VnReview
Hà Nội

"Hồi sinh" một loài cóc tuyệt chủng từ các tế bào chết

Các nhà khoa học Australia đã đi một bước đột phá trong ngành nhân bản sinh học bằng việc hồi sinh (dẫu kết quả vẫn là khá hạn chế) một loài cóc đã tuyệt chủng dựa vào trứng của một loài lân cận.

1

Loài cóc Rheobatrachus đã tuyệt chủng từ năm 1983. Loài cóc này được biết tới với cách sinh sản vô cùng kì lạ: tự nuốt trứng của mình và sau đó các con cóc con sẽ chui ra từ mồm của cóc mẹ.

Trong 5 năm gần đây, các nhà khoa học tại Úc đã tiến hành các nghiên cứu chuyển dịch nguyên tử tế bào sôma – một công nghệ giúp tạo ra bào thai nhân bản. Trứng dành cho các thí nghiệm này được lấy từ một loài cóc có họ hàng với Rheobatrachus và thay một vài hạt nhân trên các mẫu trứng này với các hạt nhân đã chết của Rheobatrachus. Các hạt nhân chết nói trên được bảo quản từ thập niên 1970. Một vài quả trứng nhân bản sau đó đã bắt đầu phát triển.

Các bào thai sau đó đã sống được vài ngày. Tuy rằng loài cóc Rheobatrachus chưa thực sự được hồi sinh, các nhà khoa học cũng đã thu được các tế bào sống nhằm phục vụ cho các thí nghiệm nhân bản tiếp theo.

Trưởng dự án nói trên (được đặt tên là Lazarus, theo tên một nhân vật trong Kinh Thánh được hồi sinh bởi chúa Jesus), giáo sư Mike Archer thuộc Đại học New South Wales, Sydney cho biết: "Chúng tôi đang thấy Lazarus sống lại từ cõi chết, từng bước một". Các nhà khoa học từ Đại học Newcastle cũng tham gia vào dự án này.

Cho dù hiện thời chúng ta vẫn chưa có những chú cóc con mới nhưng kết quả của dự án Lazarus cho đến thời điểm này vẫn là rất đáng kinh ngạc. Theo giáo sư Archer: "Chúng tôi tin rằng những trở ngại phía trước là về mặt kỹ thuật chứ không phải là về mặt sinh học. Quan trọng hơn, chúng tôi đang phát triển ra một công cụ lưu giữ lại các giống loài trên thế giới – trong bối cảnh rất nhiều loài đang lâm vào tình trạng nguy hiểm".

Việt Dũng

Chủ đề khác