VnReview
Hà Nội

Vũ khí hóa học Syria được 'mổ xẻ' như thế nào

Mẫu vật do các thanh sát viên Liên Hợp Quốc thu thập từ địa điểm bị cáo buộc tấn công hóa học ở Syria đang được các nhà khoa học phân tích tỉ mỉ trong các phòng thí nghiệm.

Thanh sát viên của Liên Hợp Quốc thu thập bằng chứng tại hiện trường để điều tra cáo buộc rằng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ngày 21/8.

Việc phân tích vũ khí hóa học ở Syria do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Cựu nhân viên cấp cao của OPCW cho biết quá trình phân tích các mẫu vật thu được ở hiện trường có thể kéo dài 7-10 ngày.

"Mẫu vật do các thanh sát viên thu thập được ở Syria được đem đến phòng thí nghiệm của trung tâm OPCW, sau đó chuyển sang các phòng thí nghiệm được chỉ định khác trên thế giới. Kết luận phải có bằng chứng khoa học mạnh mẽ giúp xác định xem vũ khí hóa học đã được sử dụng hay chưa trong cuộc tấn công tại Ghouta, Syria", tiến sĩ Ralf Trapp nói với BBC.

Thanh sát viên của Liên Hợp Quốc thu thập mẫu đất, máu, nước tiểu và tóc của nhiều nạn nhân trong cuộc tấn công và mẫu mô từ các thi thể. Các mẫu được đánh số, chụp ảnh và chuyển tới phòng thí nghiệm trung tâm OPCW trong bình kín. Trong quá trình vận chuyển, các mẫu liên tục được kiểm tra chéo để đảm bảo không có sự nhầm lẫn và kết quả đưa ra là chính xác.

Mỗi mẫu được gửi tới 3 phòng thí nghiệm có đủ thẩm quyền thử nghiệm. Nếu có nhiều mẫu cần phân tích, chúng được chuyển sang nhiều phòng thí nghiệm khác để kiểm tra một cách độc lập.

Mỗi phòng thí nghiệm nhận được hai mẫu giả, một không chứa chất độc thần kinh sarin và một chứa chất độc thần kinh khác hoặc sản phẩm phân hủy của nó, từ đó cho phép OPCW đảm bảo độ chính xác của kết quả. Thời gian phân tích phụ thuộc vào số lượng mẫu và số lượng phòng thí nghiệm liên quan đến việc kiểm tra.

Ngoài ra, mỗi phòng thí nghiệm phải sử dụng hai phương pháp hoàn toàn khác nhau để phân tích. Sau đó phải tiến hành cuộc kiểm tra thứ ba để đánh giá tính chính xác của hai phương pháp trước đó. Quá trình này phải mất nhiều ngày để hoàn thành, các nhà nghiên cứu phải viết một báo cáo gửi lại cho OPCW sau khi kết hợp với nhiều cuộc phỏng vấn, đánh giá, báo cáo của thanh tra y tế.

Hơn 20 phòng thí nghiệm thực hiện quy trình này được đặt ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Pháp và Trung Quốc.

Mục đích của Liên Hợp Quốc và OPCW nhằm để tìm hiểu sự thật về những gì đang xảy ra chứ không phải tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, theo ông Trapp, kết quả có thể làm sáng tỏ lý do vì sao nhiều nạn nhân không có những triệu chứng điển hình khi tiếp xúc với chất độc thần kinh sarin, ví dụ như sự thu hẹp đồng tử mắt và run rẩy, sau khi cuộc tấn công xảy ra.

"Tôi chắc chắn đó là một cuộc tấn công hóa học, nhưng tôi không chắc chắn 100% đó là sarin, hoặc sarin kém chất lượng", Ralf Trapp nói.

Mỹ sẽ phá hủy vũ khí hóa học của Syria bằng cách nào?

Một vấn đề khiến Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tấn công Syria là biện pháp xử lý với kho hóa chất được cho là bao gồm; sarin và BLU-119, chất độc có thể lan tỏa ra không khí và gây chết người hàng loạt.

Sarin cũng giống như hầu hết các loại vũ khí hóa học khác, nó nặng hơn không khí, không bị lan rộng trên mặt đất và dễ bị phân hủy bởi ánh sáng mặt trời và khí oxy. Nó là chất dễ cháy và dễ bị nhiệt phân.

Từ năm 1998, Lầu Năm Góc đã nghiên cứu biện pháp tiêu hủy vũ khí hóa học mà không làm chúng phân tán. Một loại vũ khí có tên gọi là PAW có thể tiêu hủy vũ khí hóa học mà không cần gây nổ đã được ra đời. PAW chỉ phù hợp với những nơi mà kho vũ khí hóa học được đặt cách xa khu dân cư và ít gió, Newscientist cho hay.

Một loại vũ khí khác là BLU-119 có thể phân hủy hóa chất nhanh hơn. Đó là một quả bom nặng 900 kg chứa thuốc nổ và 300 kg phốt pho trắng, khi cháy nhiệt độ lên tới 2.700 độ C. Tuy nhiên, bằng cách này sẽ có một lượng nhỏ sarin còn sót lại có thể lan tỏa vào không khí và gây nguy hiểm.

Hai loại vũ khí trên đều phá hủy kho vũ khí hóa học. Lầu Năm Góc cũng đang nghiên cứu cách sử dụng bọt nhiệt nhôm, chất nổ hỗn hợp có nhiệt độ cao tương tự tên lửa. Họ sử dụng đầu đạn có vỏ làm bằng vật liệu có thể gây nổ dùng trong tên lửa hành trình.

Lầu Năm Góc cũng lập ra các mô hình mô phỏng. Họ nghiên cứu sự phân tán và tỷ lệ hóa chất lan tỏa ra không khí để xây dựng các mô hình tác chiến và hiểu được mối nguy hiểm từ mục tiêu tấn công. Họ cũng đánh giá hiệu quả của một cuộc tấn công ngay sau khi nó xảy ra bằng cách sử dụng máy bay không người lái thu nhỏ gắn vào phần đuôi của quả bom và tự tách ra ngay trước khi bom phát nổ. Nó giúp đưa ra cảnh báo tức thời khi có làn khói độc phát ra.

Tuy nhiên, ngay cả với vũ khí tối tân và kế hoạch hoàn hảo, mục tiêu tấn công có quy mô quá lớn sẽ là thách thức cho quân đội Mỹ.

"Tổng khối lượng ước tính lên tới hàng trăm, thậm chí hàng vạn tấn vũ khí hóa học được phân bố ở hàng chục địa điểm là vấn đề thực sự khó khăn", James Ketchum, chuyên gia về nghiên cứu con người của quân đội Mỹ trong những năm 1960 cho biết. "Vụ nổ có thể giải phóng khí gây chết người, thậm chí nhiệt tạo ra từ phản ứng cũng có thể lấy đi mạng sống", ông nói.

Nhà lý sinh học Brian Hanley cho biết các thành phần tạo ra sarin có thể được lưu trữ riêng rẽ, và người ta chỉ trộn chúng với nhau rồi đem sử dụng ngay. Việc ném bom vào các kho hóa chất có thể gây ra sự trộn hợp các thành phần này và vô tình lại tạo ra sarin. Và theo ông, cách tốt nhất để phá hủy vũ khí hóa học là cho quân đội đổ bộ, tách rời các thành phần và làm ráo nước một cách an toàn

Theo Vnexpress

Chủ đề khác