VnReview
Hà Nội

Bão mặt trời có khiến cả thế giới diệt vong?

Thông tin cựu điệp viên CIA Edward Snowden tiết lộ cảnh báo hàng trăm triệu người sẽ chết trong tháng 9/2013 vì trận bão mặt trời chỉ là bịa đặt. Tuy nhiên, nó vẫn khiến không ít người hoang mang và tự hỏi về thảm hoạ khủng khiếp của bão mặt trời.

Sau đây là một số thông tin cơ bản về bão mặt trời là gì và tác hại của nó? Liệu bão mặt trời xảy ra có khiến "hàng trăm triệu người sẽ chết" hay "thế giới diệt vong" không?

Bão mặt trời là gì?

Bão mặt trời là một phản ứng nổ cực lớn trên Mặt trời, xảy ra khi năng lượng lưu trữ trong các trường điện tích (thường ở trên vệt đen mặt trời) đột nhiên được giải phóng.

Trong chỉ một vài phút, bão mặt trời đốt nóng mọi vật lên nhiều triệu độ và tạo ra một vụ nổ bức xạ qua quang phổ điện tử, bao gồm từ sóng radio đến các tia X-quang và tia gamma.

Các nhà khoa học phân loại các cơn bão mặt trời theo độ sáng của chúng trong các bước sóng tia X-quang. Bão mặt trời có các cấp là A, B, C, M hoặc X, trong đó các cơn bão mặt trời cấp X là cấp lớn nhất và cấp A là nhỏ nhất, và cứ cách mỗi cấp độ, cơn bão lại lớn hơn cấp độ trước 10 lần.

Những cơn bão mặt trời ở cấp X có thể gây ra những vụ mất tín hiệu radio lớn trên toàn thế giới, thậm chí là những cơn bão từ kéo dài ở trong thượng tầng khí quyển.

Các cơn bão cấp M là những cơn bão ở cấp độ trung bình, chúng có thể gây ra những vụ mất tín hiệu radio ở các vùng cực của Trái Đất. Bão mặt trời cấp M thỉnh thoảng gây ra các cơn bão từ nhỏ.

So với các cơn bão mặt trời cấp X và cấp M, bão mặt trời cấp C được đánh giá là nhỏ, hầu như không gây ra tác động gì đáng kể.

Các cấp bão mặt trời

Bão mặt trời khác với "các cơn phun trào cực quang" (coronal mass ejections – CME) hay còn gọi là Gió mặt trời. Người ta từng nghĩ gió mặt trời là do bão mặt trời gây ra. Song gió mặt trời thực chất là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời. (Khi gió này được phát ra từ những ngôi sao khác với Mặt Trời của chúng ta thì nó còn được gọi là gió sao - Wikipedia). Mặc dù một số cơn gió mặt trời thường xảy ra sau hiện tượng bão mặt trời, song giờ đây người ta đã hiểu hầu hết các cơn gió mặt trời không liên quan đến bão mặt trời.

Những thông tin trên rất quan trọng trong việc hiểu và dự đoán các tác động của hoạt động mặt trời trên Trái Đất và trong vũ trụ. Nếu gió mặt trời va chạm lên các đường cảm ứng từ của Trái Đất, nó có thể kích động ra một cơn bão từ.

Các cơn bão từ lớn đã gây ra sự cố mất điện và gây hại đến các vệ tinh truyền thông. Các hạt năng lượng xoáy trong các cơn gió mặt trời có thể làm hỏng cả các thiết bị điện tử và gây hại đến phi hành gia hoặc các hành khách trong các chuyến bay tầm cao.

Trong khi đó, các cơn bão mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến các tầng địa ly và các đài phát thanh truyền thông ở Trái Đất, và cũng phóng các hạt năng lượng vào vũ trụ.

Vì thế, để hiểu và dự đoán được "thời tiết vụ trụ" và ảnh hưởng của hoạt động mặt trời trên Trái Đất, cần hiểu rõ cả về gió mặt trời và bão mặt trời.

Tác hại của bão mặt trời

Khi một cơn bão mặt trời tấn công trái đất, ngoài việc tạo ra cực quang tuyệt đẹp, một cơn bão mặt trời khi tấn công trái đất có thể gây ra sự nhiễu loạn về điện, cũng như điện từ và ảnh hưởng đến cuộc sống trên toàn thế giới.

Khi mặt trời đạt đến mức năng lượng cực đại trong chu kỳ 11 năm của nó, từ các khu vực hoạt động - được gọi là vết đen mặt trời – sẽ bắn ra các dòng hạt tích điện khổng lồ lan tỏa ra khắp hệ mặt trời. Và khi đó, một cơn bão mặt trời dù nhỏ cũng có thể tạm thời gây nhiễu sóng radio và phá vỡ định vị GPS.

Trong lịch sử, cơn bão mặt trời mạnh nhất được ghi nhận có tên Carington, một cơn bão cực mạnh quét qua trái đất năm 1859. Cụ thể, vào ngày 1/9/1859, nhà thiên văn học Richard Carrington đã quan sát được một tia sáng loé lên đột ngột trên một khu vực vệt đen rộng trên mặt trời. Trong vòng 60 giây, tia sáng này bắt đầu biến mất, nhưng vào sáng hôm sau, có các báo cáo về những ánh sáng rất sáng đến nỗi mọi người có thể đọc được báo như trong ban ngày. Cùng lúc đó, nhiều thứ kỳ lạ bắt đầu xảy ra với hệ thống điện tín trên toàn thế giới. Các công ty điện tín rất ngạc nhiên khi có các tia lửa phát ra trên các máy điện tín. Khi họ tháo pin ra khỏi các máy điện tín, vẫn có những tia lửa này bay ra. Theo giải thích, đó là vì sức mạnh của bão mặt trời đã gây ra điện và tạo ra các tín hiệu điện tín.

Như vậy, có thể hình dung bão mặt trời đổ bộ xuống Trái Đất như một cái rây ánh sáng làm tất cả thiết bị điện và định vị ở nhiều nơi chủ chốt trên Trái Đất bị tê liệt, thậm chí làm mất điện toàn cầu.

Các nhà khoa học nghiên cứu về bão mặt trời tin rằng cơn bão này có thể huỷ hoại mọi thứ từ máy bay, các hệ thống dịch vụ khẩn cấp, thiết bị cấp cứu trong bệnh viện, ngân hàng, hệ thôgns điều khiển giao thông, đến máy tính, TV…

Tác động của một cơn bão như thế có thể kéo dài trong nhiều ngày, tuần, thậm chí nhiều tháng vì chúng ta phải giải quyết sự cố mất điện trên toàn Trái Đất, phải phục hồi hệ thống truyền thông.

Toàn bộ thế giới phụ thuộc vào điện và vệ tinh trong cuộc sống hàng ngày vì thế vụ mất điện toàn cầu sẽ thực sự là thảm hoạ. Người ta tin rằng một hiện tượng như thế chỉ xảy ra 1 lần trong 100 năm.

Chúng ta có thể nhìn thấy bão mặt trời không?

Hầu hết năng lượng của các cơn bão mặt trời đi vào các tần số ngoài phạm vi của thị giác, và vì thế chúng ta không thể nhìn thấy các cơn bão mặt trời bằng mắt thường, mà phải quan sát bằng các dụng cụ đặc biệt như kính thiên văn.

Hơn nữa, chúng ta không nên nhìn trực tiếp vào mặt trời vì có thể gây hại cho mắt. Thực chất, bão mặt trời rất khó nhìn do sự phát sáng từ quang quyển. Vì thế, cần có các dụng cụ khoa học chuyên dụng để dò ra các dấu hiệu bức xạ phát ra trong một cơn bão mặt trời.

Từng có dự đoán về một cơn bão vũ trụ sẽ xảy ra vào khoảng cuối năm 2012 đến năm 2013 khi chu kỳ năng lượng từ tính 22 năm của mặt trời trùng hợp với đỉnh điểm mặt trời siêu nóng 11 năm.

Tuy vậy, người ta nghi ngờ liệu những dự đoán về cơn bão mặt trời vào năm 2013 có giống với dự đoán về ngày Tận thế như chúng ta từng biết hồi năm 2012 chỉ là theo lịch của người Maya?

Dù sao, có thể khẳng định một cơn bão mặt trời sẽ không huỷ diệt Trái Đất – và Hành Tinh sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục tồn tại. Nhưng làm thế nào nhân loại sống mà không có điện, dịch vụ truyền thông và Internet?

Để giảm thiểu những tác hại của bão mặt trời, các chuyên gia khuyên chúng ta nên:

- Kiểm soát hệ thống điện áp để giảm tác động của dòng điện giao động đột ngột khi có bão mặt trời.

- Tối đa hoá các phương tiện dự trữ điện để hỗ trợ hoặc bổ sung tải điện khi xảy ra sự cố.

- Ngừng các hoạt động bảo dưỡng để tối đa hoá tính sẵn sàng của hệ thống trong trường hợp một phần hệ thống bị hỏng hóc.

- Giảm tải trọng lên các máy biến áp dễ bị ảnh hưởng.

- Giảm chuyển điện.

Hoàng Lan

Tổng hợp

Chủ đề khác