VnReview
Hà Nội

Ít ai biết rừng không chỉ giúp hấp thụ CO2 mà còn tạo mây bao phủ làm mát khí hậu

Cây cối không những chỉ góp phần hấp thụ CO2 trong bầu khí quyển, trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cùng con người mà còn có thể tạo ra nhiều mây bảo phủ và làm mát mặt đất.

Cây cối và rừng giúp cô lập carbon nhưng đây không phải là lợi ích duy nhất mà rừng có thể giúp cho chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu mới, rừng làm tăng độ che phủ của mây lên tới 15% so với các khu vực không có rừng, qua đó tạo ra hiệu ứng làm mát cho mặt đất bên dưới.

Nhóm tác giả nghiên cứu cho biết: "Rừng cung cấp vô số dịch vụ thiết yếu cho xã hội loài người. Chúng bao gồm việc thu giữ, lưu trữ và điều tiết dòng nước, cải thiện chất lượng không khí và nước, cung cấp gỗ, năng lượng và kiểm soát xòi mòn, cung cấp môi trường sống cho đa dạng sinh học và đem lại sinh kế cho con người".

Nhưng còn có một lợi ích đặc biệt khác của rừng liên quan đến sự tương tác với hệ thống khí hậu và tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực tìm hiểu kỹ hơn tác động của rừng tới khí hậu, các chuyên gia đã xem xét các hình ảnh vệ tinh toàn cầu.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Alessandro Cescatti thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hỗn hợp của Ủy ban Châu Âu cho biết: "Các quan sát trên Trái Đất ngày càng cho thấy cây cối và rừng đang tác động đến khí hậu thông qua ảnh hưởng đến các đặc tính bề mặt".

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, xu hướng làm mát không hoàn toàn phù hợp với các khu rừng sâu vào mùa đông. Các khu vực có rừng thực sự ít mây bao phủ hơn các khu vực không có rừng vào mùa đông nhưng lại có nhiều mây hơn vào mùa hè tới 5%. Sự gia tăng độ che phủ của mây là lớn nhất ở các khu rừng rậm rạp.

Mây che phủ ở tầng thấp chủ yếu do rừng tạo ra hiệu ứng làm mát bên cạnh lợi ích hấp thụ carbon. Tuy nhiên sẽ khó có thể nhìn thấy độ che phủ toàn cầu của mây nếu không có hình ảnh vệ tinh.

Martin Stengel thuộc Dự án Đám mây Sáng kiến ​​Biến đổi Khí hậu cho biết: "Nếu không có các quan sát dạng đám mây toàn cầu và lớp phủ từ vệ tinh, nghiên cứu này sẽ không thể thực hiện được trên quy mô toàn cầu". Tiến sĩ Cescatti chia sẻ: "Các nghiên cứu như thế này dựa trên các quan sát vệ tinh và cơ bản giúp mô tả tính phức tạp của hệ thống khí hậu và cung cấp các tiêu chuẩn cho sự phát triển mô hình khí hậu".

Các nhà khoa học lưu ý rằng, phát hiện của họ sẽ là động lực bổ sung cho việc tái trồng rừng. Không nên coi rừng chỉ có tác dụng cô lập carbon mà còn vì nhiều lợi ích khác mà chúng mang lại, bao gồm cả việc tăng cường độ che phủ của mây.

Nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu, loài người không chỉ phải ngừng phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển mà còn phải loại bỏ lượng carbon dư thừa đã phát thải. Hiện tại, kỹ thuật thực tế nhất để thu giữ carbon một cách hiệu quả là để cây cối cô lập chúng. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, điều này đòi hỏi phải mở rộng diện tích rừng bao phủ bằng các chương trình phục hồi rừng hoặc trồng rừng đầy tham vọng".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications mới đây.

Tiến Thanh (Theo Earth)

Chủ đề khác