VnReview
Hà Nội

Sạc smartphone bằng... nước tiểu

Trong tương lai, khi điện thoại hết pin, có thể việc bạn cần làm không phải là cuống cuồng tìm cục sạc mà là uống một cốc nước đầy và đợi 20 phút.

1

Khi bạn cảm thấy khoảnh khắc cần phải "đi hái hoa", vấn đề pin điện thoại sắp cạn kiệt pin cũng sẽ được giải quyết khi một nhà nghiên cứu người Anh đã phát hiện ra cách sạc điện thoại di động với... nước tiểu.

Dĩ nhiên, mọi chuyện không chỉ gói gọn lại trong một câu đơn giản như vậy. Nhưng theo Tiến sĩ Ioannis Ieropoulous, nước tiểu là một nguồn năng lượng tuyệt vời cho các thiết bị điện tử nhỏ. Nguồn điện đặc biệt này là đủ dùng cho bình nước nóng, đèn chiếu sáng, bàn chải răng và dao cạo râu tự động. Kết quả nghiên cứu đột phá của ông đã được công bố trên tạp chí khoa học Physcial Chemistry Chemical Physics (Tạm dịch: Vật lý Hóa học – Hóa học Vật lý).

Song bạn cũng đừng lo lắng: viễn cảnh "tè" lên điện thoại để sạc pin sẽ không xảy ra. Quy trình của tiến sĩ Ieropoulous yêu cầu một loại phần cứng đặc biệt để chuyển đổi năng lượng trong nước tiểu.

Là một tiến sĩ đầu ngành trong năng lượng tế bào vi sinh vật (Microbial Fuel Cell – MFC), tiến sĩ Ieropoulous là người đầu tiên tìm ra cách tạo ra năng lượng trực tiếp từ nước tiểu. Các tế bào vi sinh vật MFC là những sinh vật sống (hay còn gọi là "bugs" - "những con bọ"), có thể được tìm thấy trong đất hoặc chất thải của con người. Nghiên cứu của tiến sĩ Ieropoulous đã phát hiện ra rằng nước tiểu là một nguồn thức ăn rất tốt cho MFC. Chúng tạo ra các electron khi "ăn" nước tiểu.

"Nước tiểu của chúng ta là một nguồn sản phẩm không bao giờ thiếu nguồn cung", Tiến sĩ Ieropoulous khẳng định trong tuyên bố chính thức của mình. "Điều tuyệt vời về nguồn năng lượng này là chúng ta sẽ không phải phụ thuộc lên năng lượng mặt trời, vốn quá bất ổn. Thực tế chúng ta đang tái sử dụng chất thải để tạo ra năng lượng".

Tại phòng nghiên cứu robot Bristol, Anh, rất nhiều bình nước tiểu đang được gắn với các ống đựng chứa đầy MFC. Nước tiểu sẽ lần lượt chạy qua 3 ống đựng, tương đương với 3 lần tái chế. Sau lần thứ 3, chúng ta sẽ có đủ năng lượng để sạc điện thoại.

Khi tiến sĩ Ieropoulos thử nghiệm nghiên cứu kì lạ của mình trên một chiếc smartphone Samsung, ông phát hiện ra rằng pin sạc từ nước tiểu có đủ thời lượng để gửi tin nhắn, lướt web và gọi một vài cuộc gọi.

Ông đã nghĩ về một tương lai khi hệ thống tái chế này được lắp đặt tại các toilet thông minh có thể cung cấp điện năng cho nhiều vật dụng trong nhà. Nghiên cứu này được tài trợ một phần bởi Gates Foundation (tổ chức từ thiện của Bill Gates và vợ), Ủy ban Chiến lược Công nghệ và Hội đồng Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Vật Lý.

"Sử dụng chất thải phổ biến nhất làm nguồn điện là cách tạo năng lượng ‘xanh' nhất có thể", tiến sĩ Ieropoulos tuyên bố.

Việt Dũng

Chủ đề khác