VnReview
Hà Nội

Giá máy in 3D gia đình sẽ rẻ như laptop?

Để máy in 3D trở thành một vật dụng trong mỗi hộ gia đình, nó phải có giá rẻ chỉ khoảng 550 USD, kích thước nhỏ như một chiếc lò vi sóng, dễ sử dụng và có nhiều công dụng hơn nữa.

Brook Drumm, một ông bố hói đầu của ba đứa trẻ sống ở ngoại ô Sacramento, California (Mỹ), có khát vọng rất lớn với Printrbot, chiếc máy in 3D mà ông đã thiết kế ra.

Giống với một số máy in 3D khác, Printrbot sử dụng nhựa nóng - được xếp từng lớp, tạo thành một nền tảng được làm nóng bằng một chiếc máy đúc ép giống như keo súng – để biến các thiết kế trên máy vi tính thành những đồ vật thật.

Với việc kích thước và giá cả của máy in 3D ngày càng giảm, cơ hội để các hộ gia đình sử dụng máy in 3D ngày càng tăng. Trong ảnh là máy in 3D Printrot đang in một mô hình ngôi nhà nhỏ.

Ông Drumm đã gom góp được hơn 830.000 USD để khởi nghiệp vào cuối năm 2011. Printrbot nhỏ nhắn có thể đặt vừa trên kệ bếp, bên cạnh chiếc máy làm cà phê.

"Mục tiêu của công ty là tạo ra một chiếc máy in cho mọi hộ gia đình và cho mọi trường học", ông Drumm nói. Công nghệ in 3D đã có từ nhiều năm, nhưng hiện nay máy in 3D ngày càng được nhận thức sẽ trở thành một thiết bị gia đình trong tương lai. Tình cảnh của máy in 3D hiện tại rất giống với tình cảnh của máy tính cá nhân cách đây 30 năm.

Theo Thời báo New York, cũng giống như máy tính, ban đầu máy in 3D đã chứng tỏ rất có giá trị trong doanh nghiệp và nó to hơn cả một chiếc tủ lạnh. Nhưng những mẫu máy in 3D để bàn rẻ hơn đã xuất hiện. Những người theo thuyết vị lai và những người ủng hộ in 3D hiện đang hình dung ra một thế giới, trong đó bất kỳ ai có ý tưởng về một công cụ giúp tiết kiệm sức lao động, hoặc giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian làm bếp – đơn giản chỉ cần in sáng tạo của họ ra.

Bre Pettis, giám đốc điều hành hãng MakerBot ở New York đã dẫn đầu xu hướng sản xuất máy in 3D cho thị trường tiêu dùng. Ông đã nhìn ra cách công nghệ này đang được áp dụng như thế nào. Một cơ sở dữ liệu có tên gọi là Thingiverse mà MakerBot quản lý đã được chia sẻ cho mọi người, nó chứa hơn 36.000 thiết kế để mọi người có thể tải về.

"Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi với Thingiverse là một người bố có cô con gái cao 41 inch (khoảng trên 1 mét). Họ đến một công viên giải trí và cô bé không thể tham gia trò chơi nào bởi chiều cao tối thiểu yêu cầu là 42 inch. Vì thế, người cha đã tạo ra những đôi giày chỉnh hình cho con gái", Pettis kể.

Mùa thu năm ngoái, MakerBot đã mở ra cái gọi là gian hàng bán lẻ máy in 3D đầu tiên tại New York. Trong đó, các mẫu được trưng bày là Replicator 2, một chiếc máy gọn gàng có khung bằng thép, kích thước bằng một chiếc lò vi sóng và được bán với giá 2.200 USD. Nó liên tục in, biến các tệp tin được tạo ra trên Trimble SketchUp và phần mềm thiết kế CAD thành những mô hình hoặc các loại vỏ smartphone.

Emmanuel Plat, giám đốc kinh doanh của chi nhánh bán lẻ của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại nói rằng xem máy in 3D hoạt động có thể mang lại một sự ngạc nhiên lớn cho tương lai. "Khi mọi người nhìn thấy chức năng của máy, họ sẽ bị thôi miên ngay", ông nói.

Nhưng dù máy in 3D tạo ra sự phấn khích, quyến rũ hay thôi miên người xem, thì vẫn còn một khoảng cách lớn giữa tiềm năng của nó với thực tế hiện tại. Có khoảng 15.000 người đầu tiên đã mua máy in MakerBot, và họ chủ yếu là các nhà thiết kế chuyên nghiệp, hoặc là những người vận động hành làng cho máy in 3D, chứ không có ai là người tiêu dùng bình thường.

Và những thứ được in ra vẫn chỉ là đồ chơi, tay cầm chìa khoá hoặc là những mẩu nhựa màu sắc có các hình dáng khác nhau. Ông Drumm đã mua một chiếc máy in 3D cách đây vài năm. Sau khi lắp ráp máy – đây là một nhiệm vụ phức tạp yêu cầu người làm phải có kiến thức, ông và cậu con trai 6 tuổi đã in ra một cái mở nắp chai. "Mất 45 phút và nó cũng khá xấu, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy thích thú", ông Drumm nó.

Ông Pettis đánh cược rằng các bậc phụ huynh sẽ mua máy in 3D cho con cái như gia đình ông từng mua chiếc máy tính Commodore 64 hồi đầu những năm 1980. Máy in 3D là hiện thân của tương lai, ông nói, và "với mức giá của một chiếc laptop, máy in 3D mang lại một nền giáo dục cho sản xuất".

Nhưng với giá 2.200 USD, một chiếc máy in 3D Replicator 2 đắt hơn hầu hết laptop, và các gia đình có thể sử dụng số tiền đó vào rất nhiều việc khác.

Khi ông thiết kế Printrbot, đó là một trong những thứ mà ông Drumm đã nghĩ. Ông muốn chiếc máy phải dễ lắp ráp và không yêu cầu người dùng phải có kiến thức, nhưng trên hết là nó phải rẻ. "Tôi nghĩ rõ ràng nó không thể có giá 1.200 USD hay thậm chí là 800 USD", ông nói. Ông đặt ra mức giá của một chiếc máy in 3D phải là khoảng 550 USD. Ông còn nói thêm là "mọi người không biết họ sẽ làm gì với nó (máy in 3D)".

Max Lobovsky, một trong những nhà sáng tạo của Form 1, chiếc máy in 3D để bàn, đang rất băn khoăn với cả thiết kế lẫn chất lượng máy in. Ông nói rằng máy in 3D gia đình đang trong giai đoạn tiến hoá nguyên sinh. "Không phải là chuyện công nghệ hay chi phí", Lobovsky nói. "Những chiếc máy phải dễ sử dụng hơn, mang lại nhiều ứng dụng hơn cho gia đình. Tôi nghĩ những điều này vẫn chưa có được với máy in 3D ngày nay".

Ông cùng với đối tác là Natan Linder đã hình dùng Form 1, có bán với giá 3.300 USD, như một chiếc máy in 3D có mức giá vừa phải dành cho các chuyên gia. Tháng 9 năm ngoái, họ đã gây quỹ được hơn 2,9 triệu USD, cho thấy có sự ủng hộ nhiệt tình cho thị trường này. Họ nhận thấy công nghệ in 3D đang phát huy tác dụng với các tập đoàn, kỹ sư, kiến trúc sư.

"Sẽ còn phải ra đời thêm một số mẫu máy in cải tiến nữa, thì lúc đó máy in 3D mới có thể được sử dụng trong mỗi hộ gia đình", ông Lobovsky nói.

Hoàng Lan

Chủ đề khác