VnReview
Hà Nội

Video tàu ngầm "tỷ đô" thành phế liệu vì một mồi lửa

Hải quân Mỹ đã quyết định sẽ dỡ bỏ tàu ngầm USS Miami vì không đủ tiền sửa chữa, sau khi nó xảy ra 2 vụ cháy gây thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.

Ngày 23/5/2012, ngọn lửa bùng lên trong tàu ngầm hạt nhân USS Miami khi đang khi đang được sửa chữa trên cạn tại xưởng Porstmouth Naval Shipyard ở Maine ngày đã khiến 7 người bị thương.

Điều tra ban đầu của hải quân Mỹ cho rằng ngọn lửa bắt nguồn từ một chiếc máy hút bụi bị chập điện. Tuy nhiên, sau đó, Casey James Fury, một nhân viên dân sự của xưởng đã thừa nhận châm lửa đốt đống giẻ ở gần một máy hút bụi trên cabin của tàu ngầm.

Ủy ban điều tra sự cố USS Miami sau đám cháy đã phát hiện khoang chỉ huy bị cháy khoang chứa ngư lôi, bệ phóng tên lửa bị hư hỏng. Tuy nhiên, may mắn là không có hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ.

Tàu USS Miami trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Trong số 7 người bị thương, có 3 nhân viên cứu hỏa. Lò phản ứng trên tàu không hoạt động và tàu không mang vũ khí khi xảy ra đám cháy.

Ba tuần sau vụ hỏa hoạn, Fury đã gây ra vụ cháy thứ hai. Ngọn lửa lần này bắt ngồn từ một khu vực bên dưới tàu ngầm nơi anh ta làm việc.

Trong cả hai vụ cháy, Fury đều thú nhận với lực lượng điều tra rằng anh ta đốt tàu vì cảm thấy lo lắng ‘cực độ' và muốn được nghỉ sớm.

Một số nguồn tin cho biết vào thời điểm gây ra vụ hỏa hoạn, Fury đang bị căng thẳng vì một số vấn đề liên quan tới bạn gái cũ.

Fury sau đó đã bị kết án 17 năm tù giam và phải bồi thường mức thiệt hại lên tới 400 triệu USD.

Casey James Fury, thủ phạm đốt tàu ngầm hạt nhân USS Miami.

Sau phiên tòa, người ta đã kiểm tra, đánh giá lại một lần nữa mức độ hư hỏng của con tàu. Kết quả là ngọn lửa không chỉ thiêu hủy các thiết bị điện tử mà còn đốt cháy tất cả các thiết bị được làm từ nguyên liệu bắt lửa. Thậm chí, các đường ống dẫn nước bằng kim loại cũng bị hư hỏng. Sức nóng của ngọn lửa đã làm nhiều thanh kim loại trên tàu bị biến dạng, xuất hiện nhiều vết nứt mà để đảm bảo an toàn cần phải thay thế chúng bằng những thanh kim loại mới.

Dự kiến tổng chi phí ban đầu để sửa chữa lại USS Miami vào khoảng 450 triệu USD nhưng sau đó, con số này đã tăng lên tới 700 triệu USD. Số tiền này buộc Hải quân Mỹ phải đứng trước lựa chọn đầy khó khăn: sẽ sửa chữa con tàu vài năm và kết thúc quá trình này vào tháng 5/2015 để có thể kéo dài thời hạn phục vụ của nó thêm nữa, hay từ chối sửa chữa nó trong điều kiện ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm toàn diện?

Cuối cùng thì ngày 6/8 vừa qua, hải quân Mỹ đã quyết định tháo dỡ con tàu vì lo ngại dự án có thể làm cạn kiệt nguồn lực tài chính dành cho các hoạt động khác.

USS Miami được đưa vào hoạt động trong năm 1990 và là 1 trong 42 chiếc tàu ngầm thuộc lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ. Tàu được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và 48 ngư lôi Mark. Chi phí đóng tàu là 900 triệu USD ở thời điểm những năm 1980.

Video tàu ngầm USS Miami bốc cháy:

Theo Tri thức

Chủ đề khác