VnReview
Hà Nội

Trẻ có ba bố mẹ đẻ: Sự suy đồi hay tiến bộ?

Anh Quốc đang đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên cho phép tạo ra các em bé có DNA của 3 người, sau khi chính phủ chính thức bật đèn xanh cho một công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới. Tuy nhiên, có ý kiến phản đối, cho rằng nước Anh bắt đầu "trượt trên đường suy đồi", mở cửa cho các loại hình biến đổi gen khác.

1

Theo BBC, chính phủ Anh sẽ bắt đầu soạn thảo các luật lệ liên quan tới công nghệ này vào cuối năm nay. Chu trình thụ tinh trong ống nghiệm với DNA của 3 người sẽ được đưa ra trong vòng 2 năm tới. Các chuyên gia cho biết việc thụ tinh trong ống nghiệm với DNA của 3 người sẽ giúp loại bỏ các bệnh liên quan tới ti thể có thể gây chết người do mẹ truyền sang con.

Những người phản đối công nghệ này cho rằng đây là một cách làm "vô đạo đức" và có thể khiến nước Anh bắt đầu "trượt trên con đường suy đồi". Họ cũng cho rằng những cặp đôi bị ảnh hưởng có thể nhận nuôi trẻ em hoặc sử dụng trứng được hiến tặng để thay thế.

Các ti thể là các "trạm điện" siêu nhỏ tạo ra sức sống cho con người. Chúng được truyền từ mẹ sang con, thông qua trứng.

Các ti thể bị lỗi ảnh hưởng tới 1 trong số 6.500 trẻ em sinh ra. Các ti thể bị lỗi có thể khiến cơ thể thiếu năng lượng, gây ra yếu cơ, mù mắt, suy tim và tử vong trong các trường hợp tồi tệ nhất.

Nghiên cứu mới cho rằng việc sử dụng các ti thể từ trứng được hiến tặng có thể chống được loại bệnh này. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 10 cặp vợ chồng được hưởng lợi từ cách điều trị này. Tuy vậy, công nghệ này sẽ tạo ra những em bé có DNA từ cả 2 cha mẹ ruột của mình và một lượng nhỏ DNA từ người thứ ba, do các ti thể chắc chắn có DNA của riêng chúng.

Người mẹ mất tất cả những đứa con của mình

2

Mỗi lần Sharon Bernardi mang thai, cô đều hi vọng sẽ sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh.

Nhưng tất cả 7 đứa con của cô đều chết vì một căn bệnh hiểm nghèo hiếm gặp, gây ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh trung ương. 3 trong số 7 bé đã chết chỉ vài giờ sau khi sinh.

Khi đứa trẻ thứ 4 (tên gọi Edward) của Bernardi được sinh ra, các bác sĩ phát hiện ra căn bệnh này đến do các ti thể bị lỗi của Sharon gây ra. Edward được điều trị bằng thuốc và truyền máu nhằm chống lại chứng acid lactic (một loại ngộ độc máu) vốn đã giết chết những người anh chị em của cậu.

5 tuần sau Sharon và chồng của mình, Neil, được phép đưa Edward về nhà để đón Giáng sinh, song sức khỏe của cậu sớm trở nên tồi tệ. Cậu sống sót đến tuổi trưởng thành và đến năm 2011, Edward đã qua đời ở tuổi 21.

Hiện nay, Sharon đang ủng hộ các nghiên cứu khoa học cho phép thay thế các ti thể bị lỗi bằng DNA từ một người phụ nữ khác.

"Một vấn đề rõ ràng là nhạy cảm"

Đầu năm nay, một hội thảo công khai của Cơ quan Thụ tinh và Phôi sinh học ở người (HFEA) đã kết luận rằng việc thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng DNA của 3 người "nói chung là được ủng hộ" và không có bằng chứng nào cho thấy kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm trên là không an toàn.

Quan chức y tế hàng đầu của Anh Quốc, giáo sư Dame Sally Davies, cho biết: "Các nhà khoa học đã phát triển ra một kỹ thuật đột phá mới cho phép chống lại các bệnh tật bị truyền từ mẹ sang con, đem lại hi vọng cho nhiều hi vọng cho các gia đình mong muốn bảo vệ con mình khỏi các bệnh di truyền".

"Việc chúng ta đưa ra cách điều trị có thể cứu sống sinh mạng của nhiều người này ngay khi có thể là hoàn toàn đúng đắn".

Giáo sư Davies chi biết "rõ ràng có nhiều vấn đề nhạy cảm" song cũng chỉ ra rằng đứng từ góc độ cá nhân, bà cảm thấy "rất thoải mái" với việc thay đổi ti thể.

Các nhà khoa học đã tạo ra 2 kỹ thuật cho phép họ lấy thông tin gen từ người mẹ và đưa vào bên trong trứng của một người hiến tặng có ti thể khỏe mạnh.

3

Phương pháp sửa bào thai: 1) Hai trứng được thụ tinh, tạo ra một bào thai từ cha mẹ ruột và một bào thai từ người hiến tặng. 2) Tiền nhân (pronucleus – bộ phận chứa thông tin di truyền) sẽ được tách rời khỏi cả 2 bào thai song chỉ có tiền nhân của cha mẹ ruột được giữ lại. 3) Một bào thai khỏe mạnh được tạo thành bằng cách đưa tiền nhân của cha mẹ ruột vào bào thai của người hiến tặng, sau đó bào thai này được đưa vào tử cung của người mẹ ruột.

4

Phương pháp sửa trứng: 1) Trứng từ người mẹ có ti thể bị lỗi và người hiến tặng có ty thể khỏe mạnh được thu thập. 2) Phần lớn các thông tin di truyền bị bỏ khỏi 2 mẫu trứng. 3) Thông tin gen của người mẹ được đưa vào trong trứng của người hiến tặng. Sau đó trứng khỏe mạnh sẽ được thụ tinh.

Kết quả là một đứa trẻ có thông tin di truyền của 3 người. Đứa trẻ này sẽ có 2000 gen từ cha mẹ ruột của mình và 37 gen ti thể từ người hiến tặng.

Đây là một thay đổi có thể gây ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, do thực tế các nhà khoa học sẽ thay đổi gen di truyền của con người. Sự phản đối đối với kỹ thuật này đã xuất hiện ngay từ khi nó mới ra đời.

Tiến sĩ David King, giám đốc Trung tâm Cảnh báo Gen Con người, cho biết: "Các kỹ thuật này là không cần thiết, không an toàn và thực tế đã bị bác bỏ bởi phần lớn các phản hồi chuyên môn".

"Những đứa trẻ được thiết kế"

5

David King

"Đây là một thảm họa: một quyết định đi quá giới hạn có thể dẫn đến một thị trường ‘thiết kế' trẻ em lại được dựa trên những ý kiến hoàn toàn phiến diện và không đầy đủ". Tiến sĩ David King khẳng định, tuyên bố rằng bước đi trên đã "đi quá một giới hạn quan trọng về mặt đạo đức".

Một trong những quan ngại chính liên quan tới ;hội thảo của HFEA là bước đi này có thể dẫn tới việc đất nước Anh bắt đầu "trượt trên một con đường suy đồi", mở cửa cho các loại hình biến đổi gen khác.

Các quy định nháp sẽ được soạn thảo trong năm nay. Phiên bản cuối cùng sẽ được đem ra tranh luận và bỏ phiếu tại Quốc hội Anh vào năm 2014.

Đại học Newcaslte hiện đang phát triển một trong những kỹ thuật có thể được sử dụng cho việc thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng DNA của 3 người.

Giáo sư Doug Turnbull, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ti thể Wellcome Trust tại Đại học Doug Turnbull, cho biết ông "rất vui mừng". "Đây là một tin mừng dành cho những gia đình có bệnh về ti thể. Kỹ thuật này sẽ cho những người phụ nữ có gen bị mắc bệnh có thêm sự lựa chọn về mặt sinh sản và cơ hội sinh ra những đứa trẻ không bị bệnh ti thể. Tôi rất biết ơn những người đã ủng hộ nghiên cứu này", giáo sư Turnbull cho biết.

Những chi tiết cụ thể về các điều luật vẫn chưa rõ ràng, song theo dự kiến công nghệ gen này sẽ chỉ dành cho những trường hợp nghiêm trọng nhất. Rất có thể những đứa trẻ được sinh ra sẽ không được quyền biết ai là người hiến tặng trứng và bất kỳ đứa trẻ nào là sản phẩm của kỹ thuật gen này sẽ được theo dõi cẩn thận trong suốt cuộc đời mình.

Ngài John Tooke, chủ tịch Viện hàn lâm Y học Anh Quốc, cho biết "Việc đưa ra các luật lệ sẽ đảm bảo rằng không có bất kỳ một sự chậm trễ nào trong việc đưa cách điều trị này đến những gia đình bị ảnh hưởng, một khi có đủ bằng chứng về độ an toàn và hiệu quả. Đây cũng là một bước tiến tích cực trong việc đảm bảo Vương quốc Anh đứng ở tuyến đầu về các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực này".

Việt Dũng

Chủ đề khác