VnReview
Hà Nội

Trái Đất cũng có đuôi như Sao chổi

Trang tin công nghệ SlashGear cho biết mới đây Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiết lộ một thông tin rất thú vị: Hệ Mặt trời của chúng ta cũng có đuôi như Sao chổi.

Trước đây, chúng ta đã biết đến nhiều vật thể có đuôi như Sao chổi, các thiên thạch, các tiểu hành tinh... Những chiếc đuôi này được hình thành do bụi và băng trên các vật thể đó bị đốt cháy khi chúng nóng lên. Kết quả là các mảnh vỡ trở nên rời rạc và để lại dấu vết phía sau vật thể. Và như vậy, ngay cả Hệ Mặt trời của chúng ta cũng có một cái đuôi.

NASA đã phát hiện ra rằng toàn bộ Hệ Mặt trời bao gồm Trái đất và các hành tinh khác đều có đuôi riêng của mình với chiều dài khoảng 150 tỷ km. Ít ai ngờ rằng Hệ Mặt trời của chúng ta cũng đang bay trong vũ trụ giống như một ngôi sao chổi và để lại đằng sau dấu vết của bụi không gian và băng.

NASA tiết lộ Hệ Mặt trời cũng có đuôi

Tàu thám hiểm Ranh giới liên hành tinh (IBEX) của NASA hiện đang trong không gian và lập bản đồ các cạnh biên của Hệ Mặt trời. Cụ thể, IBEX gần đây đã lập được bản đồ ranh giới đuôi của nhật quyển, đó là điều mà trước đây chúng ta chưa làm được. Các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng đuôi của Hệ Mặt trời là có thật, nhưng phải cho đến nay thì chúng ta mới nhìn thấy được nó.

Đuôi của Hệ Mặt trời chính thức được gọi là "Heliotail," và nó được tạo thành từ các hạt chuyển động nhanh và chậm do Mặt trời giải phóng. Các hạt này thoát khỏi từ trường xung quanh Hệ Mặt trời và không thể nhìn thấy được bằng mắt thường cho đến khi chúng tiếp cận cạnh biên của từ trường này. Nhưng may mắn thay, NASA có thể phác thảo bản đồ mô tả quá trình này.

Các nhà khoa học, thiên văn học và các nhà nghiên cứu vẫn đang xác định chính xác độ dài của Heliotail. Bởi con số 150 tỷ km chỉ là một ước tính sơ bộ. Tuy nhiên, NASA có hầu hết các chứng cứ để xác nhận con số trên, và nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí The Astrophysical.

Quang Sáng
 

Chủ đề khác