VnReview
Hà Nội

Tế bào gốc con người lần đầu tiên được nhân bản

Gần hai thập kỷ trước, các nhà khoa học đã thành công trong việc nhân bản cừu Dolly. Hiện tại, quá trình tương tự đã cho phép chúng ta lần đầu tiên có thể nhân bản tế bào gốc phôi từ tế bào da của phôi thai người. Nhờ quá trình này, việc tạo ra các bản sao của con người có vẻ như sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Các nhà khoa học đã thực hiện thành công quá trình nhân bản vô tính kể từ sự ra đời của chú cừu Dolly. (Cừu Dolly (5/7/1996 - 14/2/2003) là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới). Tuy nhiên, việc nhân bản các tế bào của con người khó khăn hơn rất nhiều so với việc nhân bản các tế bào của một loài động vật nào đó. Một phần là do việc thử nghiệm quá trình này không hề dễ dàng và đòi hỏi tính cẩn thận cực kỳ cao.

Trang tin Gizmodo cho biết thành tựu mang tính đột phá này được thực hiện bởi Shoukhrat Mitalipov cùng các đồng nghiệp đến từ trường Đại học Y và Khoa học Oregon (Mỹ). Mitalipov và cộng sự đã tận dụng một kỹ thuật gọi là chuyển nhân (nuclear transfer). Chuyển nhân là quá trình lấy một tế bào (trong trường hợp này là tế bào da) và chèn nó vào một tế bào trứng đã bị loại bỏ ADN, sau đó tế bào này sẽ tham gia vào quá trình phân chia. Hiểu một cách đơn giản, quá trình này là thay vì thụ tinh với một tinh trùng thì một tế bào trứng sẽ thụ tinh với một tế bào loại khác hoàn chỉnh.

Nếu được cho phép để tiếp tục phát triển, tế bào gốc có thể tạo ra một bản sao hoàn chỉnh của phôi thai người. Phương pháp này đã được áp dụng thành công trước đó, bao gồm cả trường hợp của cừu Dolly năm 1996. Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa bao giờ làm việc với các tế bào của con người.

Theo tư liệu của tạp chí Cell, ông Mitalipov và cộng sự đã thành công trong việc sử dụng tế bào da của một bào thai người như một thành phần của quá trình thụ tinh, tạo ra một tập hợp các tế bào gốc có thể tiếp tục phát triển thành một bản sao vô tính của con người. Tuy nhiên, đó không phải là mục đích của nghiên cứu nói trên. Các tế bào này dự kiến sẽ được dùng trong công tác điều trị y tế như điều trị thần kinh và tổn thương tim.

Lần đầu tiên nhân bản tế bào gốc của con người

Mitalipov cho rằng sở dĩ công trình khoa học của ông có được thành công là nhờ hai yếu tố. Thứ nhất là các trứng tham gia vào thí nghiệm là những trứng khỏe mạnh. Trước đây trứng được sử dụng cho các thí nghiệm như thế này là "đồ thừa" từ các phòng khám IVF (thụ tinh nhân tạo). Thứ hai là nhờ có những cách tiếp cận công nghệ chuyển nhân mới với một vài bước điều chỉnh nhỏ. Những yếu tố trên đã nâng cao năng suất và chất lượng thí nghiệm, tạo ra bốn dòng tế bào gốc từ mỗi tám trứng.

Mitalipov cho biết: "Chúng tôi biết lịch sử đã có những thất bại, một số phòng thí nghiệm hợp pháp đã cố gắng nhưng không thể thực hiện thành công. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ cần khoảng 500 đến 1.000 trứng để tối ưu hóa quá trình và dự đoán nó sẽ là một nghiên cứu dài có thể mất nhiều năm. Nhưng trong thử nghiệm đầu tiên chúng tôi có một túi phôi và trong vòng một vài tháng, chúng tôi đã có một dòng tế bào gốc (phôi). Chúng tôi đã không thể tin được."

Lần đầu tiên nhân bản tế bào gốc của con người

Thành tựu khoa học này mang một ý nghĩa rất lớn, trên cả hai phương diện y học và đạo đức. Trong quá khứ, đã có nhiều nhà khoa học thử nghiệm các quá trình nhân bản mà tránh các trường hợp liên quan đến vấn đề đạo đức như như tạo ra tế bào thai người, nhưng gần như không trường hợp nào trong số đó đáng tin cậy như thế này. Phương pháp này có thể hoạt động với các tế bào da của người lớn, loại bỏ bào thai từ phương trình. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì.

Nhưng hơn hết, quá trình nhân bản này hứa hẹn sẽ hỗ trợ điều trị tất cả các loại bệnh thoái hóa, mặc dù con đường phía trước có thể rất dài và khó khăn, liên quan đến rất nhiều tiêu chuẩn về y học và pháp lý. Tuy nhiên, đây vẫn là một bước tiến lớn đối với khoa học và cho cả những người mong muốn được tồn tại mãi mãi thông qua bản sao nhân bản của mình.

Quang Sáng

Chủ đề khác