VnReview
Hà Nội

Đại học Michigan tìm ra liệu pháp làm chậm lão hóa da

Làn da minh chứng cho độ tuổi của con người và dưỡng da chính là cách con người níu kéo tuổi trẻ. Với sự phát triển của công nghệ, việc dưỡng da không chỉ dừng lại ở các loại mỹ phẩm mà còn là các liệu pháp điều trị y học.

Mới đây, các nhà khoc học thuộc đại học Michigan đã phát hiện ra rằng họ có thể làm chậm quá trình già hóa của các mô da bằng cách tập trung vào các thành phần xung quanh của tế bào thay vì bản thân tế bào và với việc bổ sung một loại chất làm đầy (Filler), họ đã có thể khiến các tế bào da già cỗi hoạt động trở lại như những tế bào da trẻ.

Đối với động vật, các lưới ngoại bào hay ECM đóng vai trò như bộ khung phát triển cho các tế bào da. ECM được tạo ra bởi các sợi collagen siêu nhỏ được gọi là nguyên bào sợi. Khi da già đi, các ECM bắt đầu bị phân mảnh. Kết quả là các tế bào bị mất kết nối với bộ khung và khi thiếu sự hỗ trợ của bộ khung ngoại bào, da bắt đầu chảy xệ.

Các nhà nghiên cứu tại Khoa da thuộc đại học Michigan đã tiến hành tiêm vào da của 21 tình nguyện viên ở độ tuổi 80 một loại chất làm đầy thường được dùng để giảm nếp nhăn trên mặt. Chất làm đầy này sẽ gia cường ECM, len lỏi vào các khoảng trống trên cấu trúc ECM bị bỏ lại bởi tuổi tác. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng các nguyên bào sợi bắt đầu sản sinh các gene liên quan đến collagen. Khi các collegen bắt đầu được sản sinh nhiều hơn, ECM cũng trở nên ít phân mảnh hơn. Lớp da tại vị trí tiêm bắt đầu phát triển dày hơn và thêm nhiều mạch máu được tạo ra nuôi các tế bào.

"Sự phân mảnh của lưới ngoại bào đóng một vai trò quan trọng đối với tình trạng lão hóa da nhưng bằng việc thay thế lưới ngoại bào với một chất làm đầy bên ngoài và tăng cường áp suất bên trong, chúng tôi về cơ bản đã có thể kích hoạt một tín hiệu giúp các tế bào da già cỗi thức tỉnh," tiến sĩ Gary Fisher - tác giả nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có một vài hạn chế đối với nghiên cứu trên. Các nhà khoa học đã không thí nghiệm với da mặt - phần da được phơi bày nhiều nhất dưới ánh sáng cực tím và cũng là nơi tác động của lão hóa có thể nhận thấy rõ ràng nhất. Thay vào đó, họ đã tập trung vào phân da từ một khu vực gần như không bao giờ tiếp xúc với ánh nắng - da mông.

Lý giải cho điều này, nhóm nghiên cứu cho biết họ không gợi ý sử dụng chất làm đầy trên toàn cơ thể mà mục tiêu là để hiểu rõ hơn về ECM nhằm mở đường cho những phát hiện mới đối với các liệu pháp bảo vệ và điều trị các tế bào da tổn thương tốt hơn.

Nghiên cứu của đại học Michigan hiện đã được đăng tải trên tạp chí Journal of Investigative Dermatology.

Theo Gizmag/Go.vn

Chủ đề khác