VnReview
Hà Nội

Khủng long khổng lồ dài hơn 20 mét từng tồn tại ở Trung Quốc

Một nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Scientific Reports vào ngày 12/8 vừa qua đã khiến tất cả giới khoa học quan tâm.

Nghiên cứu này được công bố bởi các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Trung Quốc và Bảo tàng Quốc gia Brazil, nội dung về hai loài khủng long khổng lồ đã từng xuất hiện ở vùng tây bắc Trung Quốc.

Theo CNN cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát hiện ra rất nhiều hóa thạch khủng long ở vùng tây bắc nước này, đặc biệt là khu vực Tân Cương. Các hóa thạch vô cùng quý giá này bao gồm các bộ phận của một số loài khủng long bay như: trứng, phôi và các mảnh hóa thạch xương cột sống, xương sườn...

Chưa có kết quả chính xác về số hóa thạch này thuộc về loài khủng long nào, ban đầu, các nhà khoa học cho rằng chúng thuộc về ba loài khủng long bí ẩn.

Để có thể xác định được hai trong số ba loài khủng long bí ẩn nói trên là những loài khủng long nào, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu và xác định được rằng chúng chính là Silutitan sinensis và Hamititan xinjiangensis, trong đó "silu" có nghĩa là "con đường tơ lụa" trong tiếng Quan Thoại, và "xinjiang" có nghĩa là Tân Cương, ý nói đến khu vực phát hiện ra hóa thạch. Cả hai loài đều có từ "titan" có nghĩa là "khổng lồ" trong tiếng Hy Lạp, điều này cho thấy kích thước của 2 loài khủng long trên rất lớn.

Theo ước tính, loài Silutitan có thể có chiều dài lên đến 20m và loài Hamititan dài khoảng 17m. Kích thước này có thể sánh ngang với kích thước của loài cá voi xanh trưởng thành (kích thước mà cá voi xanh có thể đạt được từ 23m đến 30m, tùy thuộc vào vị trí sinh sống của chúng). Các mảnh hóa thạch của hai loài khủng long mới nói trên thuộc về đầu kỷ Phấn trắng, tức khoảng 120-130 triệu năm trước. Cả 2 loài này đều thuộc họ sauropod, bao gồm các loài khủng long ăn cỏ có cổ dài và là những động vật lớn nhất từng sống trên Trái đất.

Các nhà nghiên cứu cho biết mẫu vật thứ 3 không phải một loài mới, nó có thể là một con somphospondylan sauropod, sống từ cuối kỷ Jura đến cuối kỷ Phấn trắng.

Thanh Mai (Theo CNN)

Chủ đề khác