VnReview
Hà Nội

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Thang máy tới mặt trăng – đó là giấc mơ của biết bao thế hệ, đồng thời cũng là ý tưởng điên rồ nhất mà người ta có thể nghĩ ra. Nhưng cũng nhiều năm qua, những lời đồn đại cho rằng Google X – phòng thí nghiệm của Google đang nghiên cứu chiếc thang đó.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Có thể khẳng định chắc chắn, Google X không hề thực hiện một chiếc thang máy lên mặt trăng. Nhưng điều đó không làm mất đi tin đồn về những sáng chế không tưởng của phòng thí nghiệm bí mật này, như dự án dùng khinh khí cầu để đưa mạng Internet tới những vùng xa xôi.

Bài viết của tác giả Brad Stone trên Bloomberg Businessweek sẽ giúp độc giả khám phá thêm về Google X, cùng với những con người đã tạo nên nền tảng cho phòng thí nghiệm này.

Tháng Hai vừa qua, Astro Teller, giám đốc của Google X; đã tới gặp CEO Larry Page để yêu cầu được phê chuẩn một vụ mua bán. Teller đề nghị Google nên mua lại Makani Power, một công ty đang phát triển một loại tua-bin gió mới, được gắn trên những phi cơ không người lái, neo lại như những con diều. Teller đã nói với Page rằng công ty này đang thu được những kết quả rất khả quan, và, ông nói thêm một cách rất tự hào, rằng phiên bản mẫu đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra chất lượng.

CEO Page đã chấp thuận đề nghị của Google X về việc mua lại Makani, và mọi việc đã xong xuôi. Nhưng ông cũng có một yêu cầu. "Ông ấy nói rằng chúng tôi có thể tiêu tốn tiền của và nhân lực cho việc này" – Teller nói – "Nhưng chúng tôi phải đảm bảo sẽ cho ra đời ít nhất năm thiết bị mới trong tương lai gần".

Các nhà khoa học và kỹ sư làm việc ở đây thường nói Google X là một phòng thí nghiệm dành cho những dự án yêu cầu một nguồn vốn khổng lồ, lòng tin và tinh thần sẵn sàng phá bỏ mọi thứ. Google X là ngôi nhà của những sáng kiến như ô tô tự lái hay Google Glass, cùng hàng loạt các dự án không tưởng khác.

Nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất chính là bản thân phòng thí nghiệm. Nhờ có X, Google đã tạo ra một phòng thí nghiệm có thể đưa ra những ý tưởng nghe giống như trong các bộ phim viễn tưởng, hơn là những sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu ngắn hạn của các cổ đông.

"Google X đã rất chăm chú nghiên cứu những thứ mà bình thưởng Google không bao giờ làm"– theo Richard De Vaul, một "người đánh giá" làm việc tại Google X – "Họ làm cả những bệ phóng tên lửa ở xa nhà máy, để nếu nó có nổ thì cũng không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh".

"Bất cứ điều gì đang là vấn đề lớn đối với loài người chúng tôi đều quan tâm đến, nếu như chúng tôi có thể tìm ra cách để giải quyết nó"– Teller nói.

 

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

"Bất cứ điều gì đang là vấn đề lớn đối với loài người chúng tôi đều quan tâm đến"

Google X mong muốn tiếp bước những phòng thí nghiệm cổ điển, như dự án Manhattan – đã chế tạo ra bom nguyên tử, và Bletchley Park – nơi các mật mã viên đã bẻ khóa mã cipher của người Đức và tạo tiền đề cho mật mã học hiện đại. Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, tinh thần của những nghiên cứu trên đã được các công ty thừa hưởng. Phòng thí nghiệm AT&T Bell Labs và Xerox PARC là những ví dụ cho sự đột phá (với những phát minh như transistor hay máy tính cá nhân) và sự bất lực của các công ty trong việc tư nhân hóa chúng.

Đó là thế kỷ trước. Hiện giờ, ngân sách của NASA đã bị cắt giảm 11% kể từ năm 1990. Các công ty cũng rút lui khỏi lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chỉ chú trọng vào việc mua các sáng kiến mới của các công ty khởi nghiệp. "Tôi rất bi quan" – John Seely Brown, cựu giám đốc của PARC, nói – "Thật là sốc khi biết các nghiên cứu đã bị bỏ bê đến mức nào. Chúng ta không hề ý thức được việc người Trung Quốc đang đuổi kịp nhanh như thế nào. Tôi nghĩ chúng ta đã quá tự mãn".

Google X, nằm cách trụ sở của Google khoảng 1km, là một trường hợp ngoại lệ. Phía trước phòng thí nghiệm là một thác nước và một dãy xe đạp được công ty cung cấp để nhân viên sử dụng. Phía trong tòa nhà, các tấm kinh mờ che phủ toàn bộ cửa sổ của phòng hội nghị. Một chiếc "xe đua tự động" được đỗ ở sảnh. Chiếc xe thực chất không chạy được, nó chỉ là một trò đùa của ngày Cá tháng Tư. Các tấm bảng dọc hành lang được phủ kín các bản vẽ về một ước mơ của nhiều thế hệ: thang máy đi vào không gian. Các hãng truyền thông đã suy đoán rằng Google X có thể đang thực sự nghiên cứu một dự án tương tự. Điều đó là không đúng, nhưng các nhân viên Google vẫn chấp nhận giả thuyết đó, và điều này khiến cho mọi người vẫn tiếp tục đoán mò.

Ngồi trên một chiếc xe không người lái của Google thực sự là một thử thách về lòng tin. Đó là một chiếc Lexus RX450h với một máy đo khoảng cách trên mui xe, lướt với tốc độ 90km/h trên đại lộ đông đúc của thung lũng Silicon. Khi chiếc xe lượn ra khỏi con đường, Chris Urmson, trưởng dự án xe ô tô tự hành, nói: "Google tin tưởng và cho phép chúng tôi làm những điều mà ở trường học là không thể". Hai nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin nghĩ rằng chỉ sự phát triển bình thường là không đủ. Yếu tố dẫn tới thành công là mạnh dạn làm những điều không thể và đưa những điều đó vào cuộc sống.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

"Sự phát triển bình thường là không đủ"

Năm ngoái, Brin, giám đốc dự án đặc biệt của Google, dự đoán chiếc xe tự hành của Google sẽ ra mắt thị trường trong 5 năm tới. Urmson gọi thời hạn đó là "thú vị" và tự đề ra mục tiêu của mình: "Tôi có một đứa con trai 9 tuổi, và 7 năm nữa nó sẽ có bằng lái xe" – ông nói – "vì vậy tôi phải làm tốt hơn thế".

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Mô hình xe tự động của Google X

Nếu không vì chiếc xe tự hành đó, có lẽ đã không có cái gọi là Google X. Phòng thí nghiệm này là kết quả của lần gặp gỡ năm 2005 giữa Page và Sebastian Thrun, nhà khoa học máy tính ở Đại học Stanford. Khi đó một nhóm các sinh viên của Thrun đang đưa một phương tiện tự động đi qua con đường đầy chướng ngại của sa mạc Mojave. Hai người đàn ông cùng chia sẻ một niềm tin vào trí tuệ nhân tạo và robot đã trở thành bạn. Hai năm sau, Page đã thuyết phục Thrun và một vài sinh viên của ông tới hỗ trợ dự án bản đồ Street View.

Thrun rất thất vọng về cuộc sống ở đại học, nơi mà các vị giáo sư được khuyến khích đưa ra các bài báo hơn là sản phẩm. Ông đã bắt đầu dự án xe ô tô tự hành ở Google vào đầu năm 2009. Page và Brin đã đưa ra mục tiêu cho ông: chế tạo một chiếc xe có thể tự đi 1.600km trên đường cao tốc và đường thành thị. Thrun và khoảng một tá cộng sự đã hoàn thành mục tiêu đó trong 15 tháng. Chiếc ô tô của họ đã vượt qua được những con đường đông nghịt ở Los Angeles và thung lũng Silicon, và làn dưới của cây cầu San Francisco-Oakland, nơi mà ô tô không thể truy cập dịch vụ GPS.

Do mọi việc diễn ra vượt quá sự mong đợi, Thrun, Page và Brin bắt đầu nghĩ tới việc mở rộng dự án thành một phòng thí nghiệm đầy đủ trang thiết bị. Đối với Page và Brin, đó là cách để thỏa mãn mối quan tâm tới công nghệ bên cạnh ngành kinh doanh chính là tìm kiếm, đồng thời giữ được ngọn lựa nhiệt tình của Thrun.

"Các nhà sáng lập của Google đã rất ấn tượng với khả năng của Sebastian"– Teller nói – "Google X về một khía cạnh nào đó chính là ngôi nhà dành cho xe tự hành, và là một sự cám dỗ đối với Thrun theo đúng nghĩa đen."

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Sebastian Thrun (trái) và Babak Parviz, cha đẻ của ô tô tự lái và Google Glass

Thrun muốn tập trung vào những dự án có thể trở thành sản phẩm thương mại và để các tài năng tự do đến và đi. Thrun nói rằng ông đã tính đến việc đổi tên phòng thí nghiệm thành Google Research Institute – Viện nghiên cứu Google, nhưng cái tên đó mang tới cảm giác trì trệ mà ông muốn tránh. Google X – ông nói – là một biến số luôn cần được giải đáp.

Brin ban đầu muốn phòng thí nghiệm mới tập trung nguồn lực của mình vào việc sáng chế phần cứng. Tháng Một năm 2010, hội đồng quản trị của công ty đã thành lập Google X. Không rõ số tiền dành cho Google X là bao nhiêu, nhưng chi phí nghiên cứu và phát triển trong năm qua của Google là 6,8 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2010.

Google Glass là dự án thứ hai của Google X. Babak Parviz, giáo sư ở trường Đại học Washington, đã thu hút sự chú ý của Brin và Page qua môt bài báo về tính khả thi của việc sử dụng kính áp tròng điện tử có thể chiếu thẳng hình ảnh vào mắt người dùng, và đây chính là nguồn gốc của chiếc Google Glass.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Một bản thiết kế mẫu của Google Glass

Phiên bản Google Glass đầu tiên là một cái khung nặng 5 kg treo trên đầu người dùng, gắn với một loạt dây cáp nối từ đầu xuống một chiếc hộp treo ở dây lưng. Phiên bản Glass hoàn thiện nặng bằng một chiếc kình bình thường và có vẻ an toàn hơn. Thiết bị này có một màn hình với độ nét tương đương HD nằm ở mắt phải, có khả năng chụp ảnh, quay video, gửi thư điện tử và khiến cho người chủ của nó trông khá kỳ cục! Giới phê bình đã cường điệu hóa dáng vẻ buồn cười của chiếc kính, nhưng quan trọng hơn, chiếc kính này tiềm ẩn khả năng theo dõi lén lút người khác. Nhưng Parviz muốn thế giới nhìn nhận Glass theo cách nhìn của Google: mục đích của nó là nhằm giúp mọi người truy cập thông tin nhanh hơn và "về cơ bản thay đổi cách thức nhận biết của con người".

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Phiên bản hiện tại trông vừa thời trang, vừa mang nét viễn tưởng

Mặc dù còn non trẻ, nhưng Google X đã có một nghi lễ truyền thống. Khi một dự án thành công và vượt ra khỏi tầm của phòng thí nghiệm, hoặc thất bại, các nhân viên sẽ họp lại để tiến hành nghi thức tốt nghiệp cho những người thuộc dự án, với giấy chứng nhận, mũ tốt nghiệp và một bức thư "X" – để gửi lời chào tạm biệt tới họ. Năm ngoái một nhóm nghiên cứu đã "tốt nghiệp" sau khi hoàn thành một mạng nơron với hàng nghìn máy tính, có thể học từ mạng Internet.

Thrun cũng đã từng "tốt nghiệp" ở Google X vào năm 2012. Ông đã rời khỏi đó để thành lập công ty Udacity, chuyên đưa ra khóa học đại học trên mạng. Thrun nói rằng mục tiêu của Udacity là "tập trung giải quyết vấn đề của con người hơn là vấn đề công nghệ, và điều này không phù hợp với tôn chỉ của Google X". Thrun vẫn giữ vai trò một người giám sát ở Google X, nhưng Teller đã tiếp quản vị trí quản lý của Thrun.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Astro Teller, giám đốc Google X

Trong những năm đầu, trực giác của Thrun và nguồn đầu tư từ Page và Brin là những nhân tố quyết định. Teller chính là người đầu tiên xác định rõ mục tiêu của Google X, qua một cuộc nói chuyện với Page. Teller đã cố gắng làm rõ mục đích của phòng thí nghiệm và hỏi Page rằng: "Liệu đây có phải là một trung tâm nghiên cứu?""Không, nghe buồn chán quá" – Page trả lời – "Liệu nó có phải là tiền đề cho một công ty mới?""Không".

Cuối cùng Teller nói: "Vậy chúng ta sẽ khám phá ra những điều hoàn toàn mới?" và Page trả lời: "Đúng. Chính xác!"

Teller hay nói những điều như là: "Chúng tôi rất nghiêm túc về việc biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn" với một thái độ rất nghiêm túc. Ông so sánh phòng thí nghiệm Google X với xưởng sản xuất socola Willy Wonka, một công xưởng ma thuật cần phải được tách biệt khỏi những con mắt phán xét của dư luận.

Teller giờ đang ở tuổi 42, vẫn để tóc đuôi gà, chòm râu dê và có một dòng họ với rất nhiều người thông minh, nổi tiếng. Ông ngoại của Teller, Gerard Debreu, từng đoạt giải Nobel kinh tế, còn ông nội của ông, nhà vật lý danh tiếng Edward Teller, đã từng làm việc trong dự án Manhattan và được coi là cha đẻ của bom nguyên tử. Teller từng rất thân thiết với Edward, nhưng người ông đã mất vào năm 2003. Rắc rối của Edward sau Thế chiến thứ Hai là ông đã bị cộng đồng khoa học tẩy chay vì đứng ra làm chứng chống lại J. Robert Oppenheimer. "Điều đó luôn nhắc nhở tôi rằng hãy luôn làm những gì mà bạn thích" – Teller nói. Ông nội của ông "đã dành phần lớn thời gian để làm một nhà chính trị trong khoa học và một nhà tổ chức bởi vì ông tin điều đó có ý nghĩa với chế độ dân chủ và loài người. Nhưng ông thực sự muốn thu mình vào một góc và làm một nhà khoa học bình thường.".

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Solve for X, hội nghị thường niên của Google để tìm kiếm những ý tưởng lớn

 Teller đã đưa lối suy nghĩ của mình vào Google X. Tháng Ba vừa qua, ông đã phát biểu tại một hội nghị ở Austin, Texas: "Thế giới không hề bị giới hạn bởi IQ. Chúng ta chỉ bị giới hạn bởi sự sáng tạo và lòng dũng cảm". Năm ngoái, ông đã tổ chức hội nghị thường niên "Solve for X" (giải pháp cho X) – một hội nghị kéo dài hai ngày rưỡi thu hút hàng trăm các ý tưởng lớn. Tại hội nghị năm nay diễn ra vào tháng Hai ở khu resort CordeValle, các diễn giả đã trình bày các ý tưởng về robot bơm hơi, máy phân tích mắt có thể phát hiện sớm bệnh Alzheimer, và lò phản ứng hạt nhân tổng hợp. "Chỉ có một điều chắc chắn: nếu chúng ta không thử, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả" – theo Charles Chase, một nhà quản lý dự án.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

 

Mô hình tuabin gió phát điện Makani Power Wing 7

Trong thực tế, một vài dự án của Google X nghe có vẻ rất kỳ lạ. Mẫu tuabin gió mới nhất của Makani Power, có tên gọi Wing 7, là một chiếc máy kỳ cục làm từ sợi cacbon, đi kèm với bốn cánh quạt điện bay lơ lửng ở độ cao từ 200 đến 600m, truyền năng lượng qua một dây dẫn xuống trạm điện. "Nếu thành công chúng ta có thể giảm bớt một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch bị tiêu thụ" – theo Damon Vander Lind, giám đốc công tyMakani Power. Vander Lind ý thức được rằng chiếc máy có thể không hoạt động, nhưng "Nếu bạn không nắm lấy cơ hội này, và thời gian để thử làm nó, thì sẽ không có cái gì được tạo ra cả".

Mô tả hoạt động thiết bị của Makani Power

Và còn dự án bí mật của Google X nhằm đưa Internet tới những vùng xa xôi hẻo lánh trên thế giới nữa. Một thập kỷ trước, David Grace, một nhà nghiên cứu ở Đại học York, khởi xướng một dự án nhằm đưa những đường truyền băng thông rộng lên những khí cầu ở độ cao lớn, như là một phần của sáng kiến đa quốc gia được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu. Sáng kiến này chưa bao giờ vượt qua được giai đoạn thử nghiệm. Nhưng giờ Grace nghe nói rằng Google cũng đang nghiên cứu về công nghệ này.

Tháng vừa rồi, Chủ tịch của Google, ngài Eric Schmidt gây ngạc nhiên khi thông báo rằng "cuối thập kỷ này, tất cả mọi người trên Trái Đất sẽ đều được kết nối Internet". Nhiều người ngay lập tức chỉ rarằng hiện có tới 60% dân số thế giới chưa được sử dụng mạng và có rất nhiều quốc gia không có mạng lưới truyền thông ổn định. Teller không hề xác nhận hay thậm chí đề cập đến vấn đề đó, mặc dù ông công nhận rằng việc kết nối toàn thế giới có thể nằm ngoài khả năng của Google X. Grace nói: "Điều này thật sự cần nhiều công ty như Google để có thể phát triển".

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

 "Nhà máy của những ý tưởng kỳ quặc"

Hàng ngày, Teller điều hành các dự án ở Google X và báo cáo lại với Brin. Đồng nghiệp nói rằng kể từ khi Page lên làm CEO vào cuối năm 2011, Brin dành phần lớn thời gian để đắm mình vào những dự án của Google X. Một điểm đặc biệt của Brin là mặc dù ông thường nói chuyện với giọng điệu buồn tẻ, nhưng khi ông tự nói chuyện một mình, ông có thể xây dựng cả một ngôi nhà chỉ bằng trí tưởng tượng. Xe tự hành nghe có vẻ giống một trò lừa bịp, ông nói, nhưng khi bạn xét đến việc thời gian mọi người có thể tiết kiệm cho việc điều khiển xe, thế giới sẽ trở nên hoàn toàn khác. Người cao tuổi và người mù sẽ dễ dàng tương tác với thế giới. Những tai nạn giao thông chết người sẽ không còn nữa. Mọi người sẽ có thêm thời gian để làm việc, đọc sách, tán gẫu hoặc lướt web. Nếu những điều đó trở thành hiện thực – một viễn cảnh tuyệt vời – thì Brin sẽ là một trong số ít những doanh nhân đã thay đổi thế giới đến hai lần.

Google X – phòng thí nghiệm bí mật của Google

Sergey Brin với chiếc kính Google Glass

Sự hiện diện của Brin là một tài sản quý giá đối với Google X. "Ở những công ty khác, bạn khó có thể thấy một vị phó chủ tịch quan tâm đến việc thu hút nhân tài từ mọi nơi" – theo DeVaul, người đã từng giúp Teller khảo sát những dự án mới có tính khả thi. "Sự tham gia trực tiếp của Sergey là một trong những động lực hỗ trợ các nhân viên ở đây". Và như một hệ quả tất yếu, Google X đang phát triển cả về tham vọng lẫn đội ngũ những nhà khoa học tài năng. Gần đây nhiều nhà khoa học, tới từ những đơn vị tên tuổi như MIT hay LapCorp, đã gia nhập Google X để nghiên cứu những dự án mới.

Sự phát triển của Google X là đủ để khiến một vài nhà đầu tư của Google cảm thấy đau đầu. Brian Wieser, một nhà phân tích đã gọi Google X là một "cơn đau đầu dễ chịu" của các cổ đông nhưng cũng băn khoăn không hiểu tại sao Google không đăng ký bằng sáng chế cho những phát minh như Google Glass.Những nhà đầu tư khác vẫn nhớ rằng chính sự tò mò của hai vị chủ tịch đã dẫn tới thắng lợi trong các lĩnh vực kinh doanh mà lúc đầu có vẻ không hứa hẹn –Android chẳng hạn, hiện hệ điều hành này đang được sử dụng bởi 75%  số smartphone toàn thế giới. "Đó là một đặc điểm giúp họ không ngập ngừng trước những thay đổi".

Teller nói rằng ông muốn Google X được đánh giá không chỉ bởi khả năng sinh lời mà còn bởi những đóng góp trong lĩnh vực năng lượng sạch, kết nối thế giới, hay những dự án khác của nó. Hiện giờ Google X sẽ nhận thêm hai hoặc ba dự án mới mỗi năm.

 "Chúng tôi vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu. Chúng tôi vẫn đang tìm ra cách giải quyết các vấn đề, như làm thế nào để kết thúc một dự án hoặc mở rộng nó khi chúng tôi thấy rằng cần đưa nó sang giai đoạn tiếp theo.

Nếu có vấn đề gì lớn xảy ra với thế giới, và chúng tôi có thể tự thuyết phục mình rằng sẽ tốn một khoảng thời gian để giải quyết vấn đề này, thì chúng tôi không cần một kế hoạch kinh doanh nào hết. Chúng tôi nên tập trung vào việc biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, và khi làm được điều đó, tiền sẽ tự đến với chúng tôi".

Anh Minh

Chủ đề khác