không phụ thuộc vào những vùng 'không sử dụng' trong não. Chúng ta thừa hưởng khả năng học kỹ năng mới bằng cách dùng các mô não hiện có.

Điều này được chứng minh bởi thực tế là con người đã phát minh ra nhiều kỹ năng khác nhau, chẳng hạn như đọc, làm toán... chỉ trong vài nghìn năm qua. Bộ não không được thiết kế để thực hiện những chức năng này nhưng chúng ta đều có khả năng thực hiện nó. Bộ não có thể liên tục điều chỉnh mô hiện có và tái sử dụng nó cho các kỹ năng mới.

Nguyễn Dương (Theo ScienceABC)

Chủ đề khác