VnReview
Hà Nội

Việt Nam là một trong những nước có nhiều thiên thạch nhất thế giới

Như đã phân tích trong bài viết trước, thiên thạch có thể rơi xuống bất cứ nơi đâu trên Trái đất nhưng đa số chúng có kích thước rất nhỏ nên không nhiều người nhận ra. Nhưng điều đáng chú ý là Việt Nam là một trong những nước phát hiện được nhiều thiên thạch nhất thế giới.

Báo Công an TP.HCM dẫn lời Thạc sĩ - bác sĩ Trần Hoàng Tùng (Hội Đá quý Hà Nội) cho biết, theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thì Việt Nam là một trong những nước có nhiều thiên thạch nhất thế giới. Tại Việt Nam có nhiều cách gọi loại đá này như thiên thạch, tektite, đá trời, ngọc thiên thạch...

Viên thiên thạch Grave Nunataks được tìm thấy năm 1995; (ảnh: Internet)

Theo cuốn Tất cả về khoáng vật chữa bệnh màu nhiệm và cuốn Tất cả về đá quý của Jasper Stone, thiên thạch được hình thành do sự va đập của mảnh vỡ các tiểu hành tinh lên bề mặt trái đất. Sự va đập này tạo nên một vụ nổ lớn, những mảnh vỡ của tiểu hành tinh và những mảnh vật chất của trái đất bị nóng chảy, bắn lên không trung, lại bị nóng chảy một lần nữa do ma sát với tầng khí quyển khi rơi xuống, xoay tròn trong không khí tạo nên vô vàn hình thù đặc biệt.

Theo tài liệu nghiên cứu của David C. Knight (Mỹ), nhiều loại thiên thạch có thể là mảnh vụn của sao băng khi rơi qua tầng khí quyển vào trái đất hoặc hình thành do sự va chạm của thiên thạch lên trái đất, hấp thu năng lượng từ vụ va chạm này tạo nên thiên thạch.

Qua nghiên cứu địa tầng và phân tích đồng vị phóng xạ thì thiên thạch có tuổi khoảng 10 triệu năm với thành phần chủ yếu là Silic Dioxit (68 - 82%), kích thước trung bình hiếm khi vượt quá 5 cm, nặng chừng 500 g. Loại thiên thạch phân lớp có thể có trọng lượng lớn hơn. Ngày nay chủ yếu chỉ còn xuất hiện thiên thạch loại nhỏ, được chế tác thành đồ trang sức hoặc để thô bán cho người sưu tầm. Nhiều người trong giới sưu tầm đá quý, kể cả những tay trùm buôn bán đá quý trong và ngoài nước, đôi khi cũng mua nhầm phải những loại đá có hình dạng bề ngoài gần giống với thiên thạch. Những loại đó có thể là thủy tinh núi lửa (obsidian), bom núi lửa, tro của hỏa thạch và một loại sỏi màu đen có nhiều ở vùng Yên Bái, Lâm Đồng.

Về bề ngoài thiên thạch thường có màu đen gần giống với nham thạch núi lửa, nhưng khi đập vỡ thì thiên thạch có tính chất trong của đá quý và có thêm sắc màu nâu sáng ở viền. Trên bề mặt thiên thạch có những nốt lỗ chỗ li ti do vết tích của bọt khí vỡ và có những đường lằn xoắn ốc chứng tỏ bị làm nguội, đông đặc khi rơi trong khí quyển.

Cảnh giác với thiên thạch giả

Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều viên thiên thạch có trọng lượng lên đến vài chục ký không rõ xuất xứ được bán với giá "trên trời". Người mua cần thận trọng với những loại này, có thể nó được làm giả với mục đích lừa đảo. Do thiên thạch bị nóng chảy hai lần trong vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất nên nó không dễ gì bị đốt cháy. Hãy lấy một mảnh thiên thạch nhỏ đốt dưới ngọn lửa bếp gas, nếu nó cháy và có mùi khét nghĩa là thiên thạch giả.

Thiên thạch là loại đá mang năng lượng ở mức độ thấp. Nếu giả sử có loại thiên thạch khác có năng lượng mạnh làm gương vỡ... thì cũng không nên mang về nhà vì năng lượng phóng xạ của nó có thể gây ra những tác hại đến sức khỏe như biến loạn nhiễm sắc thể, ung thư...

Cũng giống như các loại đá quý khác, giá trị của thiên thạch phụ thuộc vào kích thước, trọng lượng, hình dạng đặc biệt và mức độ say mê của người mua. Có những loại giá khoảng 100.000đ/kg, cũng có loại mà người sưu tập sẵn sàng bỏ ra vài nghìn USD chỉ để sở hữu một viên vẻn vẹn vài ba trăm gram. Ai cũng có thể mua cho mình một viên đá thiên thạch tại các cửa hàng bán đá trang sức, đá thiên nhiên tại Việt Nam. Còn ở các nước Đông Nam Á khác, nó được bày bán ê hề tại các quầy lưu niệm với giá vài đôla Mỹ cho du khách.

Thực tế giá trị màu nhiệm đặc biệt của thiên thạch chính là nguồn gốc ngoài trái đất hay chí ít là nguồn gốc hấp thu năng lượng ngoài trái đất của nó. Chứ nó hoàn toàn không hề có những tính năng thần kỳ đến mức phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng để sở hữu như những kẻ lừa đảo cố ý thổi phồng. Qua lời kể của nạn nhân các vụ lừa đảo mua bán thiên thạch, hầu hết người tung tin muốn mua và người có thiên thạch để bán đều là đồng bọn của nhau. Chúng dựng lên một kịch bản để đưa người trung gian hám lời vào tròng. Thực ra thủ đoạn lừa đảo này đã cũ, kẻ gian từng áp dụng trong các phi vụ lừa đảo mua bán sừng tê giác, đồng đen, hài cốt lính Mỹ chết trận... mà báo chí vô số lần đăng tải.

Theo Công an TP.HCM

Chủ đề khác